Theo báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội, việc thực hiện chính sách, pháp luật cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 – 2016 đạt được nhiều kết quả tốt, đáng ghi nhận nhưng cũng còn nhiều hạn chế, bất cập.

Nhiều tầng nấc, xử lý 1 nội dung phải qua 7 bước

Ở cấp bộ ngành, tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, số đầu mối đơn vị hành chính tăng, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo tăng.

Đoàn giám sát chỉ ra, một nội dung chuyên môn do chuyên viên xử lý để được báo cáo lên Bộ trưởng thường phải trải qua quy trình 7 bước.

Cụ thể, (1) chuyên viên soạn thảo; (2) Phó trưởng phòng cho ý kiến; (3) Trưởng phòng cho ý kiến; (4) Phó Vụ trưởng cho ý kiến; (5) Vụ trưởng cho ý kiến; (6) Thứ trưởng duyệt văn bản; (7) Bộ trưởng xử lý, ký văn bản.

Ở những đơn vị cấp tổng cục thì trước khi trình Thứ trưởng còn phải thêm quy trình xin ý kiến của Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục trưởng. Giữa quy trình này có thể còn phải tổ chức họp, bàn.

Tương tự, một chỉ đạo của Bộ trưởng để xuống đến người trực tiếp thực hiện có khi cũng phải trải qua nhiều tầng nấc, làm cho việc xử lý mất nhiều thời gian.

Xu hướng nâng cấp vụ lên cục diễn ra nhanh ở nhiều Bộ, có đến 30 cục được thành lập trong thời gian này, trong đó có những Bộ tăng nhiều như Bộ Công an tăng 7 cục, Bộ Tư pháp tăng 4 cục, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế tăng 3 cục, Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng tăng 2 cục...

Việc tăng số cục trong Bộ đã dẫn đến tổ chức thêm nhiều đơn vị cấp phòng trong cục. Trong 5 năm tăng 180 đơn vị (năm 2011 có 778 phòng thuộc cục, tháng 12/2016 có 958 phòng thuộc cục).

Không những tăng tổ chức bộ máy, việc tăng số lượng cục còn dẫn đến tăng biên chế, chi phí hành chính, trong khi chức năng, nhiệm vụ không thay đổi.

“Do cơ cấu tổ chức Bộ, cơ quan ngang Bộ có quá nhiều đầu mối, đã làm cho số lượng công chức giữ vị trí lãnh đạo quản lý từ cấp phòng trở lên rất lớn, dẫn đến mất cân đối giữa số người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý với số công chức tham mưu. Số lượng người hưởng chế độ cấp “hàm” còn nhiều”, báo cáo giám sát nêu rõ.

Giữa số người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý với số công chức đang có sự mất cân đối

Trung bình một cơ quan chuyên môn cấp tỉnh có 8,1 phòng

Số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh cũng tăng, cơ cấu tổ chức bên trong cũng nhiều đầu mối.

Tại Báo cáo số 392/BC-CP ngày 22/9/2017 của Chính phủ cho thấy, số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện có giảm, nhưng số lượng cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và số chi cục, phòng thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh có xu hướng tăng.

Từ năm 2011 đến năm 2016 tăng 34 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, 85 phòng và tương đương, 16 chi cục thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (có giai đoạn tăng 28 chi cục).

Cơ cấu tổ chức bên trong của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh cũng cồng kềnh, tổ chức thành nhiều chi cục, phòng và tương đương.

Đến tháng 12/2016, trung bình một cơ quan chuyên môn cấp tỉnh có 8,1 phòng và tương đương trực thuộc. 

Một số tổ chức chi cục thuộc sở chưa được tổ chức lại cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao nên còn tạo tầng nấc trung gian như ở Đà Nẵng, trong Sở Tài nguyên Môi trường vẫn có Chi cục Biển và Hải đảo; Chi cục Quản lý đất đai.

Ở địa phương cũng chung “bệnh” như ở cấp bộ, ngành. Đó là, sự mất cân đối giữa số lượng người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý và số công chức tham mưu.

Nếu biên chế trung bình của một cơ quan chuyên môn cấp tỉnh là 40 thì với tỷ lệ trung bình 8,1 phòng/sở, sẽ có đến 20 công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng trở lên (mỗi đơn vị chỉ tính 1 cấp trưởng và 1 cấp phó).

Sở Khoa học Công nghệ Quảng Trị có 25 biên chế, bố trí thành 8 phòng, mỗi phòng bố trí 2 - 3 người dẫn đến tình trạng người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nhiều hơn nhân viên.

Chưa kể, một số địa phương có số lượng phó giám đốc sở hoặc tương đương, số lượng phó phòng cấp huyện vượt quá quy định như Hà Nội có Sở Nội vụ; Hà Tĩnh có Văn phòng UBND tỉnh, Sở Y Tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lai Châu có Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn, Sở Công Thương...

Nhiều địa phương cho rằng, việc quy định “cứng” số lượng cấp phó ở các sở, phòng của UBND cho mỗi sở, phòng thuộc UBND là không hợp lý, không phù hợp với điều kiện thực tế về kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Vì thực tế công việc có sở, phòng cần nhiều cấp phó, ngược lại, có sở, phòng cần ít cấp phó.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Đoàn giám sát, do phương thức làm việc trong các cơ quan hành chính hiện nay chậm được đổi mới, duy trì các cuộc họp, hội nghị triển khai công việc quá nhiều, không gắn với nguyên tắc làm việc theo chế độ chuyên viên... nên địa phương nào, cơ quan nào cũng thiếu cấp phó để đi họp...

Thảo Nguyên