Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh chủ trì buổi làm việc. Tham dự còn có các Phó Tổng Thanh tra Lê Tiến Hào, Trần Đức Lượng.

Báo cáo với TTCP về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, ông Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết: Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng (2011-2013), công tác xây dựng Đảng không ngừng lớn mạnh, tỉnh  đã  phát triển thêm hơn 13.139  đảng viên; 78%  số  tổ  chức  cơ sở Đảng đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh; tổ  chức  thành  công thi  tuyển  và  bổ  nhiệm  55  cán  bộ  lãnh  đạo quản lý cấp sở, ngành, địa phương; thực hiện luân chuyển 583 lượt cán bộ; vai  trò  làm  chủ của nhân dân  càng được phát huy (xã  hội  hóa hàng  ngàn  tỷ  đồng xây  dựng  cơ  sở  hạ  tầng, đưa  điện  lưới  ra  huyện  đảo  Cô  Tô...).

Về phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng GDP trung bình 3 năm đạt gần 9%. GDP đầu người năm 2013 đạt 3.000 USD, tăng 1,6 lần so với năm 2010. Thu ngân sách luôn đứng tóp 5 tỉnh, TP cao nhất cả nước (9 tháng đầu năm 2014 đạt 26.010 tỷ đồng, tăng 14 % so cùng kỳ). Cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, điều chỉnh đơn giản hóa 80% thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, giải quyết đúng hạn đạt trên 95%. An sinh xã hội bảo đảm, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,12%...

Cùng với phát triển kinh tế, Quảng Ninh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng đường biên giới hóa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển với Trung Quốc.

Công tác thanh tra được chú trọng, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 1.748 cuộc. Qua thanh tra, phát hiện và kiến nghị xử lý sai phạm với tổng số tiền hơn 130 tỷ đồng và 2,444 triệu m2 đất.

Ông Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh báo cáo với TTCP về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và  Đề án "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và đổi mới phương thức lãnh đạo; tinh giản bộ máy, biên chế". Ảnh: TTH

 

Công  tác  tiếp  công  dân,  giải  quyết  khiếu  nại,  tố  cáo theo hướng tăng  cường  đối  thoại. Với  cách  làm  này, Quảng  Ninh  đã cơ  bản  giải  quyết  dứt  điểm  những  vụ  việc  đông  người,  phức  tạp,  kéo dài.

Báo cáo về Đề án "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và đổi mới phương thức lãnh đạo; tinh giản bộ máy, biên chế", ông Chính cho biết: Mục tiêu của Đề án là tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với hệ thống chính trị, tạo chuyển biến tích cực, rõ nét về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu  và phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, đảng viên; sắp xếp tổ chức bộ máy  đảm bảo đồng  bộ, tinh gọn, hiệu quả; khắc phục tình trạng cồng kềnh, chồng  chéo, nhiều  tầng nấc trung gian…

Đề án gồm 5 phần: Phần 1 nói đến sự cần thiết và căn cứ xây dựng đề án; phần 2 đánh giá thực trạng về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, phương hướng lãnh đạo của Đảng và tổ chức bộ máy, biên chê; phần 3 quan điểm, mục tiêu yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp; phần 4 đánh giá tính khả thi hiệu quả tác động của đề án, lộ trình và tổ chức thực hiện; phần 5 đề xuất, kiến nghị.

Đề án cũng đưa ra 9 giải pháp thực hiện như: Tăng cường  hiệu  quả  cơ  chế  nêu  gương,  trách  nhiệm  của  người  đứng đầu, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đổi  mới,  nâng  cao  chất  lượng,  hiệu  quả  công  tác  kiểm  tra, giám  sát  trong hệ thống chính trị; đẩy mạnh xây dựng mô hình, tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến...

Đặc biệt, điểm lưu ý trong Đề án này là tỉnh Quảng Ninh kiến nghị thí  điểm hợp  nhất một số cơ quan tham mưu giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên  môn  thuộc UBND cùng cấp. Cụ thể, hợp  nhất  Ban Tổ chức cấp ủy với Nội  vụ; Ủy  ban Kiểm  tra cấp  ủy với Thanh  tra; Văn  phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND - UBND.

