Cần coi trọng sự ổn định của đơn vị được thanh tra

 Chia sẻ với phóng viên, Chánh Thanh tra Bộ KH&CN Đặng Quang Huấn tâm sự, trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau nhưng ông luôn nhớ vững nguyên tắc làm nghề thanh tra. Đó là thượng tôn pháp luật, công khai, minh bạch trong hoạt động và coi trọng sự ổn định, phát triển của đơn vị, đối tượng được thanh tra.

Thanh tra Bộ KH&CN, ngoài việc giúp Bộ trưởng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật KH&CN, còn thực hiện các chức năng quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) và phòng, chống tham nhũng (PCTN); tiến hành thanh ra hành chính tại các đơn vị thuộc bộ, thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực KH&CN; thực hiện công tác PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ KH&CN theo quy định của pháp luật.

Nhiều năm qua, Thanh tra Bộ KH&CN đã được công nhận và được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2009; Cờ Thi đua của Bộ KH&CN năm 2010, 2011; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2013; Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2014; Bằng khen của Tổng Thanh tra Chính phủ năm 2014, 2015.
Tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành Thanh tra năm 2020, Thanh tra Bộ KH&CN được Tổng Thanh tra Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tiếp công dân và giải quyết KNTC. 

Theo ông Huấn, một trong những lĩnh vực gặp nhiều khó khăn nhất là công tác giải quyết KNTC và PCTN liên quan đến sở hữu trí tuệ. Các đơn KN có nội dung liên quan đến việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp đều phức tạp gắn liền với các yếu tố kỹ thuật chuyên sâu, yêu cầu người giải quyết đối thoại trực tiếp với các bên và xem xét kỹ lưỡng các bằng chứng, lập luận có liên quan để giải quyết, một số quy định của văn bản pháp luật chưa thực sự rõ ràng nên đôi lúc dẫn đến cách hiểu khác nhau.

Mặt khác, sự hiểu biết pháp luật trong lĩnh vực này của một số chủ thể có liên quan chưa thật đầy đủ, hoặc trong quá trình lập hồ sơ đề nghị bảo hộ đã không cung cấp được đầy đủ tài liệu theo quy định, nên khi bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ đã phát sinh KN.

“Vì thế, việc giải quyết KNTC trong lĩnh vực này hết sức khó khăn và phức tạp, đòi hỏi vừa phải có chuyên môn về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, vừa phải nắm vững nghiệp vụ thanh tra”, ông Huấn nói.

Trong công tác thanh tra, trong năm 2020, thanh tra ngành KH&CN đã triển khai thanh tra, kiểm tra đối với 2.016 cơ sở. Trong đó, lĩnh vực thanh tra, kiểm tra chủ yếu về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và sở hữu công nghiệp là 1.831 cơ sở. 

Đặc biệt, Thanh tra Bộ đã tiến hành thanh tra 146 cơ sở lĩnh vực an toàn bức xạ. Qua thanh tra, phát hiện vi phạm và xử phạt 7 cơ sở.

Ông Huấn cho rằng, để giải quyết những khó khăn đó, ngoài sự nỗ lực, cố gắng của tập thể lãnh đạo cùng toàn thể công chức và người lao động trong đơn vị, cùng với sự thống nhất chỉ đạo của các cấp ủy lãnh đạo, thì việc thực hiện các nhiệm vụ công tác phải dựa trên 3 nguyên tắc: Quy phạm pháp luật, sự ổn định trong đơn vị được thanh tra, giải quyết cái gì cũng phải có lý, có tình, vì tập thể và lấy đoàn kết là vai trò trọng điểm để vượt qua khó khăn, thách thức.

“Bản thân tôi rất tán thành nguyên tắc làm thanh tra là không những phải có uy mà còn phải có tín. Uy là quyền lực Nhà nước, thay mặt Nhà nước, thượng tôn pháp luật. Tín ở đây tôi muốn nói đến là trách nhiệm, là tri thức, là cách nói năng, ứng xử với các đối tượng mà người cán bộ thanh tra cần chuẩn mực, giữ chữ tín”, ông Huấn nhấn mạnh.

Nhắc lại câu nói của Bác Hồ “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”, Chánh Thanh tra cho rằng, quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra rất khó khăn, người cán bộ thanh tra phải giúp cấp trên kiểm tra, làm rõ, xem xét cẩn trọng, nhưng cũng phải giúp cấp dưới sửa chữa, khắc phục những thiếu sót… và quá trình xem xét, xử lý phải vận dụng sáng tạo trong điều kiện cụ thể, chứ không được cứng nhắc, máy móc.

