Theo TS Nguyễn Thị Thu Nga, việc nghiên cứu đề tài nhằm mục tiêu làm sáng tỏ cơ sở lý luận, thực tiễn để đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ trong thời gian tới. Để đạt mục tiêu đề ra, đề tài nghiên cứu một số nội dung chính như sau: Một số vấn đề về cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ; Thực trạng cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ; Định hướng, giải pháp hoàn thiện cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ…

Đề tài đã làm rõ những vấn đề lý luận chung về khái niệm, đặc điểm, yếu tố ảnh hưởng, các yêu cầu hoàn thiện cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ và bài học kinh nghiệm từ một số bộ, cơ quan ngang bộ…

Đánh giá thực trạng cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ, kết quả nghiên cứu đề tài chỉ ra rằng, cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ dần được kiện toàn, hoàn thiện hơn qua các thời kỳ, có sự bổ sung, điều chỉnh kịp thời mà vẫn đảm bảo được sự ổn định tương đối.

Việc phân công nhiệm vụ cho các đơn vị về cơ bản là phù hợp, tương đối đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, có sự thay đổi, điều chỉnh phù hợp, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu mới trong từng giai đoạn.

Cùng với đó là cơ cấu tổ chức từng đơn vị trực thuộc Thanh tra Chính phủ được quy định đầy đủ và không ngừng hoàn thiện; sự phân cấp quản lý có nhiều điểm tiến bộ; sự phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ giữa các đơn vị đã bước đầu được quy định trong quy chế làm việc của Thanh tra Chính phủ và trong quyết định của Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng đơn vị…

Bên cạnh những kết quả đạt được, đề tài chỉ ra một số hạn chế trong cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ như: Việc phân chia hệ thống các đơn vị trực thuộc Thanh tra Chính phủ còn một số điểm chưa phù hợp, chưa đảm bảo thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ được giao, còn có nguy cơ trùng lắp, chồng chéo giữa các đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ; việc lựa chọn mô hình tổ chức của một số đơn vị chưa đảm bảo theo quy định của pháp luật hiện hành và chưa đem lại hiệu quả cao trong hoạt động.

Việc phân công nhiệm vụ và quy định về cơ cấu tổ chức của từng đơn vị trực thuộc Thanh tra Chính phủ còn chưa rõ ràng, hiệu quả; việc sắp xếp lại cơ cấu tổ chức trong từng đơn vị gặp một số khó khăn và chưa đáp ứng theo quy định hiện hành; cơ chế phối hợp giữa các cục, vụ, đơn vị chưa thực sự đầy đủ, chặt chẽ...

Đề tài đưa ra các giải pháp, kiến nghị hoàn thiện cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ, bao gồm các giải pháp về nhận thức và công tác chỉ đạo; hoàn thiện các đơn vị tham mưu, quản lý Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập của Thanh tra Chính phủ; hoàn thiện cơ chế phối hợp và phân cấp quản lý...

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TH

Góp ý hoàn thiện kết quả nghiên cứu, TS Cung Phi Hùng - Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT cho rằng, Chương II của đề tài cần đánh giá Nghị định 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ và Nghị định 50/2018/NĐ-CP ngày 9/4/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ. Cần có sự so sánh hai nghị định này với nhau, từ đó, đánh giá cơ cấu tổ chức, hoạt động của 19 đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ để tìm ra những tồn tại, bất cập trong tổ chức, hoạt động các đơn vị và có đề xuất giải pháp phù hợp, trong đó có thể kiến nghị bổ sung, sửa đổi Nghị định 50/2018/NĐ-CP…

Theo ThS Phạm Thị Thu Hiền - Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT, đề tài đã giải quyết nhiều vấn đề về cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ; tiếp cận vấn đề cần nghiên cứu ở nhiều khía cạnh như địa vị pháp lý, nhiệm vụ quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ. Đề tài đã bám sát nghị quyết của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước, Chiến lược Phát triển ngành Thanh tra… là những căn cứ tác động trực tiếp đến cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ. Do vậy, Ban Chủ nhiệm có thể nghiên cứu kỹ hơn các văn bản này để xác định thông tin định hướng cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ nhằm đảm bảo tính toàn diện hơn…

TS Nguyễn Tuấn Khanh - Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT cho rằng, đề tài cần luận giải Thanh tra Chính phủ là cơ quan ngang bộ, là cơ quan quản lý theo lĩnh vực công tác; làm rõ thêm các nội dung có liên quan như khái niệm, đặc điểm của cục, vụ, đơn vị sự nghiệp công lập; sự khác nhau giữa các đơn vị này để sau đó luận giải về cơ cấu tổ chức hay sắp xếp các đơn vị này cho phù hợp…

Về nội dung nghiên cứu, đề tài cần bám sát định hướng đổi mới hệ thống chính trị theo nghị quyết của Đảng; bảo đảm thực hiện sự phân cấp, phân quyền hợp lý, tính tự chịu trách nhiệm trong hoạt động thanh tra; xác lập mô hình tổ chức phù hợp với lĩnh vực quản lý đặc thù của Thanh tra Chính phủ.

Kết thúc hội thảo, chủ nhiệm đề tài tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự để hoàn thiện kết quả nghiên cứu đề tài trong thời gian tới.

Thái Hải