Với chức năng là cơ quan của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra Việt Nam, Báo Thanh tra đã giương cao ngọn cờ trên mặt trận tư tưởng, truyền thông, mang đến cho độc giả góc nhìn toàn cảnh và chuyên sâu về hoạt động của Thanh tra Chính phủ và toàn ngành, là kênh tiếp thu ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của Thanh tra Chính phủ trong xây dựng Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ Thanh tra Chính phủ.

Điều đáng quý và cảm động là những ý kiến góp ý tâm huyết, ý kiến phản biện có hàm lượng tư duy khoa học cao và tổng kết thực tiễn sâu sắc, với tinh thần trách nhiệm cao của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của Thanh tra Chính phủ.

Việc dự thảo Báo cáo chính trị phải trải qua nhiều lần sửa chữa, bổ sung, tiếp thu ý kiến đóng góp đã khẳng định, Đại hội lần này có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Báo cáo chính trị được chuẩn bị công phu, xứng tầm là một cẩm nang học tập, trau dồi bản lĩnh, rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ cho mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của Thanh tra Chính phủvà trong toàn ngành Thanh tra…

Nhìn lại 5 năm qua, quả là một nhiệm kỳ đầy khó khăn, thách thức nhưng cũng rất đỗi tự hào của Đảng bộ Thanh tra Chính phủ và tổ chức Đảng các cấp trong toàn ngành. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác thanh tra đã góp phần đặc biệt quan trọng thực hiện công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng. Kết quả lãnh đạo và nỗ lực của toàn ngành đã góp phần thực hiện tốt chức năng, vai trò là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng  phí, thúc đẩy phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đã thể hiện những kết quả nổi bật của Thanh tra Chính phủ trong nhiệm kỳ qua, thông qua số liệu tổng hợp đầy thuyết phục, chẳng hạn như: 5 năm qua, Thanh tra Chính phủ ban hành 117 kết luận thanh tra; phát hiện vi phạm 134.292 tỷ đồng, 31.923ha đất; kiến nghị thu hồi 62.423 tỷ đồng; kiến nghị kiểm điểm, xử lý nhiều tập thể, cá nhân vi phạm; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 41 vụ việc, 61 đối tượng; đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 124 kết luận và việc xử lý sau thanh tra, thu hồi 26.511 tỷ đồng (đạt 78%), 10.530ha đất (đạt 81%), đôn đốc xử lý 1.354 tập thể, 5.277 cá nhân, chuyển cơ quan chức năng khởi tố 68 vụ, 165 đối tượng.

Những con số “biết nói” trên có ý nghĩa gì? Rõ ràng, bên cạnh việc nó chứng minh kết quả lãnh đạo quyết liệt, đúng hướng của Đảng bộ Thanh tra Chính phủ, những con số ấy gợi cho chúng ta rất nhiều trăn trở, nghĩ suy. Số vụ việc tiêu cực được phát hiện càng nhiều, chứng tỏ nền kinh tế và đời sống xã hội của đất nước còn rất nhiều việc phải làm. Tham nhũng chưa được xử lý triệt để. Lãng phí vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Tình trạng “lợi ích nhóm” diễn biến phức tạp và tinh vi. Với ngành của chúng ta, thanh tra để phát hiện tiêu cực là một thành tích lớn, nhưng nếu thanh tra mà không phát hiện, không phải xử lý tiêu cực mới là một thành tựu, mới là điều toàn dân mong đợi. Vì vậy, bổn phận của nhiệm vụ lãnh đạo công tác thanh tra là lấy xây để chống, lấy răn đe, phòng ngừa làm trọng. Qua những vụ việc tiêu cực được thanh tra phát hiện, ai cũng mong muốn tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí sẽ không tái diễn, những ai tay đã trót nhúng chàm phải biết tự gột rửa để sửa chữa, xứng đáng là công bộc, đầy tớ của nhân dân…

Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thanh tra Chính phủ lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025 tiến hành theo phương châm: ĐOÀN KẾT - DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG - TRÁCH NHIỆM. Đây chính là 4 trụ cột của chủ trương, mục tiêu và các giải pháp lãnh đạo, được cụ thể hóa đầy đủ, sinh động trong Báo cáo chính trị trình Đại hội, trong Nghị quyết của Đại hội và Nghị quyết lãnh đạo thường kỳ sau Đại hội của tổ chức Đảng các cấp trong toàn ngành. Để xác định rõ, xác định đúng và trúng phương châm Đại hội, chủ trương, giải pháp lãnh đạo, Ban Chấp hành Đảng bộ Thanh tra Chính phủ đã cầu thị, dân chủ, thực hiện một “Hội nghị Diên Hồng” của ngành. Thế nên 4 trụ cột ấy không chỉ là phương châm của một kỳ Đại hội Đảng, mà nó là sự thể hiện ý chí, khát vọng, niềm tin của toàn dân và hệ thống chính trị cả nước đối với Đảng bộ Thanh tra Chính phủ và toàn ngành Thanh tra.

Nói như thế để thấy, chúng ta đã và đang gánh vác trên đôi vai mình những trọng trách vô cùng nặng nề nhưng cũng đầy vinh quang, tự hào, được Đảng tin cậy, được dân phó thác. Kết quả lãnh đạo và thực hiện nhiệm vụ nhiệm kỳ qua và truyền thống của Thanh tra Việt Nam đã tạo bệ đỡ, niềm tin, động lực vững chắc để chúng ta phát huy trong nhiệm kỳ tới.

Báo cáo chính trị trình Đại hội đã tập trung phân tích, đánh giá, rút ra những bài học cốt lõi trong công tác lãnh đạo trên lĩnh vực giáo dục, chấn hưng tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ thanh tra theo những chuẩn mực của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và “cẩm nang” của Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII). Trong nhiệm kỳ qua, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ Thanh tra Chính phủ, tổ chức Đảng các cấp, đặc biệt là vai trò của từng Chi bộ Đảng, đã thực hiện thành công nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả nhằm trui rèn bản lĩnh chính trị, tư tưởng đạo đức, phong cách người cán bộ thanh tra. Để thực hiện tròn chức năng “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới” theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu, mỗi cán bộ thanh tra bên cạnh tinh thông nghiệp vụ, giỏi về năng lực chuyên môn, đòi hỏi phải thực sự có phẩm chất đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có phong cách sống và làm việc chặt chẽ, đúng mực, nghiêm túc và gần gũi.

Xưa nay, thanh tra được xếp vào danh mục ngành nghề nhạy cảm. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, ranh giới giữa tính nhân văn nghề nghiệp và sự dễ dãi, buông lơi, sa ngã chỉ là một lằn ranh cực kỳ mong manh. Ở đó, đôi khi chúng ta có cảm giác như người giữ thăng bằng đi trên dây. Giữ được mình thì Đảng cậy, dân nhờ, tiếng thơm của ngành được giữ vững. Bằng không thì rơi xuống vực thẳm, hậu họa khôn lường. Chính vì vậy, trong nhiệm kỳ tới, yêu cầu đặt ra về giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ thanh tra được Đại hội đặt lên là một trong những tiêu chí hàng đầu.

Mục đích cao nhất của nhiệm vụ thanh tra là ngăn ngừa sai phạm, giữ cho môi trường kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước ổn định và phát triển bền vững. Trong xã hội có giai cấp và đấu tranh giai cấp, công tác thanh tra đóng vai trò quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi cuộc đấu tranh giai cấp, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Khi lẽ phải trở thành trường văn hóa trong đời sống xã hội thì cái xấu, cái tiêu cực, biểu hiện cụ thể trong xã hội hiện nay là tham nhũng, “lợi ích nhóm”… càng có những biểu hiện tinh vi nhằm né tránh, qua mắt thanh tra.

4 trụ cột của Đại hội lần này không chỉ là nhiệm vụ lãnh đạo của một nhiệm kỳ, mà nó còn là nền móng vững chắc cho tầm nhìn cho tương lai, khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển như vũ bão. Công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo sẽ tiếp tục can thiệp sâu sắc toàn diện vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội. Vì thế, hiện đại hóa công tác thanh tra, dựa vào dân để thanh tra, trung thành tuyệt đối với lý tưởng của Đảng trong toàn ngành là những đòi hỏi tất yếu nhằm tăng cường đoàn kết, phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương, chủ động gương mẫu, đề cao hiệu quả…

Tin tưởng vào Đại hội, mỗi cán bộ, đảng viên Thanh tra cùng nắm tay nhau tự hào tiếp bước!

Tùy bút của PHAN TÙNG SƠN