Ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp và cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Trung ương về PCTN, tiêu cực.

Việc quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành của Trung ương về PCTN, tiêu cực được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quán triệt, thực hiện nghiêm túc, trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Luật PCTN năm 2018, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác PCTN, tiêu cực.

Thực hiện Chiến lược Quốc gia về PCTN, tiêu cực đến năm 2030 đã được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 11/10/2023, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành kế hoạch thực hiện trên địa bàn. Đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia PCTN, tiêu cực đến năm 2030 tại địa phương, đơn vị mình. Theo đó, các cấp, các ngành đã tập trung vào các giải pháp cải cách hành chính, công khai, minh bạch trong các hoạt động của cơ quan Nhà nước; đồng thời quan tâm, chủ động đối thoại với người dân, doanh nghiệp và thực hiện nghiêm túc trách nhiệm giải trình trong thực thi nhiệm vụ, công vụ.

UBND tỉnh thường xuyên chú trọng công tác đánh giá năng lực cạnh tranh của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn; tăng cường đổi mới công nghệ, xây dựng chính quyền điện tử, đổi mới công tác cán bộ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ và coi đây là nhiệm vụ, giải pháp thường xuyên nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Thanh tra tỉnh là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về PCTN, tiêu cực; tham mưu UBND tỉnh triển khai kế hoạch PCTN, tiêu cực năm, triển khai các chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác PCTN, tiêu cực; đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương, đơn vị thực hiện nhiệm vụ PCTN, tiêu cực. Thanh tra các sở, ngành tham mưu cho giám đốc sở về công tác PCTN, tiêu cực theo lĩnh vực quản lý Nhà nước. Thanh tra cấp huyện tham mưu cho chủ tịch UBND cấp huyện về công tác PCTN, tiêu cực trên địa bàn huyện.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, tiêu cực nên các cấp, ngành triển khai đồng bộ, duy trì thường xuyên, liên tục đảm bảo tính kịp thời và hiệu quả. Nội dung tuyên truyền sát với thực tế, hình thức phổ biến gần gũi với người dân. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hoà giải viên cơ sở đã phát huy vai trò trách nhiệm trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Các ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch đưa nội dung PCTN, tiêu cực vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đào tạo. Chủ động, đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền như: Vận dụng sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội (Zalo, Facebook) để nâng cao hiệu quả tuyên truyền; phối hợp với các cơ quan truyền thông để sản xuất các chương trình hỏi đáp, các phim tài liệu có nội dung bài trừ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; vận dụng hệ thống loa truyền thanh để tuyên truyền các nội dung, các vụ án PCTN, tiêu cực tới tận thôn bản.

Trong quý I, toàn tỉnh đã tổ chức 25 lớp tuyên truyền với 835 lượt người tham gia; thực hiện nhiều chuyên trang, chuyên mục phổ biến pháp luật trên Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, trong đó tập trung phổ biến các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Cũng trong quý I, tổng số cuộc thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về PCTN, tiêu cực: 11 cuộc với 11 đơn vị; đã ban hành kết luận: 4 cuộc, kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với 7 tập thể, 20 cá nhân có liên quan.

Trong thời gian tới, các địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc thực hiện cuộc vận động “Cán bộ, công chức nói không với tiêu cực”, quán triệt tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức Hà Tĩnh thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện pháp luật về PCTN, tiêu cực, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: Quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công... Tập trung xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc; kiên quyết loại bỏ những cán bộ nhũng nhiễu, tham nhũng ra khỏi bộ máy của Đảng và chính quyền các cấp.

Để thực hiện tốt công tác PCTN, tiêu cực, Hà Tĩnh đề xuất với Thanh tra Chính phủ sớm hoàn thiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ, để thuận lợi cho việc cập nhật, theo dõi, kiểm soát thông tin về tài sản, thu nhập lần đầu và những lần tiếp theo của người có nghĩa vụ kê khai; xem xét, bổ sung đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập tại Điều 34 Luật PCTN năm 2018 đối với những người là viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nhưng làm công tác trực tiếp thẩm định, tham mưu những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực (đánh giá hồ sơ dự thầu, thẩm định giá, quản lý tài chính, đăng ký quyền sử dụng đất...) và những người làm công tác kế toán, thủ quỹ. 

Lê Hữu Chính