Chu đáo từ công tác tổ chức

Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng” do Thanh tra Chính phủ tổ chức là một trong những nội dung thuộc Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019 - 2021” của Thanh tra Chính phủ nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức và người dân, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, góp phần phòng, chống tham nhũng. 

Đồng thời, phát huy tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; cũng như việc quan tâm, phối hợp của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tạo sức lan tỏa, hình thành ý thức tự giác thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, ngày 4/9/2019, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kế hoạch số 1512/KH-TTCP thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019-2021”. 

leftcenterrightdel
 Ban Tổ chức họp triển khai công tác chấm thi
 
leftcenterrightdel
 Một số hình ảnh bài dự thi của các em học sinh. Ảnh: PH

TS Trần Ngọc Liêm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Trưởng Ban Tổ chức cho biết, việc thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với đội ngũ cán bộ công chức, đảng viên là bắt buộc, nhưng đối với người dân càng quan trọng hơn trong việc giám sát việc thực thi để làm sao công cuộc phòng, chống tham nhũng càng ngày càng có hiệu quả hơn nên việc tổ chức cuộc thi là rất cần thiết.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 TS Trần Ngọc Liêm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi kiểm tra công tác chấm thi vòng sơ khảo. Ảnh: LP

Cũng theo TS Trần Ngọc Liêm, để triển khai một cách có hiệu quả về Luật Phòng, chống tham nhũng thì có nhiều hình thức và cách làm khác nhau, nhưng một trong những cách tuyên truyền phổ biến để nhiều người dân biết và cán bộ công chức tham gia hiểu sâu, hiểu kĩ hơn thì Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng” có ý nghĩa hết sức to lớn ở phạm vi rộng và nhiều đối tượng nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống tham nhũng cho các cán bộ công chức, viên chức của Thanh tra Chính phủ cũng như toàn thể ngành Thanh tra và người dân trong cả nước, ai quan tâm đều có thể tham gia để việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng càng ngày càng đi vào đời sống xã hội.

Tại cuộc họp Ban Giám khảo diễn ra ngày 27/10 để chuẩn bị chấm thi vòng sơ khảo, TS Trần Ngọc Liêm cho biết, cuộc thi đã thu hút được số lượng người tham dự lớn, do số lượng các bài dự thi lớn, Ban Tổ chức đã quyết định tăng cường số thành viên của Ban Giám khảo thêm gần gấp đôi, sẽ chấm tập trung trong thời gian 2 - 3 tuần để chọn ra khoảng 100 bài chất lượng nhất.

leftcenterrightdel
 Bài thi của một cá nhân đến từ Thanh tra Sở Y tế Nghệ An với bộ 7 quyển, mỗi quyển có độ dày hơn 250 trang

TS Trần Ngọc Liêm đã quán triệt tới các thành viên trong Ban Giám khảo, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đảm bảo công tâm, khách quan và minh bạch, lựa chọn chính xác những bài đúng thể lệ, đạt chất lượng tốt để đưa vào vòng chung kết, chấm và trao giải.

Lan tỏa thông điệp về phòng, chống tham nhũng

Với gần 200 nghìn bài dự thi từ 63 tỉnh, thành phố và 8 bộ, ngành Trung ương, trong đó TP Hải Phòng có gần 25 nghìn bài; Hà Nội hơn 20 nghìn bài, Tuyên Quang hơn 17 nghìn bài, Hà Tĩnh hơn 12,4 nghìn bài, Đắk Lắk hơn 12,2 nghìn bài, Lạng Sơn gần 10,5 nghìn bài, Đắk Nông hơn 12 nghìn bài... 

leftcenterrightdel
Bộ 4 quyển bài dự thi của một quần chúng nhân dân ở tỉnh Đồng Nai, mỗi quyển có độ dày hơn 200 trang 

Theo Ban Tổ chức Cuộc thi, người tham gia dự thi không chỉ ở đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước mà cả người dân ở nhiều lứa tuổi khác nhau, từ những em học sinh mới chỉ lớp 6, sinh viên các trường đại học, cao đẳng hay những cụ cao tuổi đã nghỉ hưu cũng nhiệt tình hưởng ứng cuộc thi.

