Công tác PCTN, tiêu cực phù hợp với tình hình mới

Để công tác đấu tranh, ngăn chặn, phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngày càng đồng bộ và chặt chẽ, việc triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp tạo chuyển biến tích cực và thống nhất về nhận thức của cả hệ thống MTTQ Việt Nam về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới, năm 2023, Chủ tịch Ủy ban Trung ương (UBTƯ) MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã ký ban hành kế hoạch và triển khai các nội dung công tác PCTN, tiêu cực.

Ngày càng phát huy vai trò của nhân dân, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội đối với quy trình lập pháp và giám sát việc thực hiện pháp luật; chú trọng bản lĩnh, ý thức chính trị, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào trong quá trình giám sát, phản biện xã hội.

Từ đó, phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế trong công tác PCTN, tiêu cực, góp phần đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"...

Công tác PCTN, tiêu cực của MTTQ Việt Nam được coi là tổng thể các hoạt động phối hợp cùng các cơ quan Đảng, Nhà nước trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng.

Thời gian qua, công tác PCTN, tiêu cực do ủy ban MTTQ các cấp thực hiện một cách có tổ chức từ Trung ương đến cơ sở. MTTQ Việt Nam được tổ chức theo cấp hành chính từ Trung ương đến cấp xã. Dưới cấp xã còn có Ban Công tác Mặt trận tại khu dân cư như "cánh tay nối dài" của MTTQ.

Giảm thiểu việc lợi dụng chính sách làm nảy sinh tiêu cực, tham nhũng

Năm 2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền, phổ biến và vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, tiêu cực; theo dõi, phát hiện, tố giác các hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức; kiến nghị thực hiện tốt cơ chế bảo vệ, tôn vinh và khen thưởng các tập thể, cá nhân tích cực PCTN, tiêu cực.

Chủ động, tích cực tham gia xây dựng, góp ý và phản biện xã hội nhằm góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật để PCTN, tiêu cực về chính sách, pháp luật về quản lý đất đai, tài nguyên; công tác cán bộ; các quy định liên quan đến cơ chế phân công, phân cấp, xác định trách nhiệm giữa các cơ quan, tổ chức và cá nhân; thủ tục hành chính; tài chính công...

Trong năm 2023, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và phản biện xã hội một số dự thảo luật như: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội lần 2; Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)...

Ngoài ra, căn cứ tình hình thực tiễn và yêu cầu của các cơ quan soạn thảo, tiến hành phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân... góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật, khắc phục "khe hở", giảm thiểu việc lợi dụng chính sách, pháp luật làm nảy sinh tiêu cực, tham nhũng.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tổ chức các hoạt động giám sát đột xuất để phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực; giám sát những vụ việc, lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, gây sách nhiễu, phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp; nghiên cứu, xem xét văn bản đã có hiệu lực pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch, cải cách thủ tục hành chính để góp phần khắc phục “tham nhũng vặt”.

Lấy “xây để chống”, lấy “tích cực dẹp tiêu cực”

Nhấn mạnh PCTN, tiêu cực là một nhiệm vụ khó khăn, nhạy cảm bởi hành vi, thủ đoạn tham nhũng, tiêu cực ngày càng tinh vi, phức tạp, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho rằng công tác PCTN, tiêu cực phải kiên quyết với quyết tâm chính trị cao hơn; sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ hơn của cả hệ thống chính trị, trong đó các cơ quan báo chí và các nhà báo là một trong những lực lượng xung kích, tiên phong.

Xuất phát từ thực tế trong công tác PCTN, tiêu cực, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã nêu rõ, cần quán triệt sâu sắc phương châm lấy “xây để chống”, lấy “tích cực dẹp tiêu cực”, cùng với việc kịp thời phát hiện, đấu tranh kiên quyết với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, tiêu cực.

Đồng thời, qua hoạt động của báo chí, cần chú ý phát hiện những quy định hiện hành còn bất cập, có kẽ hở dễ phát sinh các hành vi tham nhũng, tiêu cực để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm ngăn chặn hiệu quả hơn nữa các hành vi tham nhũng, tiêu cực từ gốc, từ khi mới manh nha.

Thực tiễn cho thấy MTTQ Việt Nam đã và đang vận động nhân dân tích cực tham gia PCTN; giúp cán bộ gần dân, lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân về những ưu, nhược điểm của mình, kịp thời khắc phục, điều chỉnh, sửa chữa những hạn chế, tiếp tục phát huy những mặt mạnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần ngăn ngừa, ngăn chặn tham nhũng.

Phát huy đại đoàn kết toàn dân trong đấu tranh PCTN, tiêu cực, để quan điểm “đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, đường lối chiến lược quan trọng, xuyên suốt của Đảng; nguồn sức mạnh to lớn, nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” luôn được tỏa sáng.

Thanh Thanh