Trước thực tế điều kiện kinh tế xã hội những năm qua đã có nhiều thay đổi, hệ thống pháp luật nói chung và của ngành Thanh tra nói riêng đã có nhiều sửa đổi so với thời điểm Luật Thanh tra được ban hành vào năm 2010, Thanh tra Chính phủ đã có kiến nghị và được Quốc hội đưa Luật Thanh tra vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Thực hiện Quyết định số 999/QĐ-TTg, Thanh tra Chính phủ đã Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) với 8 nội dung cơ bản như sau: Về trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan Nhà nước; về tổ chức, chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp thanh tra theo cấp hành chính; về cơ quan thanh tra theo ngành lĩnh vực; thanh tra viên; hoạt động thanh tra; về thực hiện kết luận thanh tra; phối hợp trong hoạt động thanh tra và việc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, giữa thanh tra và kiểm toán; về thanh tra nhân dân.

leftcenterrightdel
Các đại biểu tham gia hội thảo. Ảnh: TH 

Ông Đinh Văn Minh cho biết: Trên cơ sở góp ý của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, cá nhân, Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập đã hoàn thiện Dự thảo Luật, tờ trình và các tài liệu có liên quan. Được sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Bộ Tư pháp trao đổi, thống nhất và hoàn thiện dự thảo để trình Chính phủ vào tháng 12 năm 2021. Đây đã là buổi hội thảo thứ 2 về Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), rất mong muốn nhận được những ý kiến thảo luận của thanh tra các tỉnh, các sở, ngành, các huyện để hoàn thiện thêm.

leftcenterrightdel
Chánh Thanh tra tỉnh Bắc Giang Trương Văn Nam tham gia thảo luận. Ảnh: TH 

Tham gia thảo luận, ông Trương Văn Nam - Chánh Thanh tra tỉnh Bắc Giang phát biểu: Trong Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) lần này đã có một số điểm mới. Đối với việc tiếp dân nên giữ nguyên mô hình tiếp dân như hiện nay. Khi đối tượng không đồng ý với kết luận, có khiếu nại thì xử lý như thế nào, có xem xét lại kết luận hay không. Cần có chế tài cho việc thực hiện kết luận sau thanh tra, nếu luật hóa được thì sẽ thuận lợi khi thi hành. Hiện nay trong công tác thanh tra, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, tiếp dân, chưa có quy định về xử lý hành chính. Đối với tổ chức thanh tra cấp sở nên giao thẩm quyền cho chủ tịch UBND tỉnh quyết định tùy theo thực tế của địa phương. Luật nên lượng hóa số lượng công chức thanh tra theo quy mô dân số, hoặc diện tích để tiện cho việc bố trí nhân lực của địa phương.

Theo ông Nguyễn Nhân Bình - Phó trách Thanh tra tỉnh Bắc Ninh: Việc giám sát đoàn thanh tra và thẩm định kết luận, chỉ phù hợp với cấp tỉnh. Nếu chuyển ban tiếp dân về cơ quan thanh tra thì đề nghị thành lập phòng tiếp dân do 1 phó chánh thanh tra phụ trách. Hiện nay khi thực hiện kết luận nếu đối tượng không thực hiện thì cơ quan thanh tra không đủ thẩm quyền, chế tài để yêu cầu thực hiện đang là một trở ngại.

Đại diện Thanh tra tỉnh Thanh Hóa có ý kiến: Trong việc tiếp dân, đối với cấp huyện thì nên sát nhập vào cơ quan thanh tra còn ở cấp tỉnh giữ nguyên. Đối với thanh tra chuyên ngành ở cấp sở, nên giao thẩm quyền cho cấp tỉnh quyết định. Đề nghị quy định tại các cơ quan thanh tra bên cạnh thanh tra viên bổ sung thêm công thức thanh tra cho phù hợp với thực tế. Đề nghị không đưa vào luật việc xin ý kiến khi ký ban hành kết luận thanh tra của thủ trưởng (Điều 88).

Chánh Thanh tra huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình cho biết: Có những bất cập của tổ chức thanh tra cấp huyện, với chức năng thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật do thiếu về lực lượng và không có đủ chuyên ngành để triển khai, khi thanh tra các lĩnh vực chuyên ngành thường phải trưng tập nên dẫn đến kém hiệu quả. Nếu duy trì chức năng thanh tra việc chấp hành chính sách và pháp luật thì cần tăng thêm nhân lực và chuyển thẩm quyền ký quyết định thanh tra cho chủ tịch huyện.

leftcenterrightdel
Ông Đinh Ngọc Văn - Chánh Thanh tra tỉnh Nam Định đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Ảnh TH 

Đồng quan điểm, ông Đinh Ngọc Văn, Chánh Thanh tra tỉnh Nam Định cho rằng: Nếu giữ nguyên tổ chức thanh tra huyện cần tăng thêm biên chế. Nên giao việc thanh tra trách nhiệm UBND cấp xã cho thanh tra huyện thực hiện sẽ phù hợp hơn. Trong dự thảo lần này mới quy định về xử lý chồng chéo ở ngành Thanh tra và thanh tra với kiểm toán, chưa xử lý chồng chéo với cơ quan kiểm tra và giám sát…

Tiếp thu những ý kiến tham luận tâm huyết của các đại biểu, ông Đinh Văn Minh cho biết sẽ cùng Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập nghiên cứu để đưa vào hoàn thiện, từ nay đến khi luật được ban hành vẫn còn thời gian để tiếp nhận và xem xét các ý kiến đóng góp cho dự thảo.

Trung Hà