Nói về cơ sở để đưa ra hướng hợp nhất UBKT cấp ủy với Thanh tra thành Ban Kiểm  tra - Thanh  tra ông Chính nhấn đến cơ sở thực tiễn như: Về  chức  năng,  nhiệm vụ 2 cơ quan này có nhiều nội dung giống nhau (thanh tra, kiểm  tra, giải  quyết đơn thư, đôn đốc thực hiện các kết luận sau kiểm tra... ); về tổ chức, bộ máy có nhiều điểm tương đồng, cán bộ ngành kiểm tra hiện nay ít, thiếu ở một số lĩnh vực sẽ được khắc phục nếu  hợp  nhất…Ông Chính cũng cho biết, việc hợp nhất này trước mắt sẽ được tỉnh Quảng Ninh thí điểm ở cấp huyện.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: TTH

Sau khi nghe đồng chí Bí thư Tỉnh ủy báo cáo, lãnh đạo TTCP đã cho ý kiến về 2 bản báo cáo này. Theo Phó Tổng Thanh tra Lê Tiến Hào, thời gian qua, kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh phát triển vững chắc. Trong chỉ đạo điều hành, tỉnh cũng tạo ra nhiều đột phá, trong đó đột phá nhất là cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử… được doanh nghiệp và người dân đánh giá cao. Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng Quảng Ninh làm tốt. Tình hình khiếu nại, tố cáo so với trước giảm nhiều…

Cho ý kiến về Đề án, Phó Tổng Thanh tra Lê Tiến Hào khẳng định, Đề án được chuẩn bị kỹ, lưỡng, công phu, có nhiều đổi mới, nhất là về công tác chính quyền. Về chủ trường hợp nhất 2 cơ quan thanh tra và ủy ban kiểm tra, ông ủng hộ cao. Ông nói: “Với kinh nghiệm 14 năm làm kiểm tra và 14-15 năm làm thanh tra, tôi đã nghiên cứu rất kỹ vấn đề này. Vì vậy, về chủ trương tôi hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những ràng buộc như cơ chế, chính sách, nên trước mắt cần thực hiện thí điểm. Có thể không chỉ thí điểm ở cấp huyện mà ngay cả ở cấp tỉnh”.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng cũng ủng hộ Đề án của tỉnh Quảng Ninh. Ông Lượng bày tỏ thẳng thắn: “Tôi đồng tình với nhiều nội dung trong Đề án. Nhất là nội dung hợp nhất cơ quan Thanh tra Nhà nước với Ủy ban Kiểm tra làm một. Việc thí điểm hợp nhất 2 cơ quan này, tôi đồng tình với ý kiến của đồng chí Hào. Như vậy sẽ giảm được sự cồng kềnh mà lại không bị chồng chéo”.

Kết thúc buổi làm việc, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh đánh giá cao báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI của Quảng Ninh.

Cho ý kiến về Đề án, Tổng Thanh tra cho biết: Đề án được xây dựng phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước, với chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến 2020 và phù hợp với xu thế của các nước trên thế giới có chế độ chính trị như Việt Nam ví dụ Trung Quốc, Lào…

Tổng Thanh tra cũng cho biết, sau Đề án này, tỉnh Quảng Ninh nên có Đề án chi tiết. Trong đó, cần bổ sung 3 nội dung sau: Thứ 1, phân tích thêm tình hình công tác của ủy ban kiểm tra và 1 số kết quả trong công tác thanh tra. Thứ 2, đánh giá sâu sắc toàn diện cơ cấu, tổ chức của 2 cơ quan này. Thứ 3, rút ra ưu, nhược điểm của Đề án, trong đó hướng tới ưu điểm, ưu điểm phải là tuyệt tối, là chủ yếu để phát huy.

Về hợp nhất 2 cơ quan, Tổng Thanh tra thống nhất cao. "Chỉ nên có “1 nhà nhưng 2 cửa” để giảm biên chế, giảm đầu mối. Đồng thời tăng tích cực, chủ động, tạo sự thống nhất trong phương pháp, quá trình thực hiện và thống nhất cả trong xử lý" - Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Về vấn đề thí điểm, Tổng Thanh tra cho rằng, không chỉ thí điểm ở huyện mà nên ở cả tỉnh. Lý giải nguyên nhân, Tổng Thanh tra nói: Cả nước lấy Quảng Ninh làm thí điểm nên làm cả tỉnh, cả huyện, qua đó rút kinh nghiệm, nhân rộng ra địa phương khác.

Tổng Thanh tra mong muốn, thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh và TTCP sẽ tiếp tục phối hợp tốt trong mọi mặt công tác, đặc biệt quan tâm tới đào tạo cán bộ ngành Thanh tra. 

Hải Hà