Làm rõ thời điểm kết thúc hồ sơ thanh tra, nội dung thẩm định

Theo Chánh Thanh tra Bộ Công Thương Lê Việt Long, trong quá trình thực hiện Luật Thanh tra 2022, tại Điều 60 của luật có nêu: Đoàn thanh tra được thành lập để thực hiện nhiệm vụ thanh tra và tự giải thể sau khi trưởng đoàn thanh tra bàn giao hồ sơ thanh tra cho cơ quan tiến hành thanh tra.

Tuy nhiên, khi tham chiếu lại ở Điều 57 thì hồ sơ thanh tra được quy định: Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra việc thực việc lập, bàn giao hồ sơ thanh tra. Việc mở hồ sơ thanh tra bắt đầu từ ngày người có thẩm quyền ký quyết định thanh tra và kết thúc hồ sơ thanh tra vào ngày người có thẩm quyền ban hành văn bản tổ chức thực hiện kết luận thanh tra.

“Điều này rất khó hiểu, nghĩa là hồ sơ thanh tra sẽ kết thúc vào lúc nào, để tôi chấp hành theo Điều 60 là bàn giao hồ sơ cho cơ quan thanh tra?”, Chánh Thanh tra Bộ Công Thương băn khoăn.

Có nghĩa là hôm nay ban hành quyết định thanh tra, đến khi kết thúc thanh tra coi như đã xong, nhưng việc xây dựng dự thảo kết luận, công bố kết luận, hồ sơ vẫn chưa hoàn thành, mà phải chờ đến ngày công bố thực hiện kết luận thanh tra. Song thực tế, chúng ta thấy có những kết luận kéo dài đến vài năm sau vẫn chưa thực hiện được hoặc có những nội dung thực hiện được, có những nội dung chưa thực hiện được thì đến bao giờ mới kết thúc hồ sơ thanh tra?

Do đó, đề nghị cơ quan chủ quản giải thích rõ khoản 2 của Điều 57 và Điều 60 về hồ sơ thanh tra như thế nào để các cơ quan thực thi.

leftcenterrightdel
 Chánh Thanh tra Bộ Công Thương Lê Việt Long yêu cầu làm rõ 2 nội dung là hồ sơ thanh tra và thẩm định dự thảo kết luận thanh tra. Ảnh: TH

Cũng theo Chánh Thanh tra Bộ Công Thương, Điều 77 quy định thẩm định dự thảo kết luận thanh tra là: Dự thảo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, dự thảo kết luận thanh tra hành chính của thanh tra bộ và thanh tra tỉnh phải được thẩm định trước khi ký ban hành. Việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra chuyên ngành của thanh tra bộ và thanh tra tỉnh, dự thảo kết luận thanh tra của các cơ quan thanh tra khác được thực hiện khi cần thiết.

“Tuy nhiên, luật không quy định phạm vi thẩm định là gì? Thẩm định quy trình hay thẩm định về nội dung? Trong lúc thanh tra các bộ, ngành chủ yếu mang tính chất chuyên ngành, một cuộc thanh tra có rất nhiều mảng, nhiều chuyên ngành, từ đầu tư xây dựng, dự án ngân sách cho tới đề tài khoa học... nếu giao cho một tổ tiến hành thẩm định thì thẩm định đó ở phạm vi nào?”, ông Long đặt câu hỏi.

Theo ông Long, phạm vi thẩm định của Bộ Công Thương là thẩm định về quy trình. “Xem xét thực hiện theo đúng các quy trình hay không và nội dung cuộc thanh tra này có sát với đề cương thanh tra hay không, ngoài ra cũng không thẩm định được cái gì khác”, ông Long nói.

Mặc dù có chế định tại luật như vậy nhưng khả năng thực thi là không hiệu quả, vì thế cần quy định một cách rõ hơn.

Cùng quan điểm đó, Chánh Thanh tra tỉnh Bắc Giang Trương Văn Nam đề nghị Thanh tra Chính phủ giải thích cụ thể hơn việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra chuyên ngành của thanh tra bộ và thanh tra tỉnh, dự thảo kết luận thanh tra của các cơ quan thanh tra khác được thực hiện khi cần thiết.

Chồng chéo giữa chuyên ngành và lĩnh vực

Ông Vũ Văn Long, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) khẳng định Luật Thanh tra 2022 có rất nhiều quy định mới và chặt chẽ, tạo cơ sở thực hiện có hiệu quả các hoạt động thanh tra.

Ông Long cho biết, theo Nghị định 03/2024/NĐ-CP, Bộ TN&MT có 3 đơn vị được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, đó là: Cục Quy hoạch phát triển về tài nguyên đất, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường và Cục Khoáng sản Việt Nam. Trong khi đó, Nghị định về cơ cấu tổ chức của Bộ TN&MT có quy định từng lĩnh vực như: Lĩnh vực đất đai, lĩnh vực môi trường, lĩnh vực khoáng sản và địa chất.

Đối với lĩnh vực đất đai, Bộ có 3 đơn vị là Cục Quy hoạch phát triển tài nguyên đất, Cục Đăng ký cơ sở dữ liệu đất đai và Vụ Đất đai, mỗi đơn vị là có chức năng nhiệm vụ riêng.

Cục Quy hoạch phát triển tài nguyên đất thì được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về công tác quy hoạch, giao đất cho thuê đất, nhưng việc cấp giấy chứng nhận thuộc lĩnh vực Cục Đăng ký đất đai.

