PGS. TS Nguyễn Thị Báo, Chánh Thanh tra Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết:  Ban Thanh tra ra đời ngày 30/12/1996 ở Trường Đảng Trung ương. Sự kiện này đã đánh dấu sự ghi nhận của lãnh đạo Học viện về sự cần thiết phải một có cơ quan tham mưu giúp Giám đốc trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN,TC) và phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong hệ thống Học viện.

Trong 20 năm xây dựng và phát triển, Ban Thanh tra đạt được nhiều thành tựu trên phương diện xây dựng cơ cấu tổ chức, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và một số phương diện khác, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. 

Thực hiện công tác thanh tra, trong 20 năm qua, Ban Thanh tra đã tham mưu Giám đốc Học viện thành lập 187 đoàn thanh tra, do Ban Thanh tra chủ trì, thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra lĩnh vực giáo dục đào tạo, kinh tế - xã hội, hoạt động khoa học ở hệ thống Học viện và thanh tra việc thực hiện nội dung, chương trình giáo dục lý luận chính trị ở các Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

PGS. TS Nguyễn Thị Báo cho biết, trong công tác thanh tra, hoạt động thanh tra giáo dục đào tạo là lĩnh vực chủ yếu và cũng là nội dung quan trọng nhất được Ban tiến hành thường xuyên, liên tục trong suốt 20 năm qua. Số lượng đoàn thanh tra mỗi năm các giai đoạn tăng lên rõ nét (giai đoạn 1997 - 1999, bình quân đơn vị chỉ tiến hành được 2 đoàn thanh tra/năm; giai đoạn 2010 - 2016, bình quân 16 đoàn/năm). Nội dung thanh tra toàn diện từ khâu tuyển sinh đầu vào đến khâu kết thúc.

Qua thanh tra đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm, sai sót của học viên, giảng viên như sử dụng bằng giả, giấy tờ không hợp lệ, việc học hộ, thi hộ của học viên; việc chấm điểm, vào điểm có sai sót... Đồng thời, cũng phát hiện những bất cập trong lĩnh vực quản lý đào tạo. Trên cơ sở đó, kịp thời tham mưu Ban Giám đốc chỉ đạo các đơn vị hữu quan phối hợp xử lý sai phạm, điều chỉnh những bất cập cho phù hợp với thực tiễn…

PGS. TS Nguyễn Thị Báo, Chánh Thanh tra Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: TTH

PGS.TS Nguyễn Thị Báo cũng cho biết, từ năm 2000 đến nay, Ban được giao mở rộng phạm vi thanh tra sang lĩnh vực kinh tế - xã hội. Mỗi năm, Ban Thanh tra tiến hành từ 1 - 2 cuộc. 

“Thanh tra kinh tế - xã hội là lĩnh vực nhạy cảm và phức tạp, tuy nhiên, Ban Thanh tra đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ do Giám đốc Học viện giao, đã tiến hành thanh tra các nội dung như: Quản lý kinh phí các lớp do Học viện mở; hoạt động kinh doanh dịch vụ ở Học viện; công tác mua sắm, quản lý và sử dụng vật tư tài sản; việc làm thêm giờ của cán bộ Học viện; thanh tra hoạt động xuất bản của Nhà xuất bản Lý luận chính trị... Số lượng cuộc thanh tra kinh tế - xã hội không nhiều nhưng có vai trò, ý nghĩa rất lớn trong việc phát hiện, ngăn chặn những tiêu cực, lãng phí”,  PGS. TS Nguyễn Thị Báo nhấn mạnh. 

Hoạt động thanh tra khoa học của Học viện được tiến hành từ năm 2003 trở lại đây, hướng vào 2 nội dung là thanh tra hoạt động quản lý nghiên cứu khoa học và thanh tra sản phẩm nghiên cứu khoa học. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện một số đơn vị, cá nhân không thực hiện đúng hợp đồng nghiên cứu khoa học, đặc biệt là quy trình và thời hạn kết thúc đề tài, chậm giao nộp sản phẩm. 

Trong hoạt động tiếp công dân, giải quyết đơn thư KN,TC. PGS. TS Nguyễn Thị Báo khẳng định: Ban Thanh tra là cầu nối tiếp nhận thông tin của cán bộ, công chức, viên chức, giảng viên, học viên… với Ban Giám đốc Học viện. Năm 2003, Giám đốc Học viện đã bố trí phòng tiếp công dân riêng biệt. 

Trong 20 năm qua, Ban Thanh tra tiến hành hàng trăm cuộc tiếp công dân và tiếp nhận 223 đơn thư KN,TC (trung bình mỗi năm có 11 đơn thư, có những năm trên 20 đơn thư). Tất cả các đơn thư KN,TC đều được phân loại, xác minh thông tin, phúc đáp, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, quy chế, quy định của Học viện. Ban Thanh tra đã tham mưu Giám đốc Học viện xử lý hàng chục trường hợp vi phạm quy chế, quy định của Học viện; đồng thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và danh dự của nhiều cán bộ, công chức, viên chức Học viện. 