Thủ trưởng thì phải có kỹ năng quản trị và cần có tâm

Năm 2020 là một năm khó khăn đối với Thanh tra Bộ KH&CN trong việc triển khai, thực hiện kế hoạch thanh tra. Tuy nhiên, Thanh tra Bộ đã quyết tâm hoàn thành kế hoạch đề ra, trong đó công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tiếp công dân, giải quyết KNTC được lãnh đạo bộ và Thanh tra Chính phủ đánh giá cao.

Thanh tra Bộ chủ trì triển khai nghiên cứu và xây dựng Dự thảo Nghị định (sửa đổi, bổ sung) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

“Quá trình thanh tra, xử lý vi phạm hành chính, cùng với kết quả theo dõi, tổng hợp ý kiến phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân trong quá trình áp dụng Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Thanh tra Bộ nhận thấy phát sinh nhiều bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp”, ông Huấn cho biết.

Cũng xuất phát từ yêu cầu của ngành KH&CN, từ việc hoàn thiện chính sách, pháp luật thực tiễn và hội nhập quốc tế, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 cần phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung. Trong đó, có nhiều nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra Bộ như giải quyết KN về xác lập quyền sở hữu công nghiệp, thực thi quyền sở hữu công nghiệp, giám định sở hữu trí tuệ. Thanh tra Bộ đã cử đại diện tham gia tổ biên tập, bổ sung luật.

Bên cạnh đó, các cán bộ của Thanh tra Bộ cũng rất tích cực tham gia tổ biên tập, ban soạn thảo xây dựng Dự thảo Luật Thanh tra, Luật Xử lý vi phạm hành chính, tích cực tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành chủ trì xây dựng đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng ý kiến đóng góp...

Về mặt công tác tiếp dân, giải quyết KN,TC luôn được Thanh tra Bộ quan tâm giải quyết, tham mưu giải quyết kịp thời chính xác, khách quan, đúng thẩm quyền theo quy định. Năm 2020, Thanh tra Bộ đã tiếp nhiều lượt công dân đến đề nghị, đề đạt nguyện vọng và đã hướng dẫn, giải đáp vướng mắc của công dân theo quy chế tiếp công dân của bộ và quy định của pháp luật, không để phát sinh điểm nóng, phức tạp về tình hình KNTC.

Chia sẻ về nguyên tắc lãnh đạo, ông Huấn nhấn mạnh: Phàm là thủ trưởng thì điều đầu tiên là phải có kỹ năng quản trị, kèm theo đó cần phải có tâm.

“Khi làm thủ trưởng, cần phải nhất ngôn, nói là làm, nói thế nào làm thế đấy. Đồng thời, phải tin tưởng vào cấp phó của mình, giao cho cấp phó những việc làm giúp mình và toàn quyền quyết định những việc đó, nhưng phải kiểm soát. Trong công việc, nếu chưa phù hợp thì mình phải đồng hành với cấp phó để khơi thông”, ông Huấn nói.

Coi thanh tra sở là cánh tay nối dài của mình

 Chánh Thanh tra Bộ KH&CN cho biết thêm, đơn vị cũng là đầu mối tham mưu, giúp việc Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ về công tác PCTN tại bộ. Đặc biệt là việc thành lập tổ tham mưu giúp việc Ban Cán sự Đảng Bộ KH&CN về công tác PCTN mà tổ trưởng chính là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ, thành viên chính là ủy viên chuyên trách của Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ.

“Đây là điểm mới trong công tác PCTN tại Bộ KH&CN thời gian qua, khắc phục được những hạn chế, kế thừa và phát huy hơn nữa so với mô hình công tác PCTN trước đây”- ông Huấn nhấn mạnh.

Đặc biệt, đầu tháng 11/2020, Thanh tra Bộ phối hợp với 9 bộ, ngành (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Tài chính; Bộ Công thương; Bộ Công an; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Thông tin và Truyền thông; Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao) đã tổ chức hội nghị ban thường trực về hành động chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 3. Đây là hoạt động có hiệu quả đặc biệt trong điều kiện Việt Nam gia nhập các hiệp định song phương và đa phương, nhằm thúc đẩy bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thúc đẩy sự sáng tạo Việt Nam.

Trong thời gian tới, Thanh tra Bộ KH&CN tiếp tục quán triệt chỉ đạo của Bộ trưởng, hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ để xây dựng, thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2021, với phương châm hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển trong thời kỳ hậu Covid-19. Mặt khác, không để chồng chéo trong hoạt động thanh tra.

“Thanh tra Bộ và thanh tra sở có kết nối với nhau và với phương thức hành động là Thanh tra Bộ phải coi thanh tra sở là cánh tay nối dài của mình, trên cơ sở Thanh tra Bộ là cơ quan cầm tay chỉ việc để thanh tra địa phương làm”, ông Huấn nhấn mạnh.

Thái Hải