Do đó, hiện tại Bộ TN&MT đang vướng nếu thực hiện theo quy định 2 nghị định trên. Vì vậy, đề nghị Thanh tra Chính phủ hướng dẫn làm rõ, để Thanh tra Bộ tham mưu cho Bộ giao nhiệm vụ cho các đơn vị.

leftcenterrightdel
Ông Vũ Văn Long, Phó Chánh Thanh tra Bộ TN&MT băn khoăn việc chồng chéo giữa chuyên ngành và lĩnh vực. Ảnh: TH

Mặt khác, trong quá trình nghiên cứu và thực hiện, Thanh tra Bộ TN&MT thấy rằng, chưa có quy định tạm dừng các cuộc thanh tra. Các trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật dân sự có rất nhiều các quy định chặt chẽ để được đưa vào trường hợp bất khả kháng.

“Vậy, trong quá trình tiến hành thanh tra, cần phải trưng cầu giám định thì trường hợp này thì có được coi là bất khả kháng hay không? Có trường hợp mà trưng cầu có thể vượt quá 30 ngày, thì có được trong trường hợp quy định tạm dừng cuộc thanh tra hay không? Vấn đề này cũng cần được Thanh tra Chính phủ giải thích làm rõ”, ông Long nêu.

Vướng mắc khi "trưởng đoàn thanh tra là thanh tra viên"

Chánh Thanh tra tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Trường cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện Luật Thanh tra 2022, tỉnh Hòa Bình còn có nhiều vướng mắc, nhất là việc thực hiện quy định trưởng đoàn thanh tra là thanh tra viên (Khoản 2, Điều 60).

“Để bổ nhiệm được thanh tra viên hoặc xếp gạch ở thanh tra viên là phải qua đào tạo, bồi dưỡng đủ điều kiện tiêu chuẩn. Riêng tỉnh Hòa Bình, có một số đơn vị cấp huyện không có thanh tra viên hoặc có những đơn vị chỉ có 1 thanh tra viên. Đây là một vướng mắc”, ông Trường chia sẻ.

Đối với việc xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, theo quy định của luật nếu cấp trên chồng chéo cấp dưới thì thanh tra lại, ngang cấp chồng chéo thì tự thống nhất hoặc chồng chéo trong việc tổ chức 1 cuộc thanh tra có nhiều nội dung.

Ông Trường phân tích, nếu cấp trên chồng chéo cấp dưới theo đúng luật là cấp trên làm, nhưng nếu cấp dưới đã ban hành kế hoạch thanh tra trước, mà cấp trên lại được làm, hóa ra cơ quan tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành kế hoạch không chính xác, mặc dù đã có khảo sát, có sự thỏa thuận từ trước.

Đối với chồng chéo ngang cấp, trong quá trình xử lý chồng chéo sẽ không thống nhất được, vì mỗi đơn vị có chức năng nhiệm vụ riêng; nếu tập trung nội dung vào để một đơn vị chủ trì, dẫn đến sau khi kết thúc thanh tra thì ai là người là người ký kết luận thanh tra?

leftcenterrightdel
Nhiều tỉnh, thành cũng có nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện luật. Ảnh: TH 

Thời hạn thanh tra tại vùng sâu, vùng xa, địa hình khó khăn, phức tạp

Đại diện nhiều địa phương cho rằng, Điều 47 Gia hạn thanh tra, luật quy định rất chặt chẽ, nhưng chưa thực sự phù hợp với điều kiện làm việc, bởi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các cơ quan thanh tra ngoài thực hiện tham mưu công tác quản lý Nhà nước; thực hiện chức năng thanh tra, còn phải thực hiện rất nhiều việc khác do lãnh đạo chỉ đạo như: Công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, tham mưu cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, với số lượng biên chế ít, thời gian thực hiện những việc trên chiếm hết thời gian thực hiện nhiệm vụ của thanh tra.

“Với thời gian 45 ngày, số lượng người ít, mỗi người có thể làm rất nhiều việc nên không thể là đảm bảo cho thời gian 45 ngày để hoàn thành cuộc thanh tra. Do vậy dẫn đến là phải gia hạn, nhưng nếu đối chiếu với luật thì không thể gia hạn được, bắt buộc phải vi phạm luật”, Chánh Thanh tra tỉnh Hòa Bình cho hay.

Mặt khác, trong thực tế xảy ra trường hợp, thanh tra các tỉnh tiến hành thanh tra ở vùng sâu, vùng xa, địa hình khó khăn, phức tạp và tiến hành thanh tra trên nhiều lĩnh vực, nhiều địa bàn, có những trường hợp đặc biệt phức tạp, những trường hợp này chắc chắn sẽ không tránh khỏi việc quá thời gian quy định.

Do đó, đề nghị Thanh tra Chính phủ có hướng dẫn hoặc tham mưu cho Chính phủ bổ sung gia hạn, thời gian thanh tra đối với thanh tra cấp tỉnh.

Cùng với đó, việc xử phạt vi phạm hành chính được luật quy định, những tỉnh mà không có thành lập thanh tra sở, thanh tra nhiệm vụ liên quan chuyên ngành và có chức năng là xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, quy định cụ thể việc xử phạt vi phạm hành chính chưa rõ ràng.

Cùng thắc mắc, Thanh tra tỉnh Bắc Giang cho rằng, người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính là quan trọng. Trước đây, ở các lĩnh vực chuyên ngành là phải thanh tra viên chuyên ngành mới được lập biên bản vi phạm hành chính, nhưng bây giờ Thanh tra tỉnh có thẩm quyền lập biên bản xử phạt hành chính.

“Bây giờ thanh tra viên ở Thanh tra tỉnh có được lập biên bản vi phạm hành chính để Chánh Thanh tra tỉnh xử phạt hay không?”, ông Nam đặt câu hỏi.

Thái Hải - Thanh Lương