Trên địa bàn 5 quận, huyện có tổng số 12.506 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Trong đó, số cơ sở thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP là 9.494 cơ sở.

Sau 6 tháng thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP, tại 5 quận, huyện và 10 phường, xã, thị trấn đã thành lập được 65 đoàn thanh tra, kiểm tra. Theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, số lượng cơ sở được thanh tra, kiểm tra sau 6 tháng triển khai thực hiện thí điểm thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tuy ít hơn so với cùng kỳ trước khi triển khai thực hiện thí điểm (nhưng số cơ sở vi phạm bị xử lý cao hơn, số tiền xử phạt cao hơn).

Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cũng cho thấy, 6 tháng qua đã có 2.563 cơ sở được thanh tra, kiểm tra; xử phạt 543 cơ sở vi phạm (đạt 21,2%), trong đó có 227 cơ sở bị phạt tiền hơn 750 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là không có hoặc có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP nhưng hết hiệu lực, không khám sức khỏe định kỳ, nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm không rõ ràng, điều kiện vệ sinh thực tế chưa chuẩn…

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, kết quả quá trình triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP đã tăng hiệu lực quản lý Nhà nước về ATTP của UBND quận, huyện, xã, phường. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương có thêm lực lượng chuyên ngành để quản lý ATTP và giải quyết những vấn đề nóng về ATTP. Kết quả xử lý vi phạm hành chính trong thanh tra chuyên ngành ATTP thời gian qua đã thể hiện tính răn đe, sự nghiêm khắc trong quá trình thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm và hiệu quả của chương trình này.

Kết quả khảo sát 100% các quận, huyện, phường, xã  tham gia thí điểm cũng đều đánh giá cao hiệu quả của việc thực hiện này. Từ đó nâng cao được ý thức trách nhiệm của chính những cán bộ quản lý, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp và được dư luận xã hội đồng tình về các hoạt động quản lý bảo đảm ATTP.

Tuy nhiên, theo Sở Y tế Hà Nội, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình triển khai cũng gặp nhiều khó khăn, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, gây khó khăn cho việc thanh tra chuyên ngành ATTP và xử lý vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, mặc dù cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đã được tập huấn cấp chứng chỉ thanh tra nhưng thời gian tập huấn còn ngắn, kiến thức và kinh nghiệm còn hạn chế, nên còn sự e ngại.

UBND TP Hà Nội yêu cầu thời gian tới ngành y tế cần tiếp tục làm tốt công tác vệ sinh ATTP. Công tác thanh tra chuyên ngành cần được nhân rộng trên địa bàn ở tất cả các quận, huyện, thị xã, không chỉ dừng lại ở 5 quận, huyện với 10 xã, phường làm điểm như hiện nay. Các địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong công tác đảm bảo ATTP. Cụ thể: Công khai các cơ sở vi phạm bị đóng cửa và những cơ sở chấp hành tốt các quy định về ATTP. Đặc biệt, bắt buộc công khai niêm yết giấy phép, giấy chứng nhận về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm

Đánh giá về hiệu quả của việc triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, những kết quả mà Hà Nội đã làm tác động rất lớn đến ý thức người dân. Đặc biệt thể hiện trách nhiệm quản lý của Nhà nước và các cơ quan chức năng trong việc đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân. Kết quả mà Hà Nội đạt được trong 6 tháng đầu năm 2016 là không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể nào đã khẳng định điều đó.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị  Hà Nội cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thí điểm cũng như thanh tra, kiểm tra đột xuất, độc lập về ATTP, mạnh dạn chịu trách nhiệm trước người dân. Bộ Y tế sẽ giao trực tiếp cho các địa phương ở các quận, huyện, thị xã đào tạo cán bộ thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra.

Ngọc Diệp