Doanh thu tăng, lợi nhuận giảm

Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel) là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu thị trường du lịch Việt Nam. Vietravel từng gây chú ý khi lập hãng hàng không (Vietravel Airlines). Tuy nhiên, hãng bay non trẻ này gặp vận đen khi vừa ra mắt thì đại dịch Covid-19 ập tới khiến ngành du lịch và hàng không chao đảo.

Covid-19 xuất hiện khiến Vietravel tiến sát bờ vực phá sản. Có thời điểm cổ phiếu VTR của Vietravel bị hạn chế giao dịch vì công ty thua lỗ tới mức âm vốn chủ sở hữu.

Khi Covid-19 đi qua, hoạt động du lịch bùng nổ trở lại giúp doanh thu Vietravel tăng dần đều. Thế nhưng, trong 6 tháng đầu năm 2024, trong khi nguồn thu vẫn cải thiện, Vietravel lại chứng kiến lợi nhuận đi lùi.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vietravel đạt 3.228 tỷ đồng, tăng 515 tỷ đồng, tương đương 19% so với nửa đầu năm 2023. Thế nhưng, lợi nhuận sau thuế lại giảm 5,3 tỷ đồng, tương đương 23,8% xuống chỉ còn 17 tỷ đồng.

Hiệu quả sử dụng vốn tại Vietravel khá thấp. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu của công ty này tại ngày 30/6/2024 chỉ là 7,4%.

Cần phải nhấn mạnh rằng, dù đang trên đà phục hồi nhưng thành tựu Vietravel đạt được vẫn thấp hơn so với năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Trong nửa đầu năm 2019, doanh thu của Vietravel đạt 3.579 tỷ đồng.

Thoát âm dòng tiền nhờ đi vay

Lợi nhuận suy giảm là một trong những yếu tố khiến dòng tiền của Vietravel khá yếu khi nhiều dòng tiền âm.

Cụ thể, tại ngày 30/6/2024, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Vietravel âm 130 tỷ đồng. Tiền chi trả cho người cung cấp hàng hóa dịch vụ và dịch vụ (3.402 tỷ đồng) và tiền chi khác cho hoạt động kinh doanh (791 tỷ đồng) là những nguyên nhân chính khiến hoạt động kinh doanh âm tiền.

Trong khi đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 5,5 tỷ đồng. Trong kỳ, công ty chi 4,3 tỷ đồng mua sắm, xây dựng tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác; chi 2,3 tỷ đồng cho vay, mua công cụ nợ của các đơn vị khác.

Hoạt động kinh doanh và đầu tư đều âm nhưng lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của Vietravel lại dương 41,6 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với con số âm 16,8 tỷ đồng hồi cuối quý 2/2023. Nguyên nhân là do công ty tăng cường đi vay.

Trong nửa đầu năm 2024, Vietravel dành 858 tỷ đồng trả nợ gốc vay nhưng lại đi vay 1.035 tỷ đồng. Nhờ vậy, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính của công ty là dương 178 tỷ đồng. Nhờ đó, Vietravel thoát cảnh âm dòng tiền.

Phải thu trăm tỷ với công ty nợ bảo hiểm

Trong khi dòng tiền kinh doanh và đầu tư âm, tổng dòng tiền thoát âm nhờ đi vay thì hàng ngàn tỷ đồng của Vietravel lại nằm ngoài công ty. Trong đó, đáng chú ý nhất là 230 tỷ đồng phải thu từ Công ty Cổ phần Tập đoàn Vietravel (Vietravel Corp), cổ đông lớn của Vietravel. Đáng chú ý, Vietravel Corp "bết bát" đến mức có 3 tháng liên tiếp nợ bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, tại ngày 30/6/2024, Vietravel ghi nhận 2.203 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn, tăng 355 tỷ đồng, tương đương 19,2% so với nửa đầu năm 2023. Trong đó có 1.127 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khác.

Trong 1.127 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khác có hơn 922 tỷ đồng Phải thu với Công ty Cổ phần Tập đoàn Vietravel (Vietravel Corp). Đây là phải thu tiền chuyển nhượng cổ phần của Công ty Cổ phần Hàng không Lữ hành Việt Nam.

Khoản phải thu tồn tại tối thiểu từ đầu năm 2024 nhưng Vietravel Corp vẫn chưa thanh toán xong. Trong khi đó, từ đầu năm 2024, Vietravel Corp gây chú ý khi bết bát tới mức nợ bảo hiểm xã hội 3 tháng liền.

Hồi giữa tháng 6/2024, Bảo hiểm xã hội TP HCM đã công bố danh sác các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (tháng 5/2024). Trong đó, Vietravel Corp được công bố là nợ 3 tháng với tổng số tiền 18,7 triệu đồng.

Trong khi đó, tại ngày 30/6/2024, Vietravel ghi nhận hơn 2,6 tỷ đồng phải trả ngắn hạn về kinh phí công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Vietravel là cổ đông lớn của Vietravel khi sở hữu 14,29% vốn Vietravel.