TS Cung Phi Hùng cho biết, mục tiêu là đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật thanh tra về lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thanh tra; đề xuất các giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thanh tra.

Tại Chương 3, Chủ nhiệm đề tài đã đề cập đến các giải pháp hoàn thiện pháp luật về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thanh tra.

Ban Chủ nhiệm đã đề xuất các giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thanh tra bằng cách: Tin học hóa hoạt động lập kế hoạch thanh tra, định hướng chương trình thanh tra, nội dung định hướng chương trình thanh tra bằng cách: xây dựng biểu mẫu nhập liệu các hoạt động: Nhập mục đích, yêu cầu thanh tra, nhiệm vụ của Thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ, ngành, địa phương.

Sau đó, kết xuất báo cáo phục vụ yêu cầu quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Tin học hóa trình tự, thủ tục xây dựng định hướng chương trình thanh tra. Với hình thức này cần xây dựng biểu mẫu nhập liệu các hoạt động như: Nhập thông tin, tài liệu thu thập của đơn vị chủ trì; liên kết dữ liệu với các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan nhà nước có liên quan xây dựng định hướng chương trình thanh tra.

Ngoài ra, xây dựng biểu mẫu nhập liệu về trình tự, thủ tục xây dựng định hướng chương trình thanh tra gồm: Nội dung soạn thảo tờ trình, dự thảo định hướng chương trình thanh tra; nhập lấy ý kiến của các cục, vụ, đơn vị có liên quan thuộc Thanh tra Chính phủ vào dự thảo định hướng chương trình thanh tra; kết xuất báo cáo Tổng Thanh tra về lấy ý kiến các cơ quan kiểm tra, kiểm toán, thanh tra để thống nhất nội dung định hướng chương trình thanh tra.

Nhập dự thảo định hướng chương trình thanh tra; nhập ý kiến góp ý của các phó tổng thanh tra để hoàn chỉnh dự thảo định hướng chương trình thanh tra để trình Tổng Thanh tra.

Nhập hồ sơ trình Tổng Thanh tra về dự thảo định hướng chương trình thanh tra; nhập thời hạn trình dự thảo định hướng chương trình thanh tra tới Tổng Thanh tra trước ngày 10/10 hàng năm.

Giải pháp tin học hóa phê duyệt định hướng chương trình thanh tra cũng được đề cao, bao gồm xây dựng biểu mẫu nhập liệu: Nhập dự thảo định hướng chương trình thanh tra phải gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chậm nhất vào ngày 15/10 hàng năm; nhập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ về dự thảo định hướng chương trình thanh tra; nhập ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nội dung định hướng chương trình thanh tra; nhập tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo định hướng chương trình thanh tra để Tổng Thanh tra đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nhập nội dung phê duyệt định hướng chương trình thanh tra của Thủ tướng Chính phủ.

Tương tự, ban chủ nhiệm cũng đề xuất tin học hóa xây dựng kế hoạch thanh tra của thanh tra bộ, thanh tra tỉnh, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc bộ; thanh tra sở, thanh tra huyện, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc sở xây dựng biểu mẫu nhập liệu như Thanh tra Chính phủ và thanh tra bộ, thanh tra tỉnh…

Ngoài ra, tin học hóa hoạt động điều chỉnh, xử lí chồng chéo, kiểm tra việc xây dựng, thực hiện kế hoạch thanh tra cũng được ban chủ nhiệm đưa ra…

Cho ý kiến tại hội thảo, các đại biểu đều nhấn mạnh: Các giải pháp được ban chủ nhiệm đưa ra chi tiết, đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu đặt ra của đề tài cũng như ứng dụng công nghệ 4.0 hiện nay trong công tác thanh tra. Với việc đề xuất các giải pháp về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thanh tra tạo thành một hệ thống chung trong toàn ngành về thanh tra, thống nhất từ trung ương đến địa phương; tạo thành hồ sơ điện tử duy nhất về từng cuộc thanh tra; khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lặp, kéo dài trong hoạt động thanh tra; công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra; nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra; phục vụ việc tra cứu, tìm kiếm thông tin một cách dễ dàng nhất. Đồng thời, kết xuất các báo cáo nhanh chóng, chính xác, kịp thời phục vụ Quốc hội, Chính phủ và ngành Thanh tra.

Ban Chủ nhiệm cần lưu ý trong phần giải pháp này, các đề mục cần tinh gọn lại để dễ hiểu hơn, tránh lan man, các giải pháp bám sát hơn mục tiêu và lý luận nghiên cứu đề tài để đưa ra các giải pháp có tính khả thi nhất; cần hướng tới trách nhiệm thực thi của (bộ máy, con người) trong hoạt động thanh tra….

Kết thúc hội thảo, Chủ nhiệm đề tài phát biểu cảm ơn và tiếp thu ý kiến của các đại biểu tham dự để tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện đề tài trong thời gian tới.

Thái Hải