Nhiều bài thi rất ấn tượng được thiết kế cầu kỳ của người dự thi đến từ Văn phòng Thành ủy Bắc Kạn; bài thi của một cá nhân đến từ Thanh tra Sở Y tế Nghệ An với bộ 7 quyển, mỗi quyển có độ dày hơn 250 trang có những phần được viết tay, hình ảnh minh họa phong phú; bộ 4 quyển bài dự thi của một quần chúng nhân dân ở tỉnh Đồng Nai, mỗi quyển có độ dày hơn 200 trang; bài dự thi có độ dầy 654 trang của một kế toán tại Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Sở Tư pháp Tuyên Quang… Hay bài dự thi của một cán bộ về hưu tại huyện Thạch Thất (Hà Nội).

leftcenterrightdel
 Bài dự thi của một cán bộ hưu trí tại Thạch Thất, Hà Nội. Ảnh: PH

Bên cạnh đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các ngành nghề tham gia, còn có các em học sinh có độ tuổi từ 2010 được viết tay với những nét chữ còn mộc mạc, chân chất nhưng thể hiện sự nghiêm túc khi tham gia cuộc thi của các em học sinh tại một Trường THCS Nam Thịnh (Thái Bình).

Nhiều bài dự thi của các em học sinh Trường THPT Cẩm Phả (Quảng Ninh); Trường THPT Hòa Bình (Chi Lăng, Lạng Sơn); Trường THPT Chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên)… được các em học sinh trình bày rất công phu, đẹp mắt hình ảnh minh họa thực tế, sinh động với những câu trích dẫn truyền cảm hứng về cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Dù các em còn ở lứa tuổi cắp sách đến trường, nhưng nhận thức về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay không hề nhỏ.

Về mặt hình thức, nhiều bài dự thi trình bày rất công phu, cầu kì, hình ảnh minh họa phong phú về lịch sử từ những năm 1945 đến nay, hay những hình ảnh, bài báo minh họa về các vụ án tham nhũng lớn được chỉ ra trong những năm qua.

leftcenterrightdel
 Một số bài dự thi được trình bày độc, lạ. Ảnh: PH

Ngoài trích dẫn và phân tích sâu những quan điểm, chủ trương, chính sách, nhận định, đánh giá, quyết tâm chính trị của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, bài dự thi còn dẫn chứng một số vụ việc tham nhũng đã được các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý trong thời gian qua; kiến nghị những giải pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.

Những con số ấn tượng trên thể hiện sự tham gia tích cực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân cũng như thế hệ tương lai của đất nước với công tác phòng, chống tham nhũng.

Đồng thời, phát huy tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, góp phần phòng, chống tham nhũng.

leftcenterrightdel
Thành viên Ban Giám khảo ấn tượng với bài thi của một em học sinh. Ảnh: PH

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, khi đánh giá về kết quả công tác 9 tháng đầu năm 2021, đã nhấn mạnh, việc tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng” đã lan tỏa tới nhiều đối tượng, thu hút sự tham gia đông đảo của mọi tầng lớp cán bộ và nhân dân. Đây thực sự là một trong các điểm nhấn nổi bật của Thanh tra Chính phủ.

Cũng theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, dù trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp, nhưng các đơn vị được giao như Báo Thanh tra và Vụ Pháp chế đã khẩn trương thực hiện các công đoạn tổ chức phát động cuộc thi. Với chỉ chưa đầy 2 tháng phát động, nhưng Ban Tổ chức đã nhận được sự tham gia của rất nhiều cán bộ, công chức, viên chức và người dân trong cả nước với số lượng bài dự thi vượt xa con số dự kiến. Các tác phẩm thể hiện cái nhìn sắc sảo về công tác tuyên truyền phòng, chống tham nhũng, tạo sự lan tỏa, chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Điều đó chứng tỏ sự lan tỏa mạnh mẽ của công tác phòng, chống tham nhũng thông qua cuộc thi là rất lớn.

leftcenterrightdel
 TS Trần Ngọc Liêm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Trưởng Ban Tổ chức phát biểu tại Lễ Phát động cuộc thi. Ảnh: PH

“Có thể nói, việc tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng” là một trong những cách tuyên truyền nhanh nhất và hiệu quả nhất tới đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân. Thông qua cuộc thi giúp nhiều người dân hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện nhiệm vụ được giao”, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh.

Xin mượn lời kết trong bài dự thi của một em học sinh để kết cho bài viết: “Là một học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, khả năng hiểu về công tác phòng, chống tham nhũng vẫn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, qua cuộc thi do Thanh tra Chính phủ tổ chức, em đã hiểu rõ hơn về vai trò và trách nhiệm của mình trong công cuộc phòng, chống tham nhũng để đất nước tươi đẹp và không có tệ nạn tham nhũng. Em sẽ cố gắng trở thành một công dân tốt. Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền để nhiều người cùng nhận thức được vai trò và trách nhiệm của bản thân trong việc phòng, chống tham nhũng để đất nước ta ngày càng tươi đẹp và phát triển hơn”.

Phương HIếu