Thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, lực lượng công an cùng các ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Các tính năng, tiện ích trên ứng dụng định danh điện tử (VNeID), bước đầu được người dân tiếp cận, sử dụng phục vụ nhu cầu trong cuộc sống.

Thời gian gần đây, các đối tượng tội phạm công nghệ cao đã lợi dụng việc làm này của cơ quan chức năng và dùng chiêu trò mạo danh cơ quan công an gọi điện cho người dân, gửi đường link qua Zalo, Facebook... Sau đó, các đối tượng yêu cầu người dân truy cập và cài đặt phần mềm "VNeID" giả mạo có giao diện giống với ứng dụng VNeID thật.

Khi người dân cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo được cấp quyền truy cập mức cao (bao gồm cả đọc dữ liệu cá nhân và đọc tin nhắn chứa mã OTP), các đối tượng sẽ kiểm soát được ứng dụng tài khoản ngân hàng rồi thực hiện lệnh chuyển tiền trên điện thoại người bị hại và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Đơn cử, vụ việc vừa được Công an TP Hà Nội tiếp nhận thông tin trình báo: Nạn nhân là anh Nguyễn Hoàng (tên bị hại được thay đổi) cho bạn mượn điện thoại để cài đặt phần mềm giả mạo dịch vụ công nên bị chiếm đoạt tài sản.

Tại trụ sở công an, anh Nguyễn Hoàng cho biết bạn của mình là anh Trần Kiên (tên bị hại được thay đổi) nhận được một cuộc điện thoại của đối tượng tự xưng là cán bộ công an phường, yêu cầu đến cơ quan công an để cập nhật tài khoản định danh cá nhân. Do anh Kiên bận công tác nên không thể trực tiếp đến cơ quan công an làm việc. Đối tượng thông báo với anh Kiên là Bộ Công an có chủ trương hỗ trợ qua mạng để thuận tiện cho công dân và hướng dẫn anh Kiên sử dụng điện thoại có hệ điều hành Android để tải phần mềm và cài đặt ứng dụng dịch vụ công. Do anh Kiên không sử dụng điện thoại có hệ điều hành Android nên đã mượn điện thoại của anh Hoàng để cài đặt ứng dụng giả mạo theo yêu cầu của đối tượng.

Ngoài ra, đối tượng còn yêu cầu anh Kiên truy cập vào tài khoản ngân hàng để thanh toán phí dịch vụ. Mục đích của các đối tượng là thu thập thông tin về số tài khoản, mật khẩu đăng nhập tài khoản ngân hàng của anh Kiên khi đăng nhập trên điện thoại của anh Hoàng. Sau khi phần mềm cập nhật xong và chiếm được quyền điểu khiển điện thoại, các đối tượng lấy cắp mật khẩu đăng nhập tài khoản ngân hàng, mã OTP giao dịch và thực hiện các lệnh chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản của tất cả các tài khoản ngân hàng lưu trong máy điện thoại của anh Nguyễn Hoàng và tài khoản ngân hàng mà anh Trần Kiên vừa đăng nhập.

Theo Công an tỉnh Hưng Yên, cơ quan công an chỉ vận động công dân đến trụ sở công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú hoặc nơi gần nhất để làm định danh điện tử mức 2; việc định danh điện tử mức 2 công dân trực tiếp đi làm do phải chụp ảnh, quét vân tay nên không thể làm thay được. Ngoài nội dung trên, nếu có người gọi điện thoại yêu cầu công dân tải, cài đặt ứng dụng khác với ứng dụng VNeID, hay cung cấp thông tin cá nhân như căn cước công dân, giấy tờ khác... để kích hoạt giúp, không cần trực tiếp đến các cơ quan, thì đó là đối tượng có ý đồ xấu, người dân cần cảnh giác và không làm theo hướng dẫn của các đối tượng này. Cảnh giác với các đường link lạ, không nhập tài khoản và mật khẩu vào các trang mạng không rõ nguồn gốc, tuyệt đối không chuyển tiền cho người khác khi chưa xác định được danh tính của người đó.

Trước thực trạng này, Bộ Công an cũng đưa ra khuyến cáo người dân chỉ cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn chính thống trên App Store (đối với hệ điều hành iOS) và CH Play (đối với hệ điều hành Android). Tuyệt đối không cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn ngoài trên các trang web, kho ứng dụng không chính thống, từ các đường link lạ. Việc cập nhập sửa đổi thông tin công dân phải đến trực tiếp cơ quan công an. Khi phát hiện các thông tin, hành vi vi phạm có liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đề nghị thông báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để kịp thời xác minh làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Bình An