Hội thảo là diễn đàn cho cộng đồng doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách lao động, tổ chức đại diện người lao động và các bên có liên quan chia sẻ những quan điểm, kinh nghiệm và thực tiễn về thực hành bình đẳng giới (BĐG) tại nơi làm việc; đồng thời cập nhật những điểm mới có liên quan tới BĐG trong Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi.

Việt Nam đứng thứ 6/10 quốc gia bình đẳng nhất về giới tính

Tại Hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể về thúc đẩy BĐG, trong đó có việc giảm chênh lệch về tỷ lệ đói nghèo giữa nam giới và nữ giới cũng như chênh lệch giới tính trong giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. 

Theo đánh giá mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2018, Việt Nam xếp thứ 6 trong 10 quốc gia bình đẳng nhất về giới tính. Đây là nỗ lực của cả xã hội nói chung và trong đó có sự góp phần của nhiều doanh nghiệp đã thực hiện tốt BĐG tại nơi làm việc và tạo ra những bước tiến đáng kể cho công việc sản xuất kinh doanh của mình.

Tuy nhiên, theo ông Phòng, bất BĐG vẫn là một thách thức lớn trong sự phát triển của Việt Nam. Ngay cả khi phụ nữ đóng góp thiết yếu cho xã hội và nền kinh tế, họ bị đánh giá thấp trong thị trường lao động và không được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế bình đẳng so với nam giới. Nữ giới vẫn bị hạn chế về quyền ra quyết định, khoảng cách thu nhập theo giới tính vẫn chưa giảm.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, những điểm mới trong Dự thảo Luật Lao động sửa đổi lần này hướng đến việc bảo vệ điều kiện làm việc của lao động nữ xuất phát từ đặc điểm sinh lý riêng có của nữ giới; cải thiện điều kiện lao động đối với lao động nữ; chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ, cần được hưởng các điều kiện chăm sóc sức khoẻ như khám sức khỏe định kỳ, khám chuyên khoa phụ sản; không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản...

Đồng thời, Dự thảo cũng hướng đến thúc đẩy BĐG tại nơi làm việc, khuyến khích áp dụng chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà phù hợp  nguyện vọng của lao động nữ; giúp đỡ, hỗ trợ của người sử dụng lao động trong việc xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo; người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động nữ được Nhà nước hỗ trợ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thúc đẩy BĐG tại nơi làm việc sẽ giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và cam kết với bạn hàng. Ảnh: Intenet

Tại Hội thảo, các đại biểu đều đồng tình việc thúc đẩy BĐG tại nơi làm việc sẽ giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và cam kết với bạn hàng, đồng thời giữ chân và tuyển dụng được những lao động có tay nghề, có kỹ năng và nâng cao năng suất lao động, tạo điều kiện cho đổi mới và sáng tạo.

Tuy nhiên, cơ hội của phụ nữ vẫn thấp hơn so với nam giới

Bà Trần Thị Lan Anh,  Phó Tổng Thư ký VCCI, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động cho biết cho biết, Việt Nam được đánh giá là quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua. Tình trạng bất BĐG của Việt Nam đã được cải thiện nhanh với chỉ số phát triển giới (GDI) thuộc nhóm 1 trong 5 nhóm (188 quốc gia).

Tỷ lệ lao động nữ tham gia vào thị trường lao động luôn giữ ở mức ổn định trên dưới 48%. Tỷ lệ nữ doanh nhân tại Việt Nam chiếm 31,3%, xếp thứ 6 trong số các quốc gia, khu vực có tỷ lệ nữ doanh nhân cao nhất. Tuy nhiên BĐG ở một số lĩnh vực vẫn là vấn đề cần tiếp tục được quan tâm giải quyết.

Tuy nhiên, theo bà Lan Anh, tỷ lệ lao động nữ vẫn thấp hơn lao động nam, tập trung trong các lĩnh vực ngành nghề có yêu cầu chất lượng tay nghề, trình độ chuyên môn thấp nên tiền lương, tiền công và thu nhập bình quân của phần lớn lao động nữ thường thấp hơn so với lao động nam”.

Bên cạnh đó, cơ hội của phụ nữ tiếp cận việc làm chính thức, bảo hiểm xã hội và điều kiện lao động tốt vẫn thấp hơn nhiều so với nam giới. Trong số lao động nữ, nhóm có cơ hội thấp hơn là lao động nữ nông thôn và lao động nữ dân tộc thiểu số.

Thời gian qua, VCCI luôn thúc đẩy các chương trình liên quan đến việc thực hiện BĐG ở nơi làm việc, tạo thuận lợi cho người làm việc, nâng cao năng suất lao động và vị thế trên thị trường, vấn đề định vị nâng cao chuỗi giá trị là điều vô cùng quan trọng.

Theo đại diện của VCCI, hiện các doanh nghiệp muốn tham gia vào các chuỗi cung ứng trong khu vực và toàn cầu, thì việc thực hiện BĐG và chống phân biệt đối xử là rất quan trọng. Đây là một tiêu chí bắt buộc trong tiêu chuẩn về chuỗi sản xuất và cung ứng quốc tế.

Bộ luật Lao động 2012 hiện đang trong quá trình sửa đổi đặt vấn đề BĐG là nội dung quan trọng được điều chỉnh, phù hợp với yêu cầu và thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt trong việc thực hiện BĐG tại nơi làm việc chính là tư duy của cả người sử dụng lao động và người lao động. 

“Doanh nghiệp cần thiết kế chính sách hoạt động, lồng ghép các nội dung BĐG tại nơi làm việc, hỗ trợ cho cả lao động nam và lao động nữ có thể thực hiện trách nhiệm công việc và gia đình. Thực hiện BĐG không chỉ là một mục tiêu mà là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển bền vững và xây dựng nền quản trị tốt”, đại diện VCCI nhấn mạnh. 

Phương Anh