Chấn chỉnh nhiều vi phạm

Qua thanh tra, phát hiện vi phạm và kiến nghị xử lý số tiền hơn 20,9 tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu hồi nộp về ngân sách Nhà nước hơn 17,9 tỷ đồng (tăng hơn 8,2 tỷ đồng so với năm 2018); giảm trừ số tiền hơn 3 tỷ đồng; ban hành 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền hơn 227,5 triệu đồng; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm một số tập thể và cá nhân.

Lực lượng thanh tra chuyên ngành nông nghiệp đã tiến hành 5.256 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 26.705 đối tượng, phát hiện 9.683 đối tượng có hành vi vi phạm. Đã ban hành 8.811 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 69,4 tỷ đồng.

Thực hiện công tác xử lý sau thanh tra, Bộ đã đôn đốc Cty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Nông sản thực phẩn Hà Nội thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ. Chỉ đạo và đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thuộc bộ thực hiện các kết luận thanh tra của Bộ, Thanh tra Bộ.

Qua công tác đôn đốc, các đơn vị đã nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm và làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến thiếu sót, sai phạm; cơ bản đã khắc phục tồn tại theo kết luận thanh tra. Về xử lý kinh tế, các đơn vị đã chấp hành giảm trừ thanh toán theo kết luận thanh tra; đã nộp vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ số tiền hơn 7,5 tỷ đồng. Số tiền nộp vào ngân sách Nhà nước theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính là hơn 5,6 tỷ đồng.

Trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ông Tiến cho biết, năm 2019, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã tiếp 59 cuộc với 281 lượt công dân (trong đó có 15 đoàn đông người - tăng 18 cuộc tiếp với 143 lượt công dân); tiếp nhận 352 đơn thư. Qua phân loại, có 188 đơn đủ điều kiện xem xét, xử lý. Thanh tra Bộ đã tham mưu lãnh đạo Bộ xử lý một số đơn thư thuộc thẩm quyền giải quyết; đã ban hành 20 văn bản hướng dẫn công dân và 138 văn bản chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, 6 văn bản đôn đốc việc giải quyết đơn và 24 văn bản khác.

Các tổng cục, cục thuộc bộ tiếp nhận 362 đơn. Có 14 đơn đủ điều kiện xử lý và 7 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết. Đến nay, đã xử lý xong 7 đơn thư thuộc thẩm quyền. Nội dung chủ yếu về việc đền bù thiệt hại do sự cố môi trường tại dự án Formosa Hà Tĩnh.

Thanh tra Bộ cũng triển khai 6 cuộc thanh tra về trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng đối với 7 cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.

Ông Tiến cho biết, đạt được kết quả trên là do được sự quan tâm, tin tưởng và chỉ đạo sát sao của ban cán sự, lãnh đạo bộ; sự đoàn kết, nhất trí, khắc phục khó khăn, sự cố gắng tự nâng cao năng lực, trao đổi kinh nghiệm, nghiệp vụ của lực lượng thanh tra chuyên ngành; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa ngành Nông nghiệp với các ngành liên quan, đặc biệt là các đơn vị thuộc Bộ Công an như A04, C03, C05; sự phối hợp giữa Thanh tra Bộ với Thanh tra các tổng cục, cục thuộc Bộ và Thanh tra các sở, các chi cục thuộc sở.

Thông qua việc phối hợp, đã hỗ trợ cho Thanh tra Bộ NN&PTNT trong phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý vật tư nông nghiệp và bảo đảm an toàn thực phẩm, nông, lâm, thủy sản, đặc biệt là đối với các vụ việc phức tạp.

Cần sự vào cuộc quyết liệt

Cũng theo ông Tiến, phương pháp tiến hành thanh tra như chuyển mạnh từ hình thức thanh tra theo kế hoạch sang thanh tra đột xuất đã có sự thay đổi tích cực, giúp tăng hiệu quả phát hiện các vi phạm. Công tác thông tin tuyên truyền về các vi phạm tiếp tục được đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng giúp tạo được sự đồng tình, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân trong “cuộc chiến” chống lại hành vi sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp kém chất lượng, giả và thực phẩm không an toàn…

Kết quả đạt được là vậy, song theo ông Tiến, trong công tác thanh tra cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc như các hành vi vi phạm, đặc biệt là về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm vẫn diễn ra ở một số nơi với cách thức vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp.

Hoạt động thanh tra chuyên ngành chưa được tiến hành đồng bộ tại các địa phương. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, một số đối tượng thanh tra còn chưa hợp tác, chống đối đoàn thanh tra nhằm che giấu hành vi vi phạm. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và thực phẩm mang tính chất nhỏ lẻ, phạm vi rộng khắp cả nước; việc tẩu tán các chứng cứ vi phạm dễ dàng, nhanh chóng.

Thêm vào đó, lực lượng làm công tác thanh tra chuyên ngành ở một số Tổng cục, cục, địa phương còn mỏng, hay biến động; có nơi còn kiêm cả công tác pháp chế; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực, kỹ năng phát hiện hành vi vi phạm của một số cán bộ làm công tác thanh tra chuyên ngành còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra…

Để triển khai công tác thanh tra năm 2020 đạt hiệu quả, ông Tiến cho biết, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống Thanh tra ngành NN&PTNT; sự tạo điều kiện của lãnh đạo Bộ, lãnh đạo sở cũng như sự phối hợp giữa lực lượng thanh tra với các lực lượng công an, quản lý thị trường.

Theo đó, năm 2020, Thanh tra Bộ tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch được phê duyệt bảo đảm 100%; thực hiện nghiêm quy chế giám sát hoạt động đoàn thanh tra; xây dựng báo cáo kết quả thanh tra, kết luận thanh tra đúng thời gian quy định, bảo đảm chất lượng; tập trung thanh tra đột xuất về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm, các vấn đề bức xúc, nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm.

Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 20/CT- TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; Chỉ thị số 10/TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc…

Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành ở Trung ương và địa phương để kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động thanh tra chuyên ngành, các khó khăn, vướng mắc.

Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chú trọng giải quyết kịp thời các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người. Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo…

Phương Hiếu