Các chính phủ và nhà tài trợ, trong đó bao gồm Ngân hàng Thế giới (WB) đang thực hiện các hành động để đạt được những mục tiêu quản trị tốt, nhưng phải đối mặt với những thách thức ghê gớm.

Theo ông Vinay Bhargava - nguyên Giám đốc quốc gia và Giám đốc các vấn đề quốc tế của WB, ngay cả trong thời gian bình thường, việc quản lý rủi ro quản trị vốn đã là một thách thức. Trong đại dịch COVID-19, các thách thức trở nên cực kỳ khó khăn, do tốc độ và quy mô của các chương trình phản ứng với COVID-19, sự quá tải về công việc đối với các cơ quan thực hiện và trách nhiệm giải trình, bao gồm cả truyền thông và xã hội dân sự, cũng như các mối quan tâm về an toàn của lực lượng lao động và quyết định phong tỏa.

Những rủi ro về quản trị tiềm ẩn trong các chương trình tiêm vắc-xin như: Thiếu tuân thủ các tiêu chí phân bổ, thiếu thông tin kịp thời về vận chuyển và sẵn có vắc-xin, thông tin truyền thông không đầy đủ về an toàn và thông tin sai lệch; giám sát và ứng phó phản ứng bất lợi không đầy đủ, chất lượng không đạt tiêu chuẩn của các nguyên liệu liên quan đến vắc-xin, trao hợp đồng cho các nhà thầu có sự ưu ái về mặt chính trị, chi phí trái phép được yêu cầu đối với việc quản lý vắc-xin, sự chen ngang (jumping the queue - chỉ việc nhận ưu tiên không công bằng với người khác) liên quan đến hối lộ, gia đình trị và hoạt động chính trị.

Cũng theo ông Vinay Bhargava, các tổ chức xã hội dân sự (CSO) có thể giúp giải quyết những thách thức. Bằng chứng thu thập từ các nghiên cứu, đánh giá cũng như kinh nghiệm của các sáng kiến CSO để quản trị tốt cho thấy rằng, sự tham gia của CSO, khi được chính phủ hỗ trợ, có thể cải thiện việc thực hiện, hòa nhập, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát tham nhũng và lòng tin của công chúng vào các chương trình phát triển.

leftcenterrightdel
Ông Vinay Bhargava. Ảnh: ptfund.org

Các bài học kinh nghiệm và thực hành tốt trong sự tham gia của CSO, đặc biệt trong các chương trình tiêm chủng, có thể áp dụng cho các chương trình tiêm vắc-xin COVID-19. Ở cấp độ toàn cầu, COVAX, GAVI và WHO đã nhận ra tiềm năng này và tất cả đều đang khai thác chuyên môn và mạng lưới CSO. Tuy nhiên, nguồn lực này hiện chưa được sử dụng hết ở cấp quốc gia và cấp địa phương.

Thực tế cho thấy, có ít nhất 6 cách đã được chứng minh mà các CSO có thể bổ sung cho các hành động của chính phủ và các nhà tài trợ, nhằm đảm bảo mục tiêu quản trị tốt trong các chương trình tiêm vắc-xin COVID-19. Đó là:

- Hỗ trợ tiếp cận cộng đồng để giáo dục, xua tan thông tin sai lệch và ảnh hưởng đến hành vi;

- Đánh giá mức độ và các lý do chính dẫn đến việc do dự vắc-xin, sau đó thiết kế và đưa ra các thông điệp phù hợp để khắc phục;

- Xác định những người có thể không được tiêm chủng do các rào cản về nhu cầu (ví dụ: khả năng di chuyển, ngôn ngữ, danh tính, vùng sâu vùng xa, v.v.) và hành động để vượt qua các rào cản;

- Giám sát việc tuân thủ các tiêu chí phân bổ vắc-xin và các quy trình phản ứng có hại, xác định và thu hẹp khoảng cách cung cấp dịch vụ vắc-xin và quản lý vắc-xin khi được phép;

- Giám sát tính liêm chính trong mua sắm/phân phối vắc-xin và các nguồn cung cấp kèm theo (găng tay, khẩu trang, ống tiêm...) và theo dõi việc phân phối vắc-xin, bao gồm cả nguồn cung bị chậm trễ và gián đoạn;

- Làm việc với cơ quan ngân sách, kiểm toán, thanh tra và các cơ quan chống tham nhũng, sử dụng các phương pháp cho phép sự tham gia cá nhân, để giúp họ xác định khung phạm vi kiểm toán và xây dựng cơ sở dữ liệu về các vụ án tham nhũng bị cáo buộc để điều tra.

Các can thiệp của CSO sẽ cần phải chọn lọc để giải quyết những mục tiêu đã thống nhất với chính phủ và/ hoặc các nhà tài trợ và phù hợp với bối cảnh hoạt động. Các kế hoạch thực hiện cần nêu rõ những hoạt động tham gia của CSO được lựa chọn từ các lĩnh vực chương trình đã đề cập ở trên, các điều khoản tham chiếu, kinh phí, phương pháp mua sắm và công bố kế hoạch.

Ngọc Anh