Quốc hội dành 1 ngày (21/11) để thảo luận về công tác tư pháp, phòng chống tham nhũng năm 2023.

Tham nhũng từng bước được kiềm chế

Nêu ý kiến, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (đoàn Bình Thuận) nhận định, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã được đẩy mạnh, có nhiều điểm đột phá đi vào chiều sâu.

“Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm”, bà Linh nói, cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao và quốc tế ghi nhận.

Dù vậy theo đại biểu, cử tri và nhân dân còn băn khoăn, lo lắng và trăn trở về tình trạng tham nhũng, tiêu cực ngày một tinh vi hơn, thậm chí tham nhũng tiêu cực xảy ra ngay trong một số cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, xét xử.

Để phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn, đại biểu góp ý cần phát huy vai trò của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

“Thực tiễn đã chỉ ra rằng, ở đâu người đứng đầu có trách nhiệm cao, gương mẫu, sâu sát trong công tác quản lý, cương quyết với những sai phạm thì ở đó công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện tốt hơn và ngược lại”, bà Linh nhấn mạnh, phát huy vai trò của người đứng đầu là “vấn đề cấp bách”.

Cạnh đó, theo bà Linh, cần tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng; xây dựng và hoàn thiện chế độ tiền lương hợp lý, nâng cao mức sống của người lao động.

“Lương và phụ cấp là nguồn sống chính của cán bộ, công chức và gia đình họ, song chính sách này còn nhiều bất cập. Để góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả cần quan tâm đến mức sống của cán bộ, công chức và viên chức, phấn đấu để họ sống được bằng lương”, bà Linh nói.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (đoàn Bình Thuận). Ảnh: P.Thắng

Đại biểu đề xuất quá trình xử lý người vi phạm cần phân loại đối tượng như chủ mưu, cầm đầu thì xử lý nghiêm minh, còn người vi phạm do làm theo chỉ đạo của cấp trên thì xem xét có chính sách khoan hồng.

Chung mối quan tâm, theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) nói, với quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước ta, cuộc chống tham nhũng ngày càng hiệu quả hơn, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Đại biểu lưu ý công tác phòng ngừa tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn hạn chế, nhất là trong đấu thầu mua sắm, quản lý tài sản công, quản lý đất đai, tài chính, ngân hàng, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp…

Bà Sang đề nghị, đánh giá làm rõ hơn về tình hình tham nhũng, tiêu cực; những tồn tại, hạn chế cũng như nguyên nhân để có những giải pháp phòng, chống hiệu quả trong thời gian tới.

Thực hiện nghiêm kiểm soát quyền lực

Giải trình sau đó, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ban, ngành, địa phương, nhất là các cơ quan khối nội chính đã nỗ lực, cố gắng thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ công tác phòng, chống tham nhũng.

“Phòng chống tham nhũng có bước đột phá mới, đạt được nhiều kết quả toàn diện cả ở Trung ương và địa phương”, theo ông Đoàn Hồng Phong.

Về ý kiến của đại biểu, Tổng Thanh tra xin tiếp thu và khẳng định Thanh tra Chính phủ, cùng các bộ, ngành sẽ tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, nhằm từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, không thể tham nhũng.

Đồng thời, triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm Quy định 131, 132 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

“Việc này nhằm phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, Tổng Thanh tra nêu.

leftcenterrightdel
 Quốc hội dành 1 ngày để thảo luận về công tác tư pháp, phòng, chống tham nhũng năm 2023 ở hội trường. Ảnh: P.Thắng

Đề cập các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, ông Đoàn Hồng Phong cho hay, thời gian qua, Chính phủ, các cấp, ngành đã tổ chức thực hiện đồng bộ theo quy định của pháp luật, cũng như tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm. Nhờ vậy, qua mỗi năm đều đạt kết quả tích cực, có tiến triển, năm sau tốt hơn năm trước, góp phần ngăn chặn, giảm thiểu hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Tổng Thanh tra cũng thừa nhận một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn có những hạn chế, tồn tại như ý kiến đại biểu nêu.

Vì vậy, Thanh tra Chính phủ sẽ cùng các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục những tồn tại hạn chế, để nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng.

Ông đặc biệt nhấn mạnh các biện pháp như công khai, minh bạch; kịp thời sửa đổi, bổ sung định mức tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử; kiểm soát tài sản thu nhập; chuyển đổi vị trí công tác; nâng cao kỷ luật, kỷ cương, liêm chính trong thực thi công vụ.

Về công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần chống tham nhũng, theo ông Đoàn Hồng Phong, qua thanh tra, kiểm toán đã kịp thời chấn chỉnh, kiến nghị xử lý nhiều vi phạm; kịp thời chuyển những vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra; tăng cường đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị xử lý sau thanh tra.

Ông cũng đồng tình với báo cáo thẩm tra và ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu công tác thanh tra còn tồn tại, hạn chế. Việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm có chuyển biến tích cực so với trước đây nhưng vẫn còn khó khăn, vướng mắc.

Tiếp thu các ý kiến, ông Đoàn Hồng Phong khẳng định, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo toàn ngành Thanh tra khắc phục những tồn tại, hạn chế để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thanh tra.

“Thanh tra Chính phủ cùng với các cơ quan chức năng sẽ tăng cường phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ trong việc chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm để xử lý theo quy định của pháp luật”, theo lời ông Đoàn Hồng Phong.

Tổng Thanh tra cũng cho biết, sẽ sửa đổi thông tư liên tịch giữa các cơ quan trong phối hợp để trao đổi thông tin về tội phạm và giải quyết kiến nghị khởi tố được phát hiện qua thanh tra.

Theo báo cáo của Chính phủ, qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 232.197 tỷ đồng; 1.031 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.269 tập thể và 8.242 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 404 vụ, 459 đối tượng.

Toàn ngành Thanh tra tiến hành đôn đốc, kiểm tra thực hiện 10.860 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, đã xử lý, thu hồi 6.769 tỷ đồng, 30 ha đất; xử lý hành chính 3.867 tổ chức, 9.638 cá nhân; khởi tố 16 vụ, 34 đối tượng.

Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 65.259,9 tỷ đồng; cung cấp 373 báo cáo kiểm toán và tài liệu có liên quan cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan Nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.

Các cơ quan điều tra trong công an nhân dân đã thụ lý điều tra 1.103 vụ án với 2.951 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó khởi tố mới 732 vụ án với 2.106 bị can. Cơ quan điều tra đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 499 vụ án với 1.205 bị can.

Viện kiểm sát các cấp thụ lý giải quyết 743 vụ với 1.987 bị can (trong đó án mới 699 vụ/1.920).

Tòa án nhân dân các cấp giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 747 vụ với 1.800 bị cáo; đã giải quyết 699 vụ với 1.800 bị cáo, trong đó xét xử 562 vụ với 1.207 bị cáo về các tội tham nhũng.

Với thu hồi tài sản tham nhũng, tổng số phải thi hành có 4.879 việc, số tiền hơn 97.261 tỷ đồng; đã thi hành xong 2.264 việc, đã thi hành xong hơn 20.405 tỷ đồng.

Hương Giang