Khiếu kiện tập trung đông người diễn ra thường xuyên hơn

Báo cáo tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tiếp công dân TƯ Nguyễn Hồng Điệp cho biết, từ năm 2018 đến nay tình hình công dân khiếu kiện tập trung đông người, căng băng rôn, khẩu hiệu, gây mất trật tự công cộng diễn ra thường xuyên hơn tại trung tâm TP Hà Nội, trụ sở các cơ quan TƯ.

Tại Trụ sở Tiếp công dân TƯ, vẫn còn nhiều trường hợp công dân khiếu kiện có hành vi gây rối, lăng mạ, xúc phạm danh dự công chức được giao nhiệm vụ tiếp công dân, khi không đạt mục đích, quay phim, chụp ảnh, đăng tải lên các trang mạng xã hội. Đáng chú ý, một số công dân khiếu kiện đã gọi điện, nhắn tin đe doạ đến lãnh đạo, công chức của trụ sở, gây hoang mang lo lắng, ảnh hưởng đến tâm lý làm việc của cán bộ, công chức; có một số trường hợp công dân đã dùng xăng tự thiêu, đe dọa tự thiêu trước cổng trụ sở. 

Bên cạnh đó, một số công dân khiếu kiện đơn lẻ đeo bám khiếu kiện, dựng lều lán khu vực vỉa hè hai bên cổng để ở và đun nấu, ăn uống, phơi quần áo, gây mất mỹ quan và thu hút sự chú ý của người đi đường.

Dự báo về tình hình khiếu nại, tố cáo (KN, TC) trong thời gian tới, đặc biệt là trong thời gian diễn ra Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khoá XIV, ông Điệp nhận định: Tình hình khiếu kiện vẫn diễn ra phức tạp, số lượng công dân khiếu kiện tập trung trên địa bàn Thủ đô sẽ tăng. Đây là thời điểm công dân khiếu kiện chây ì trở lại Hà Nội và sẽ có sự liên kết giữa các đối tượng khiếu kiện đơn lẻ với nhau thành nhóm để tới cơ quan TƯ, nhà riêng của các đồng chí lãnh đạo và ở một số tuyến phố gần toà nhà Quốc hội. 

Đoàn đông người của một số tỉnh có những vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài và ảnh hưởng tới an ninh, trật tự sẽ tiếp tục đến trụ sở để khiếu kiện, đặc biệt là một số địa phương như Hà Nội, An Giang, TP Hồ Chí Minh (quận 2, quận 9), Bạc Liêu, Bình Định, Bình Phước...

“Trong thời gian họp TƯ, Quốc hội, số lượng công dân khiếu kiện sẽ gia tăng và có sự liên kết với nhau để gây áp lực nên dự báo tình trạng công dân vi phạm nội quy trụ sở, có hành vi đe dọa, hành hung có thể xảy ra. Tình trạng các đoàn đông người kết hợp với khiếu kiện đơn lẻ gây mất an ninh trật tự trước trụ sở sẽ còn tiếp diễn đòi hỏi công tác an ninh cần được tăng cường để đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn tính mạng, tài sản cho cán bộ, công chức, người lao động” ông Điệp cho hay.

Về công tác tiếp dân, từ ngày 20/11/2018 đến ngày 3/5/2019, trụ sở đã tiếp 8.516 lượt công dân đến trình bày 1.801 vụ việc, 121 đoàn đông người. Ban Tiếp công dân TƯ đã kịp thời tham mưu, đề xuất xử ký 25 vụ việc phức tạp.

Tập trung nâng cao trình độ cán bộ tiếp dân 

Tại buổi làm việc, đại diện các phòng, ban, cơ quan tiếp dân đã đề cập đến những khó khăn trong công tác tiếp dân, về cơ chế phối hợp…

Đưa ra những nhiệm vụ công tác trong thời gian tới, Trưởng Ban Tiếp công dân TƯ cho biết, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa các cơ quan tiếp dân tại trụ sở; bố trí đủ cán bộ công chức có kinh nghiệm để làm nhiệm vụ thường xuyên theo đúng lịch tiếp công dân, không để công dân lưu trú dài ngày ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Trong trường hợp cần thiết, trụ sở tổ chức đi kiểm tra các vụ việc phức tạp, kéo dài, đông người tại địa phương để đôn đốc giải quyết; tăng cường công tác nắm tình hình tại địa phương; phối hợp với địa phương tổ chức đối thoại với công dân ngay tại cơ sở.

Phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an, Công an TP Hà Nội, Công an TP Hồ Chí Minh, phương án được duyệt kịp thời xử lý có hiệu quả các vụ việc tập trung đông người tham gia khiếu kiện lên TƯ...

Phát biểu tại cuộc họp Phó Trưởng Ban Nội chính TƯ Phạm Gia Túc chia sẻ, đồng cảm sâu sắc với những khó khăn, vất vả trong công tác tiếp dân.

Khẳng định công tác tiếp công dân vô cùng quan trọng, Phó Trưởng Ban Nội chính TƯ ghi nhận trong thời gian vừa qua, công tác tiếp dân của Ban Tiếp công dân TƯ nói riêng các các cơ quan phối hợp tiếp dân nói chung tại trụ sở kết quả tích cực, các cơ quan tiếp công dân làm được rất nhiều việc. 

“Việc thành lập Tổ Công tác do Phó Thủ tướng làm Tổ trưởng có sự phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Ban Tiếp công dân TƯ  nhằm tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc đông người, phức tạp, nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận đã chứng tỏ công tác tiếp dân vô cùng quan trọng, được cả hệ thống chính trị vào cuộc”, Phó Trưởng Ban Nội chính TƯ nhấn mạnh.

Chính vì vậy, chúng ta cần tập trung nâng cao trình độ cán bộ tiếp dân, cần phải bố trí cán bộ có kinh nghiệm, dày dặn, biết lắng nghe, “trình độ dân trí bây giờ cao, nếu không nâng cao trình độ cán bộ tiếp dân thì không thể đáp ứng yêu cầu trong thời đại mới", ông Túc nói.

Nhằm chia sẻ những khó khăn, vất vả của cán bộ tiếp công dân, theo ông Túc cần phải có chế độ đặc biệt cho cán bộ tiếp công dân, ngoài việc được bảo vệ an toàn tính mạng, danh dự, nhân phẩm, thì cán bộ tiếp công dân cũng cần được nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần.

Thái Hải