Ông Trương Hồng Dương - Chánh Thanh tra Bộ KH&CN cho biết, với yêu cầu gắn việc tập huấn chuyên môn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành KH&CN với những vấn đề “nóng”, mang tính thời sự, được dư luận xã hội quan tâm nên nội dung tập huấn năm nay tập trung chủ yếu vào những hoạt động thanh tra chuyên đề, cụ thể là: Lĩnh vực đề tài, dự án KH&CN gắn việc tập huấn với hoạt động thanh tra về chương trình nông thôn miền núi; đối với lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng thì tập trung 2 mảng là: Chất lượng xăng, dầu, khí hóa lỏng và mã số, mã vạch. Về lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT) được tập trung vào các vấn đề mới phát sinh trong xử lý xâm phạm quyền SHTT như tên miền xâm phạm quyền SHTT, xâm phạm quyền SHTT trong thương mại điện tử; xử lý xung đột quyền SHTT...

Cũng theo ông Trương Hồng Dương, trong thời gian gần đây, hoạt động của Thanh tra KH&CN nói chung và của Thanh tra Bộ KH&CN nói riêng có những chuyển biến tích cực đáng ghi nhận, đóng góp vào sự phát triển của KH&CN nước nhà: Tiếp tục khẳng định vai trò đầu mối, chỉ đạo đối với thanh tra chuyên đề diện rộng trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng; bước đầu khẳng định vai trò quản lý Nhà nước về thanh tra KH&CN đối với các bộ, ngành qua thanh tra các đề tài, dự án KH&CN ở Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương, trong đó có Bình Định…

Đặc biệt về lĩnh vực SHTT, Thanh tra Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan giải quyết thành công nhiều vụ việc phức tạp (tranh chấp giữa các doanh nghiệp liên quan đến nhiều lĩnh vực, kéo dài trong nhiều năm); tăng cường đối thoại trong giải quyết khiếu nại và xử lý xâm phạm quyền SHTT, góp phần đáng kể trong ngăn chặn khiếu kiện kéo dài, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Ngoài ra, trong năm qua, Thanh tra Bộ đã phát huy vai trò là đầu mối trong việc phối hợp với các đơn vị có liên quan trong Bộ (Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Cục SHTT, Cục An toàn bức xạ hạt nhân…) hướng dẫn, thống nhất trong việc định hướng xử lý các vấn đề phức tạp mà Sở KH&CN các địa phương quan tâm; trả lời những vướng mắc khó khăn về chuyên môn nghiệp vụ trong quá trình thực hiện pháp luật về thanh tra KH&CN.

Tại hội nghị, nhằm giúp các Sở KH&CN địa phương nắm bắt được xu hướng và phương thức xử lý đối với những vụ việc cụ thể, đại diện Thanh tra Bộ đã trình bày “Một số vấn đề về thực thi quyền SHTT ở Việt Nam” với nhiều nội dung mới và thiết thực như: Xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trong thương mại điện tử; lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền; Xử lý hành vi quảng cáo xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp; Xử lý xâm phạm trong trường hợp xung đột quyền; Tăng cường đối thoại trong xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Cũng trong hội nghị lần này, các đại biểu còn được lắng nghe và thảo luận các chuyên đề về các Thông tư quản lý Chương trình "Nông thôn miền núi" (NTMN) giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020; một số vấn đề về thanh tra các dự án thuộc Chương trình NTMN; quản lý Nhà nước về đo lường, chất lượng đối với xăng dầu và hướng dẫn nghiệp vụ kiểm tra phương tiện đo, lấy mẫu thử nghiệm chất lượng xăng dầu; quản lý nhà nước về mã số mã vạch và hướng dẫn nội dung kiểm tra việc quản lý, sử dụng mã số mã vạch; Áp dụng Nghị định 119/2017/NĐ-CP để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Qua hội nghị tập huấn, Thanh tra Bộ mong muốn rằng các đại biểu chú trọng và tăng cường trao đổi giữa báo cáo viên và học viên, trao đổi giữa các Sở với nhau, gắn kết giữa lý thuyết và thực tiễn, thẳng thắn chia sẻ những vấn đề còn chưa rõ, những khó khăn, bất cập trong thực tiễn hoạt động thanh tra để làm sáng tỏ những vấn đề cùng quan tâm. Từ đó định hướng tốt cho việc xây dựng và triển khai kế hoạch công tác thanh tra; tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về KH&CN.

Nam Dũng