Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng ngày 5/11.

Xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng khó khăn, phức tạp

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nói, thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt, đạt nhiều hiệu quả quan trọng, toàn diện.

“Tuy nhiên, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp, tham nhũng trên một số lĩnh vực còn diễn biến nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong xã hội”. Đại biểu đề nghị Tổng Thanh tra cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp thời gian tới?

Tổng Thanh tra Chính phủ cho hay, việc ngăn chặn, xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng là một trong những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp. Vì vậy, tháng 6/2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 04 tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã thực hiện tốt công tác này, tỷ lệ thu hồi “năm sau cao hơn năm trước”.

leftcenterrightdel
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông). Ảnh Ph.Thắng 

9 tháng đầu năm, thanh tra đã đôn đốc 5.586 kết luận thanh tra, qua đó thu hồi được hơn 1.000 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2021; xử lý hơn 1.700 tổ chức và hơn 4.800 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 76 vụ, 93 đối tượng. Khoảng 1.800 vụ đã thi hành án với hơn 15.000 tỷ đồng.

“Kết quả đó mặc dù cao, song tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn thấp”, Tổng Thanh tra nói.

Vì vậy, thời gian tới, sẽ tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng; tăng cường xử lý sau thanh tra, thi hành án về thu hồi tài sản tham nhũng; quá trình điều tra phải chủ động có biện pháp kê biên, phong tỏa, tạm giữ tài sản để đảm bảo xử lý sau thanh tra thi hành án.

Giải pháp nữa, theo Tổng Thanh tra là tăng cường hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp để thu hồi tài sản tham nhũng với các vụ việc có yếu tố nước ngoài.

Làm thế nào để thu hồi tài sản do người thân của đối tượng tham nhũng đứng tên?

Chung mối quan tâm, đại biểu Phạm Nam Tiến (Đắk Nông) nêu thực trạng 40-50% số tài sản chưa được thu hồi trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo.

“Đây là con số không nhỏ, vì một vụ án tham nhũng giá trị có thể lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng”, đại biểu Tiến nói.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh phiên chất vấn. Ảnh: P.Thắng 

Cạnh đó, theo ông Tiến, chúng ta chỉ mới kiểm soát tài sản trong hệ thống chính trị, còn tài sản do người thân của các đối tượng phạm tội tham nhũng đang đứng tên hoặc sở hữu vẫn là một “khoảng trống” rất lớn, khó kiểm soát.

Ông Tiến đề nghị Tổng Thanh tra cho biết giải pháp căn cơ nhằm thu hồi tài sản tham nhũng.

Tiếp tục nhấn mạnh “xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng luôn là công việc khó khăn, phức tạp”, ông Phong nhắc lại, Ban Bí thư đã có Chỉ thị 04, do đó kết quả 9 tháng đầu năm thu hồi tài sản tham nhũng đã “tăng gần gấp đôi so với năm 2021 và cơ quan thi hành án đã tăng gần 3 lần”.

Thời gian tới, ngoài việc thực hiện tốt chỉ thị này và các giải pháp đã được đề cập, Tổng Thanh tra đặc biệt nhấn mạnh, cần sửa đổi, bổ sung pháp luật về thu hồi tài sản đang còn bất cập, nhất là quy định cưỡng chế xử lý sau thanh tra.

“Hiện cơ chế, chính sách về đất đai, bất động sản, trái phiếu chưa đồng bộ, gây khó khăn cho việc xử lý, thu hồi”, ông Đoàn Hồng Phong cho hay.

Tránh hình sự hóa quan hệ kinh tế để thu hồi tài sản

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng thu hồi tài sản bất minh do người khác đứng tên là rất khó, chưa có giải pháp hiệu quả.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị). Ảnh: P.Thắng

Ông nhắc lại ý kiến cho rằng, trong điều kiện chưa có luật về đăng ký tài sản thì nên chuyển hướng từ xử lý hình sự sang khởi kiện dân sự để thu hồi được nhiều tài sản hơn.

“Tổng Thanh tra Chính phủ có tán thành quan điểm này không? Nếu tán thành thì có những giải pháp gì sắp tới và nếu không tán thành thì có giải pháp gì tốt hơn không?”, ông Đồng hỏi.

Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh quan điểm, những gì có thể xử lý được về kinh tế thì xử lý kinh tế, không hình sự hóa. Đây là quan điểm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: “Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế”.

