Các đại biểu tham dự hội nghị đã tập trung thảo luận vào nội dung phạm vi, đối tượng điều chỉnh và bố cục của Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); những vấn đề nhằm bảo đảm phù hợp với văn bản của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật của Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); về bảo đảm tính phù hợp với cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia trong Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)...

Di sản văn hóa thật sự phát huy giá trị trong đời sống

Theo GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật, nội dung của dự thảo luật nặng quy định về các hoạt động quản lý, bảo vệ di sản văn hóa của các chủ thể sở hữu di sản văn hóa. Trong khi đó, nội dung phát huy giá trị di sản văn hóa không được quy định rõ. Các điều luật đều có 2 chữ “phát huy” nhưng nội dung của phát huy là phải làm gì? phát huy như thế nào không thấy quy định?

GS.TS Trần Ngọc Đường cho rằng, ngày nay việc bắt tay giữa di sản văn hóa và công nghệ đang thúc đẩy sự hình thành các khái niệm mới về di sản số, di sản phái sinh… nhưng chưa được luật hóa để hình thành chính sách pháp lý phù hợp, khuyến khích phát triển các sản phẩm số dựa trên di sản.

GS.TS Trần Ngọc Đường chỉ ra, nếu nghiên cứu đưa di sản số trở thành một khái niệm chính thức trong Luật Di sản văn hóa và có các quy định về chính sách đầu tư, chính sách về bản quyền… sẽ thúc đẩy người làm công nghệ có sản phẩm số mang tính ứng dụng cao trong đời sống để di sản văn hóa thật sự phát huy giá trị trong đời sống.

Cần phải hình thành một “bảo tàng số mở”

Theo PGS.TSKH Trịnh Thị Kim Ngọc, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, có sản phẩm văn hóa đã được khai thác từ một cộng đồng văn hóa được coi là những người Việt bản địa đầu tiên, giờ ngôn ngữ và văn hóa của họ đang có hiện tượng mai một, thất truyền bởi xu hướng giao thoa văn hóa hiện nay đã được phát hiện và lưu giữ tại Bảo tàng của Bộ Tư lệnh Biên phòng nhưng chưa được đưa vào là di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Theo PGS.TSKH Trịnh Thị Kim Ngọc cho rằng, cần phải hình thành một “bảo tàng số mở” vì các loại di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam liên tục được phát hiện, tổng hợp, công nhận và bổ sung, nhưng thực tế công tác này còn chưa được quan tâm đúng mức.

Ông Trương Minh Tiến, Thành viên Hội đồng Tư vấn Tôn giáo, MTTQ TP Hà Nội cho rằng, việc quy hoạch di tích là di tích quốc gia đặc biệt thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; tuy nhiên, thời gian qua, TP Hà Nội đã mất quá nhiều thời gian để xin chủ trương, trình phê duyệt quy hoạch; bởi vậy, khi sửa đổi cần giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt quy hoạch di tích quốc gia đặc biệt.

Kiến nghị việc xác định quyền sở hữu, mua bán cổ vật, ông Trương Minh Tiến cho rằng, cần có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn từ các ngành chức năng, làm được điều này thì sẽ góp phần làm giảm tình trạng mất cắp hiện vật, cổ vật ở các di tích lớn.

Phải coi bảo vật quốc gia là tài sản đặc thù

Tại Điều 23, TS Nguyễn Xuân Năng, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho rằng, có nhiều điểm đưa nội dung không thống nhất, diễn đạt rườm rà, lủng củng.

TS Nguyễn Xuân Năng cũng kiến nghị nên phân định cấp độ khác nhau giữa di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia để có ứng xử phù hợp.

Theo TS Nguyễn Xuân Năng, hiện mới có 300 hiện vật là bảo vật quốc gia. Vì vậy, phải coi bảo vật quốc gia là tài sản đặc thù, có giá trị đặc biệt và thuộc loại hiện vật quý hiếm. Với bảo vật quốc gia không cho phép kinh doanh cả trong và ngoài nước. Với cổ vật, không cho phép kinh doanh ở nước ngoài.

Ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật đề nghị, Dự thảo Luật Di sản (sửa đổi) cần bổ sung quy định một điều ở cuối Chương II.

Ông Đỗ Duy Thường kiến nghị, trên cơ sở 4 vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên của MTTQ, đề nghị Ban Soạn thảo bổ sung vai trò, nhiệm vụ cụ thể của Ủy ban MTTQ các cấp, Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư vào tham gia các ban quản lý di tích, quản lý danh lam thắng cảnh; quản lý di vật, cổ vật, bảo vật của quốc gia, tổ chức lễ hội truyền thống ở thôn, làng ấp bản, buôn, phum, sóc.

Cơ quan soạn thảo cần nghiêm túc tiếp thu những ý kiến góp ý

Từ các ý kiến của đại biểu dự họp, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam mang tính xã hội, khách quan, khoa học, xây dựng, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và hiệu quả của văn bản; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.

Các ý kiến đã đồng tình, đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã nghiêm túc, trách nhiệm trong việc soạn thảo dự thảo luật với 9 chương, 101 điều; tăng 2 chương, 27 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành.

Các vấn đề đặt ra đã được các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu, phát biểu và bổ sung nhiều nội dung từ thực tiễn để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục bổ sung, làm rõ những nét mới trong công tác bảo vệ, sử dụng và khai thác di sản văn hóa. Đặc biệt là tập trung phân tích các quy định nhằm làm rõ quan điểm nhân dân làm chủ thể trong quá trình bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Về các ý kiến tại hội nghị, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiêm túc tiếp thu những ý kiến góp ý tại hội nghị để tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại phiên họp lần thứ 31 tới đây.

Thanh Thanh