Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật PCTN sửa đổi, vấn đề xử lý hành vi tham nhũng được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm toán như thế nào vẫn còn có quan điểm trái chiều.

Bảo đảm tương xứng với khả năng

Có ý kiến cho rằng, chỉ nên giữ như luật hiện hành. Ý kiến khác đề nghị, cần có sửa đổi, bổ sung để nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là giữa các cơ quan thanh tra, kiểm toán Nhà nước với các cơ quan điều tra, viện kiểm sát các cấp trong phát hiện, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, khắc phục những hạn chế đã được phát hiện qua tổng kết 10 năm thi hành Luật PCTN.

Theo đánh giá của Chính phủ, tình hình tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công.

Nhưng số vụ việc được các cơ quan thanh tra, kiểm toán Nhà nước kết luận rõ hành vi tham nhũng, chuyển cơ quan điều tra còn ít, chưa tương xứng với khả năng thực tế và mong đợi của Nhà nước, nhân dân. Một trong những nguyên nhân là do các quy định về cơ chế phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động của kiểm toán, thanh tra chưa rõ ràng, chưa phát huy được vai trò của mỗi cơ quan.

“Thực tiễn thời gian qua cho thấy, các cơ quan thanh tra, kiểm toán Nhà nước hoàn toàn có đủ điều kiện để kết luận, làm rõ về tính chất, mức độ của hành vi tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, đặc biệt là các vụ việc tham ô hoặc sử dụng trái phép tài sản, tài chính công”, tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật PCTN nêu rõ.

Vì vậy, theo nhiều ý kiến, dự thảo Luật cần bổ sung quy định, trường hợp phát hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng thì người ra quyết định thanh tra từ cấp tỉnh trở lên, người ra quyết định kiểm toán phải chỉ đạo xác minh, làm rõ tính chất, mức độ của hành vi tham nhũng, ra kết luận và khi có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện Kiểm sát cùng cấp biết.

Trường hợp phát hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng nhưng cơ quan thanh tra, kiểm toán Nhà nước không đủ điều kiện xác minh, làm rõ, kết luận thì người ra quyết định thanh tra, kiểm toán phải chủ động phối hợp và chuyển tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện Kiểm sát cùng cấp biết.

Không để “lọt” hành vi tham nhũng

“Việc bổ sung các quy định vào Luật để đảm bảo hiệu quả hoạt động của thanh tra, kiểm toán trong PCTN là hết sức cần thiết”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Hoàng Quang Hàm nhấn mạnh.

Cùng với đó, theo ông Ngọ Duy Hiểu, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cần đưa vào luật quy định, nếu đã thanh tra, kiểm toán mà không phát hiện ra tham nhũng, sau đó cơ quan khác phát hiện được tham nhũng về cùng nội dung, vấn đề thì cơ quan đã thanh tra, kiểm toán phải chịu trách nhiệm.

“Từ đó, tránh việc cơ quan thanh tra, kiểm toán không làm hết trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, tránh việc đưa cơ quan kiểm toán, thanh tra không lành mạnh vào như sự che chắn cho hành vi tham nhũng. Bởi nhiều cơ quan sẽ không vào kiểm tra nữa vì cho rằng, cơ quan này đã có kiểm toán, thanh tra rồi", ông Ngọ Duy Hiểu nói.

Đồng ý, cơ quan thanh tra, kiểm toán phải chịu trách nhiệm khi đã thanh tra, kiểm toán mà bỏ lọt hành vi tham nhũng, song ông Hoàng Quang Hàm lưu ý, việc bổ sung phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của thanh tra, kiểm toán Nhà nước và không xung đột với nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp.

“Thanh tra, kiểm toán không có nhiệm vụ điều tra xét hỏi mà chỉ thực hiện nhiệm vụ theo quy trình, chuẩn mực được pháp luật quy định cho thanh tra, kiểm toán. Vì vậy, bổ sung trách nhiệm của các cơ quan này khi bỏ lọt tham nhũng cần phải rõ trong trường hợp nào, không tạo ra vùng cấm trách nhiệm nhưng cũng phải phù hợp”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách nêu quan điểm.

Ông Hoàng Quang Hàm cho rằng, cơ quan thanh tra, kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm trong trường hợp không tuân thủ quy trình, chuẩn mực, thủ tục thanh tra, kiểm toán dẫn đến bỏ lọt hành vi tham nhũng, để bảo đảm nguyên tắc giao quyền lực phải có cơ chế kiểm soát quyền lực.

Thảo Nguyên