Theo Tổng Thanh tra, trong quá trình thanh tra, có nhiều trường hợp chưa phân định rõ hình sự hay kinh tế thì ưu tiên xử lý kinh tế. Tuy nhiên, việc này chỉ áp dụng trong một thời gian nhất định, chứ không phải để “mãi mãi”.

Ông Đoàn Hồng Phong dẫn chứng, trong một số kết luận thanh tra, cho phép từ 1 -1,5 năm để xử lý kinh tế, tức là thu hồi cơ sở nhà đất để tiến hành đấu giá. Sau thời hạn đó, nếu không thực hiện sẽ chuyển cơ quan điều tra.

Tổng Thanh tra Chính phủ: Bản thân tôi luôn trách nhiệm nêu gương

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (TP Hà Nội) chất vấn: Tổng Thanh tra đã làm gì liên quan đến trách nhiệm nêu gương của mình?

Ông Đoàn Hồng Phong nói bản thân luôn có tinh thần trách nhiệm nêu gương theo tất cả các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước quy định.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (TP Hà Nội). Ảnh: P.Thắng

Ông cũng khẳng định, bản thân gương mẫu từ việc lãnh đạo, chỉ đạo, trực tiếp thực hiện đúng các quy định của pháp luật khi xem xét các vấn đề trọng trách.

“Tôi làm tất cả những gì để làm gương và tạo khí thế, động lực cho cán bộ trong ngành nói chung, cũng như Thanh tra Chính phủ nói riêng”, Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Trả lời ý kiến của đại biểu về đạo đức công vụ, Tổng Thanh tra cho hay, cán bộ Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra đã cơ bản là thực hiện các quy định về đạo đức công vụ của Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Ông nhắc lại vụ Thanh tra Bộ Xây dựng ở Vĩnh Phúc và của một số vụ việc của Thanh tra Chính phủ nhiều năm trước.

Tổng Thanh tra cũng chẳng thắng nói, trong dư luận hiện nay vẫn có ý kiến đánh giá cán bộ thanh tra “còn phiền hà, nhũng nhiễu” hoặc chưa làm đúng quy định của luật để vụ lợi cá nhân. “Chúng tôi tiếp thu ý kiến đánh giá để có quy định chặt chẽ hơn”, ông Đoàn Hồng Phong khẳng định.

Hơn 4.800 cá nhân bị xử lý hành chính, chuyển điều tra 93 đối tượng

Đại biểu Nguyễn Thành Công (Ninh Bình) nêu, qua hoạt động thanh tra, ngành Thanh tra đã phát hiện, kiến nghị xử lý vi phạm, trong đó có những vụ việc nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm.

leftcenterrightdel
Đại biểu Nguyễn Thành Công (Ninh Bình). Ảnh: P.Thắng 

“Đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết kết quả xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm, nhất là những nơi để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng và những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân”, đại biểu chất vấn.

Trả lời, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, qua theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, thực hiện xử lý sau thanh tra của ngành thanh tra thì các cơ quan đã xử lý hành chính là 1.714 tổ chức và 4.841 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra là 76 vụ, 93 đối tượng.

Ông cho hay, theo quy định của Luật Cán bộ, công chức thì thẩm quyền kỷ luật do người đứng đầu quản lý cán bộ tiến hành theo phân cấp quản lý và thông qua hội đồng kỷ luật.

“Cơ quan thanh tra không có quyền xử lý, kỷ luật cán bộ, công chức mà chỉ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức tiến hành kiểm điểm, xử lý.

Chế tài xử lý kỷ luật Đảng khi phát hiện vi phạm thì Ủy ban Kiểm tra có thể thực hiện ngay các quy trình xử lý cán bộ. Còn cơ quan thanh tra phải kiến nghị các cơ quan thẩm quyền quản lý cán bộ để xử lý”, Tổng Thanh tra nói.

Mặt khác, quy định về thời hiệu kỷ luật Đảng và kỷ luật hành chính chưa đồng nhất, do đó có một số trường hợp đã bị kỷ luật Đảng nhưng khi xem xét kỷ luật hành chính thì hết thời hiệu.

Vì vậy, tại kỳ họp này, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành nghị quyết để sửa đổi, bổ sung nội dung này, thống nhất thời hiệu kỷ luật Đảng và kỷ luật hành chính.

Tổng Thanh tra nói thêm, “pháp luật hiện hành còn thiếu chế tài xử lý các trường hợp chậm thực hiện kết luận thanh tra, thực hiện không đúng và không đầy đủ kết luận thanh tra”.

Hương Giang