Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định, cuộc kháng chiến của ta sẽ là cuộc kháng chiến lâu dài, toàn dân, toàn diện, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, công tác thanh tra phải được đẩy mạnh, mở rộng phạm vi hoạt động, phải chuyển hướng về tổ chức và hoạt động thanh tra cho phù hợp với điều kiện kháng chiến.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn có mối liên hệ tốt giữa lãnh đạo và dân chúng thì cần phải tổ chức kiểm tra, kiểm soát. Là công việc thường xuyên của chính quyền dân chủ nhân dân, bảo đảm ngăn chặn mọi tệ nạn thường xuyên có khả năng xảy ra như quan liêu, lãng phí, tham ô. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy; muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát”. Do vậy, ngày 4/8/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh cử cụ Tôn Đức Thắng, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ sung chức Thanh tra Đặc biệt toàn quốc.

Bên cạnh Ban Thanh tra Đặc biệt, Đảng và Chính phủ thành lập các Đặc uỷ Đoàn và các Đặc phái viên hoạt động có tính cách như một cơ quan thanh tra của Chính phủ nhằm kiểm tra các công việc của UBND và các cơ quan hành chính địa phương; chỉnh đốn các cơ quan hành chính địa phương cho được thống nhất; giải quyết với UBND địa phương các vấn đề thường nhật, trừ những việc có tính chất quan trọng phải báo cáo về Chính phủ; liên lạc giữa Chính phủ Trung ương và các UBND địa phương; thu nhận các đơn thư khiếu nại hoặc nguyện vọng của quần chúng nhân dân...

Như vậy, công tác thanh tra của Ban Thanh tra Đặc biệt tạm thời phải ngừng lại. Trong điều kiện đó, hoạt động của các Đặc uỷ Đoàn, các Đặc phái viên Chính phủ và của Ban Kiểm tra Trung ương Đảng rõ ràng là mang tính chất thanh tra Nhà nước, hay nói đúng hơn là thực hiện chức năng như một cơ quan thanh tra của Chính phủ.

Cuối năm 1946, đầu năm 1947, Trung ương Đảng và Chính phủ đã cử một số Đặc phái viên của Chính phủ đến các địa phương để trực tiếp chỉ đạo kháng chiến. Chế độ Đặc phái viên chính trị được thiết lập trong quân đội. Để tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trong quân đội, ngày 18/7/1947, Chính phủ ra Sắc lệnh bổ nhiệm đồng chí Lê Thiết Hùng phụ trách thanh tra quân đội quốc gia Việt Nam.

Ngày 25/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 119/SL thành lập Cục Tổng Thanh tra quân đội có nhiệm vụ chủ yếu là kiểm tra việc chấp hành các mệnh lệnh quân sự, chính trị; chấp hành kỷ luật quân đội; đề nghị thưởng phạt, thuyên chuyển cán bộ. Ngay sau khi thành lập, Cục Tổng Thanh tra quân đội đã cử nhiều phái đoàn đi thanh tra ở các địa phương, nhất là ở khu IV, khu V và mặt trận Bình - Trị - Thiên.

Song song với những hoạt động thanh tra hoặc có tính chất thanh tra của các Đặc phái viên, Đặc uỷ Đoàn Chính phủ và của Ban Kiểm tra Trung ương, của Tổng Thanh tra quân đội, trong những năm 1948 - 1949, Ban Thanh tra các miền cũng có những hoạt động tích cực, nhất là Ban Thanh tra thuộc Uỷ ban Kháng chiến hành chính miền Nam Trung Bộ do ông Trần Đình Tri làm Trưởng ban.

Đến tháng 12/1949, tại phiên họp toàn thể, Hội đồng Chính phủ ra quyết nghị giải thể Ban Thanh tra Đặc biệt và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 138 B-SL thành lập Ban Thanh tra Chính phủ. Cụ Hồ Tùng Mậu giữ chức Tổng Thanh tra; ông Trần Đăng Ninh giữ chức Tổng Thanh tra phó; ông Tô Quang Đẩu là thanh tra.

Ngay khi mới thành lập, Ban Thanh tra Chính phủ đã đẩy mạnh hoạt động thanh tra và chỉ đạo công tác thanh tra ở các Bộ, các địa phương, làm cho công tác thanh tra đi vào nề nếp, thường xuyên và có tác dụng to lớn trong đời sống mọi mặt của đất nước.

Song song với công tác thanh tra việc chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Ban Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với Ban Kiểm tra Trung ương và Ban Thanh tra các bộ làm rõ một số vụ tham ô lớn trong và ngoài quân đội. Các đoàn thanh tra còn chú trọng giải quyết đơn, thư khiếu tố của nhân dân...

Giữa năm 1953, để chuẩn bị cho việc thực hiện kế hoạch chiến cuộc trong Đông - Xuân 1953 - 1954 giành thắng lợi Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng Cung cấp mặt trận và trưng dụng hầu hết cán bộ của Ban Thanh tra Chính phủ vào công tác này. Do vậy, Ban Thanh tra Chính phủ tạm thời dừng lại để tập trung toàn lực phục vụ nhiệm vụ cấp bách của cuộc kháng chiến.

Trước yêu cầu thực tiễn của việc quản lý nhà nước và thực hiện chủ trương của Đảng, ngày 28/3/1956, Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra Sắc lệnh số 261/SL thành lập Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ.

Theo thời gian, Ban Thanh tra Trung ương từng bước ổn định tổ chức và bắt tay vào công tác kiểm tra, phục vụ yêu cầu của đất nước lúc này.

Trong 5 năm kể từ khi được thành lập lại (1956 - 1960), Ban Thanh tra Trung ương vừa xây dựng, ổn định tổ chức vừa tiến hành các cuộc thanh tra, các vụ xét khiếu tố, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp một phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi công cuộc khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, phát triển văn hoá.

Đến tháng 8/1969, Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ được thành lập và từng bước tăng cường, ổn định tổ chức. Các cán bộ lãnh đạo của Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ lần lượt được bổ nhiệm. Đồng chí Nguyễn Thanh Bình được cử giữ chức Chủ nhiệm Uỷ ban, đồng chí Trần Mạnh Quỳ và đồng chí Nguyễn Thừa Kế được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ.

Tại các bộ, ngành ở Trung ương đã thành lập Ban Thanh tra và ở các địa phương từ cấp khu, tỉnh, thành phố đến cấp huyện thành lập các Uỷ ban Thanh tra các cấp đồng thời bổ sung thêm cán bộ để bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ thanh tra do Đảng và Nhà nước giao phó.

Trong giai đoạn từ năm 1970 - 1975, tổ chức của Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ cũng như Uỷ ban Thanh tra các địa phương và Ban Thanh tra các bộ, ngành ở Trung ương dần dần được ổn định và tăng cường về cơ cấu tổ chức, đội ngũ cán bộ và nhiệm vụ công tác. Hệ thống thanh tra đã được thiết lập từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố, huyện, ty, sở; mạng lưới cộng tác viên thanh tra được mở rộng và các Ban Thanh tra nhân dân bước đầu được thành lập.

Có thể nói đây là thời kỳ hình thành và bắt đầu hoạt động của lực lượng Thanh tra Việt Nam, hay nói cách khác đó là chặng đường đầu tiên của lịch sử Thanh tra Việt Nam - một công cụ sắc bén của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) nhằm thực hiện những mục tiêu của chính quyền dân chủ nhân dân “của dân, do dân và vì dân”. Bước đi đầu tiên này được thể hiện cả về tư tưởng, tổ chức và hoạt động.

Kỳ III: Bồi dưỡng nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới

 Phương Hiếu (Ghi)