Sống chung với bụi

Theo phản ánh của người dân sống gần khu vực hồ Dầu Tiếng, thuộc xã Phước Minh, trước đây con đường ven hồ rất sạch đẹp và bằng phẳng, nhưng từ khi các mỏ cát trong lòng hồ hoạt động, các phương tiện vận chuyển cát thường xuyên chở quá tải, chạy liên tục cả ngày lẫn đêm, khiến đường nhanh chóng xuống cấp với hàng loạt các “ổ voi, ổ gà”.

Người dân cho biết, việc ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn diễn ra nhiều năm nay, đã được phản ánh, kêu cứu đến nhiều cấp chính quyền, nhưng đến nay vẫn không có kết quả khả thi nên phải sống chung với bụi. Nhiều năm nay họ phải sống chung với cảnh khi trời nắng thì bụi mịt mù, khi mưa thì đường trở lên lầy lội như đầm lầy, chưa kể tiếng gầm rú của các phương tiện chở cát hoạt động suốt ngày đêm, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt hàng ngày.

“Tại hồ Dầu Tiếng giờ có đến hàng trăm tàu hút cát các loại và hàng chục bãi cát quanh hồ hoạt động liên tục ngày đêm. Các xe tải chở cát thì chở quá tải, không được che chắn khiến cát rơi đầy đường. Do không chịu nổi nên chúng tôi đã tự trang bị hệ thống các vòi tưới nước dọc bên đường để tưới, nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời để hạn chế bụi”, một người dân bức xúc.

Phương tiện vận tải cuốn theo khói bụi mịt mù. Ảnh: CN

Có mặt tại hồ Dầu Tiếng, chúng tôi ghi nhận hoạt động khai thác cát diễn ra rất rầm rộ với hàng chục ghe hút cát đang hoạt động. Nhiều bãi cát rất lớn với các cần cẩu hoạt động liên tục đưa cát lên những chiếc ô tô tải trọng lớn. Sau đó, những phương tiện này lập tức chạy với tốc độ chóng mặt, cuốn theo nhiều bụi.

Chúng tôi ghé vào quán nước bên đường gần khu vực hồ Dầu Tiếng, theo quan sát, cứ vài phút là có một xe chở cát chạy qua, đa số các phương tiện chở cát đều không được che chắn hoặc việc che chắn cũng rất sơ sài, khiến cát rơi đầy đường. Đáng chú ý, khi có xe chở cát chạy qua thì cuốn theo phía sau khói bụi mịt mù cả một đoạn đường.

Người dân tự lắp đặt vòi tưới nước để hạn chế bụi. Ảnh: CN

Chính quyền không nắm?

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Minh cho biết, hiện trên địa bàn xã có 2 điểm khai thác cát của Công ty Thành Đạt và Cơ sở tư nhân Hiệp Thịnh. Trong đó, điểm khai thác của Công ty Thành Đạt đã bị đình chỉ hoạt động do có số phương tiện vượt quá số lượng cho phép.

Theo ông Phong, địa phương chỉ biết trên địa bàn xã có 2 cơ sở hút cát hoạt động nhưng hoạt động ra sao và phương tiện cơ giới như thế nào thì không nắm. Còn về vấn đề giấy phép, hồ sơ hoạt động của các cơ sở khai thác cát thì hiện xã không lưu trữ.

Bãi tập kết cát ở hồ Dầu Tiếng. Ảnh: CN

Đối với tình hình xe vận chuyển cát hoạt động quá tải, che chắn sơ sài ảnh hưởng tới đường giao thông, gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn, ông Phong cho hay, hiện địa phương đã ghi nhận được ý kiến phản ánh của người dân và đã có báo cáo kiến nghị lên cấp trên.

Theo tìm hiểu, hồ Dầu Tiếng là một trong những hồ nước nhân tạo lớn với diện tích mặt nước là 270km² và khoảng 45,6km² đất bán ngập nước, dung tích chứa 1,58 tỷ m³ nước. Tính đến tháng 4/2017, tại khu vực lòng hồ Dầu Tiếng có 11 đơn vị được cấp phép khai thác cát, vị trí các mỏ khai thác nằm trên địa bàn huyện Tân Châu và Dương Minh Châu, với tổng trữ lượng cát được khai thác theo giấy phép khoảng 6,45 triệu m3.

Trong quá trình khai thác cát tại hồ Dầu Tiếng, nhiều doanh nghiệp đã có vi phạm như hoạt động tàu hút cát vượt mức được cấp phép, tự do thành lập bến bãi tập kết cát trên diện tích đất nông nghiệp trái quy định… Thậm chí, một số đơn vị còn đưa các xe có tải trọng lớn vào các bãi tập kết cát trong lòng hồ và gần chân đập, nguy cơ gây mất an toàn cho đập chứa.

Cảnh Nhật