UBND tỉnh Hà Giang cho biết, quý I/2023, các tổ chức thanh tra trong tỉnh đã triển khai, thực hiện 34 cuộc thanh tra hành chính, trong đó, kỳ trước chuyển sang 22 cuộc, trong kỳ 12 cuộc (có 29 cuộc theo kế hoạch và 5 cuộc đột xuất). Ban hành 18 kết luận thanh tra đối với 16 cuộc, phát hiện sai phạm hơn 11 tỷ đồng, trong đó, kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước hơn 10 tỷ đồng, xử lý khác hơn 1 tỷ đồng. Sai phạm chủ yếu như: Xác định sai nghĩa vụ tài chính về đất; chi sai phụ cấp; thanh toán tiền không có chứng từ; chi hỗ trợ không đúng quy định; thi công thiếu khối lượng công trình…

Song song với công tác thanh tra hành chính, các tổ chức thanh tra đã triển khai, thực hiện 40 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực kinh doanh hàng hóa, vật tư, dịch vụ; lĩnh vực tài nguyên - môi trường; đầu tư xây dựng cơ bản; hành nghề y, dược tư nhân; vệ sinh an toàn thực phẩm và một số lĩnh vực khác…

Qua thanh tra, kiểm tra, phát hiện 8 tổ chức, cá nhân vi phạm hơn 217 triệu đồng, các lỗi vi phạm chủ yếu: Vi phạm an toàn giao thông; vi phạm tải trọng xe; hành nghề khám bệnh, chữa bệnh không giấy phép hoạt động; vi phạm quy định trong lĩnh vực khoáng sản... Ban hành 45 quyết định xử phạt vi phạm hành chính (đối với 27 tổ chức, 18 cá nhân) với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng, xử phạt bằng hình thức khác đối với 1 tổ chức và 5 cá nhân.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đánh giá, từ đầu năm đến nay, các tổ chức thanh tra đã chủ động tập trung hoàn thành các cuộc thanh tra năm trước chuyển sang và bám sát chương trình, kế hoạch năm 2023 được phê duyệt để triển khai, thực hiện nhiệm vụ đúng nội dung, thời gian theo quy định.

Tuy nhiên, tiến độ thanh tra của một số đoàn còn chậm, kéo dài; còn để xảy ra tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra; một số cơ quan tham mưu thực hiện chức năng quản lý Nhà nước theo ngành, lĩnh vực còn buông lỏng quản lý, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng.

Nguyên nhân của những hạn chế là do số lượng biên chế được giao cho ngành Thanh tra còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay.

Bên cạnh đó, thanh tra các sở, ngành, các huyện, thành phố biên chế đã thiếu lại thường xuyên luân chuyển nên đã ảnh hưởng lớn đến việc hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài ra, lĩnh vực thanh tra, kiểm tra thuộc nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau nên trình độ, nghiệp vụ của cán bộ, công chức hiện có chưa đáp ứng, bao quát và chuyên sâu được hết các lĩnh vực.

Thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, triển khai có liên quan. 

Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng các kết luận thanh tra theo đúng quy định của pháp luật; khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra; tập trung tiến hành các cuộc thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vị phạm liên quan đến những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng và những lĩnh vực nổi cộm, bức xúc mà xã hội quan tâm như: Quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, quy hoạch và trật tự xây dựng...

Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các đoàn thanh tra, thẩm định, công khai kết luận thanh tra; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra; nâng cao tỷ lệ thu hồi sau thanh tra.

Bùi Bình