Công tác PCTN được thực hiện thường xuyên đối với các tổ chức, cá nhân thuộc hệ thống Học viện. Đặc biệt, công tác này được tiến hành gắn với việc thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các đề tài, dự án cụ thể và ở những thời điểm nhạy cảm như lễ, tết. Thời gian đầu, công tác PCTN gắn với hoạt động thanh tra lĩnh vực kinh tế - xã hội và công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư KN,TC, sau đó trở thành nội dung có tính độc lập tương đối. 

Ngoài nhiệm vụ chuyên môn chính, Ban Thanh tra còn chủ trì phối hợp với một số đơn vị mở lớp tập huấn thanh tra (mỗi đợt kéo dài 1 tuần). Mặc dù không phải là đơn vị nghiên cứu giảng dạy, song PGS. TS Nguyễn Thị Báo cho biết, Ban Thanh tra rất coi trọng hoạt động nghiên cứu khoa học. Trong 20 năm qua, Ban Thanh tra đã chủ trì, chủ nhiệm 12 đề tài khoa học; tổ chức hàng chục cuộc hội thảo khoa học; đồng thời, một số cán bộ thanh tra có học hàm, học vị đã tham gia các hội thảo, tọa đàm khoa học cấp Học viện, quốc gia, quốc tế. 

“Do mô hình thanh tra nội bộ (Thanh tra thủ trưởng) chưa được luật pháp hóa, cho nên, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hoạt động chuyên môn, hoạt động nghiên cứu khoa học của đơn vị còn hướng tới việc xây dựng các văn bản quản lý liên quan đến chính chủ thể Ban Thanh tra để Giám đốc Học viện phê duyệt, tạo cơ sở và điều kiện cho đơn vị hoạt động”, PGS.TS Nguyễn Thị Báo nhấn mạnh. 

Trong 20 năm qua, Ban Thanh tra đã nhận được phần thưởng cao quý của Học viện, của Tổng Thanh tra Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, của Chủ tịch nước. Hầu hết, trong các năm học, đơn vị đều đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, “Chi bộ trong sạch vững mạnh”, “Tổ Công đoàn vững mạnh”, “Tổ Nữ công xuất sắc”.Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập, Ban Thanh tra vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có thành tích trong công tác, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Tới dự và phát biểu tại buổi lễ, GS Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá cao, biểu dương kết quả Ban Thanh tra đạt được trong 20 năm qua.

GS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Thời gian gần đây, đội ngũ cán bộ của Ban từng bước trưởng thành không chỉ phát triển về số lượng mà cả chất lượng. Hoạt động thanh tra của Ban ngày càng mở rộng. Ban đầu chỉ thanh tra hoạt động giáo dục đào tạo, đến nay Ban Thanh tra đã thực hiện thanh tra toàn diện mọi hoạt động của Học viện, không chỉ giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học mà cả kinh tế xã hội… 


GS Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá cao, biểu dương kết quả Ban Thanh tra đạt được trong 20 năm qua. Ảnh: TTH

“Với phương châm rõ ràng thanh tra để bảo đảm các hoạt động chuẩn mực, đúng quy định pháp luật, hoạt động của Ban đã đem lại kết quả hết sức tích cực và rõ nét. Ban đầu chỉ có thể tổ chức 1 - 2 đoàn, nhưng hiện nay xu hướng không chỉ lớn mạnh về tổ chức nhiều đoàn mà các hoạt động thanh tra ngày càng đi vào nội dung thiết thực, cụ thể. Cán bộ thanh tra của Ban không chỉ thực hiện tốt các cuộc thanh tra theo kế hoạch mà cả thanh tra đột xuất theo yêu cầu của Học viện”, GS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định.

Giám đốc Học viện cho rằng, nhiệm vụ trong thời gian tới rất nặng nề, công tác thanh tra lĩnh vực giáo dục phải hết sức toàn diện từ tuyển sinh, đến đổi mới khung chương trình đào tạo, đề tài nghiên cứu khoa học… Vì vậy, Giám đốc Học viện mong muốn, mỗi cán bộ thanh tra phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp, xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”. 

Giám đốc Học viện đề nghị, thời gian tới, Ban Thanh tra phải đồng bộ hóa hoạt động thanh tra cả thường xuyên, đột xuất theo yêu cầu và thanh tra vụ việc, đặc biệt liên quan tới đơn thư phức tạp để tạo ra môi trường Học viện thật sự trong sạch, vững mạnh… 

Hải Trần