Thanh tra tỉnh thường xuyên quán triệt, phổ biến tới toàn thể công chức, người lao động trong cơ quan về các chủ trương của Đảng, nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, công chức, người lao động trong toàn ngành về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số.

Thanh tra tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số gồm 12 thành viên; thành lập câu lạc bộ chuyển đổi số Thanh tra tỉnh; ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của câu lạc bộ chuyển đổi số, qua đó nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, lan tỏa thông tin về mục đích, ý nghĩa và lợi ích mà chuyển đổi số đem lại.

Năm 2022, tỷ lệ hồ sơ công việc tại Thanh tra tỉnh được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước, hồ sơ thực hiện công tác thanh tra, tham mưu giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo) đạt 100%.

100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất. 100% văn bản trao đổi giữa Thanh tra tỉnh với các cơ quan Nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng, trừ văn bản mật theo quy định.

60% báo cáo (không bao gồm nội dung mật) của Thanh tra tỉnh với các cơ quan nhà nước được cập nhật, chia sẻ trên Hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh, kết nối với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành. Toàn bộ báo cáo định kỳ hằng quý, 6 tháng, 9 tháng của toàn ngành được thực hiện trên phần mềm báo cáo của Thanh tra Chính phủ.

100% tỷ lệ tài liệu lưu trữ lịch sử được số hóa, lưu giữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định.

Thanh tra tỉnh đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu, trình UBND tỉnh dự thảo văn bản chỉ đạo về triển khai, thực hiện; tổng hợp báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh một số nội dung triển khai, thực hiện. Đến nay, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, các cơ quan theo hệ thống ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh đã bước đầu áp dụng thực hiện hoạt động giám sát, kiểm tra trên môi trường mạng.

Qua tổng hợp có 231 hoạt động giám sát, kiểm tra, trong đó có 78 hoạt động thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan, đạt tỷ lệ 33,8% (vượt 13,8% chỉ tiêu năm 2022 đề ra đối với hoạt động giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý).

Chánh Thanh tra tỉnh Yên Bái Nguyễn Kiều Phương cho biết, việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về chuyển đổi số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã giúp cho toàn thể công chức, người lao động trong cơ quan nâng cao nhận thức về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số.

Năm 2022, cán bộ, công chức Cơ quan Thanh tra tỉnh đã tích cực sử dụng hộp thư điện tử công vụ của tỉnh và văn bản điện tử để trao đổi thông tin nhằm giảm thiểu việc mất an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động của cơ quan; đổi mới việc trình bày báo cáo các cuộc hội nghị, tập huấn trên hệ thống mạng, tiết giảm được giấy tờ hành chính; duy trì và thực hiện có hiệu quả hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp của tỉnh, 100% văn bản đi, đến và công việc (trừ văn bản mật) được thực hiện trên hệ thống này, tiết kiệm tối đa thời gian, chi phí.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng văn bản điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành, Thanh tra tỉnh đã tập trung vào đào tạo đội ngũ công chức thành thạo về công nghệ thông tin, hiểu về quy trình, hệ thống, thống nhất áp dụng từ lãnh đạo đến công chức trong cơ quan, vì vậy, mọi công việc, văn bản xử lý của hệ thống điều hành tác nghiệp của tỉnh đều được xử lý, giải quyết theo đúng quy trình, đúng thời hạn và chất lượng theo quy định.

Bùi Bình