Tổng điểm đạt 66,55/100 điểm

Thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN và Kế hoạch số 198/KH-TTCP ngày 6/2/2024 của Thanh tra Chính phủ về đánh giá công tác PCTN đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023; Quyết định số 157/QĐ-TTCP ngày 29/3/2024 của Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành “bộ chỉ số đánh giá và tài liệu hướng dẫn đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh năm 2023”; UBND tỉnh Quảng Nam tự đánh giá công tác PCTN tại địa phương từ ngày 16/12/2022 đến ngày 31/12/2023.

Kết quả chấm điểm đạt tổng số điểm 66,55/100 điểm, tăng 4,06 điểm so với năm 2022 (năm 2022, Thanh tra Chính phủ chấm đạt 62,49/100 điểm).

Đánh giá việc lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCTN, kết quả chấm điểm đạt 17,83/20 điểm, giảm 0,85 điểm so với năm 2022, trong đó: Việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN đạt 5/5 điểm; việc tổ chức thực hiện đạt 12,83/15 điểm. 

Đánh giá việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, kết quả chấm điểm đạt 21,85/30 điểm, tăng 5,92 điểm so với năm 2022 (đạt 15,93/30 điểm), trong đó: Công tác phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực Nhà nước đạt 20,85/27 điểm; công tác phòng ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước đạt 1/3 điểm.

Đánh giá việc phát hiện và xử lý tham nhũng, kết quả chấm điểm đạt 25,51/40 điểm, giảm 0,06 điểm so với năm 2022 (đạt 25,57/40 điểm), trong đó: Việc phát hiện hành vi tham nhũng đạt 7,01/12 điểm; việc xử lý tham nhũng đạt 17,5/20 điểm; kết quả xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN đạt 1/8 điểm.

Đánh giá việc thu hồi tiền, tài sản tham nhũng, kết quả chấm điểm đạt 1,36/10 điểm, giảm 0,95 điểm so với năm 2022 (đạt 2,31/10 điểm), trong đó: Đánh giá kết quả thu hồi tiền, tài sản tham nhũng qua kiểm tra, giám sát, thanh tra, giải quyết đơn tố cáo, phản ánh đạt 0/5 điểm; đánh giá kết quả thu hồi tiền, tài sản tham nhũng qua công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đạt 1,36/5 điểm. 

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về PCTN đã và đang được các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp chính quyền triển khai thực hiện tích cực, đồng bộ, có hiệu quả; nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng được thực hiện có hiệu quả; vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và người dân trong PCTN ngày càng được phát huy tốt hơn... 

Kết quả công tác PCTN trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được kết quả quan trọng. Các chỉ số đánh giá của tỉnh năm 2023 theo bộ chỉ số của Thanh tra Chính phủ có tăng hơn so với năm 2022, trong đó có 37/63 tiêu chí đạt điểm tối đa. 

Còn khó khăn, vướng mắc

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, công tác PCTN của tỉnh còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện một số nội dung mới của Luật PCTN năm 2018 như các quy định về công khai, minh bạch của một số lĩnh vực chuyên ngành vẫn chưa được quy định rõ ràng, gây khó khăn trong việc thực hiện theo quy định. 

Bên cạnh đó, còn tình trạng có nơi có lúc, việc kê khai được thực hiện chưa đúng, chưa đủ, chưa kịp thời, kê khai chỉ dựa vào ý thức tự giác; việc kiểm tra, xác minh để bảo đảm tính trung thực của việc kê khai vẫn còn lúng túng, chưa được hướng dẫn cụ thể, dẫn đến việc xác định và thu hồi tài sản tham nhũng, tài sản có được từ tham nhũng gặp nhiều khó khăn.

UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện rà soát các trường hợp liên quan đến xung đột lợi ích theo quy định, tuy nhiên, đây là lĩnh vực mới và khó phát hiện.

Mặt khác, qua giám sát, kiểm tra, thanh tra, đã phát hiện vi phạm, tuy nhiên, việc chứng minh hành vi tham nhũng, tiêu cực của đối tượng còn gặp rất nhiều khó khăn.

Việc tiếp nhận các kiến nghị, phản ánh về tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc được UBND tỉnh triển khai trên tổng đài thông tin dịch vụ công 1022 tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, người dân và doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa thích ứng được với việc phản ánh qua tổng đài này.

Trong 5 năm qua, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg, qua theo dõi trên cơ sở báo cáo của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tiếp nhận được kiến nghị, phản ánh nào về tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân 

Đề xuất, kiến nghị

Để cải thiện chỉ số đánh giá công tác PCTN, UBND tỉnh Quảng Nam đã có ý kiến đề nghị.

Thứ nhất, Luật PCTN năm 2018 kiến nghị lược bỏ bớt các quy định về công khai, minh bạch trong một số lĩnh vực chuyên ngành để luật chuyên ngành quy định và chỉ quy định nguyên tắc về nội dung, hình thức, trách nhiệm thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị vừa đảm bảo không chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật vừa đảm bảo tính thống nhất, nhất quán trong hệ thống pháp luật. Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm ban hành các quy định về công khai, minh bạch lĩnh vực chuyên ngành để địa phương tổ chức triển khai thực hiện theo quy định.

Thứ hai, tại Mục 1 Các tội phạm tham nhũng thuộc Chương XXIII Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định 7 hành vi phạm tội tham nhũng; trong khi đó tại khoản 1 Điều 2 Luật PCTN năm 2018 lại quy định 12 hành vi tham nhũng, nên 5 hành vi còn lại của Luật PCTN còn thiếu chế tài để xử lý, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, gây khó khăn và kẽ hở trong quá trình vận dụng vào thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về tham nhũng.

Đồng thời, chưa có hướng dẫn cụ thể về tình tiết định khung của một số tội danh thuộc các tội phạm tham nhũng như tình tiết định khung “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội" quy định tại điểm c khoản 3 Điều 353 (Tội tham ô tài sản) và điểm d khoản 3 Điều 355 (Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản), dẫn đến việc đánh giá, áp dụng quy định này không thống nhất.

Đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ban hành Nghị quyết, hoặc liên ngành Tư pháp Trung ương ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn cụ thể việc xử lý đối với 5 hành vi tham nhũng quy định tại điểm h, i, k, l, m khoản 1 Điều 2 của Luật PCTN năm 2018; có thể nghiên cứu việc hình sự hóa từng hành vi cụ thể tạo sự thống nhất giữa Bộ luật Hình sự năm 2015 và Luật PCTN năm 2018. Đồng thời, cần luận giải rõ về tình tiết định khung “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội" quy định tại điểm c khoản 3 Điều 353 (Tội tham ô tài sản) và điểm d khoản 3 Điều 355 (Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản) Bộ luật Hình sự năm 2015.

Thứ ba, Bộ chỉ số và tài liệu hướng dẫn đánh giá công tác PCTN đối với UBND cấp tỉnh hằng năm do Thanh tra Chính phủ ban hành có thang điểm đánh giá là 100 gồm 4 nội dung đánh giá gồm (1) Việc lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCTN, (2) Việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, (3) Việc phát hiện và xử lý tham nhũng và (4) Việc thu hồi tài sản tham nhũng. Mỗi nội dung đều có các tiêu chí được hướng dẫn đánh giá theo từng thang điểm cụ thể. 

Thời gian tới, UBND tỉnh Quảng Nam mong muốn Thanh tra Chính phủ phân bổ thang điểm đánh giá phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương.

Thanh Nhung