Trong phiên giao dịch chiều ngày 27/3/2024, Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ) niêm yết giá vàng SJC ở mức 78,8 - 80,9 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 800 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua và bán so với chốt phiên hôm qua, chênh lệch giữa mua và bán là 2,1 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng SJC được Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết ở mức 78,8 - 80,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 700 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với phiên liền kề, chênh lệch giữa mua và bán 2 triệu đồng/lượng.

Điều này đồng nghĩa với việc, nếu nhà đầu tư xuống tiền mua vàng trong thời điểm này đã lỗ 2,1 triệu đồng/lượng theo mức giá của PNJ đưa ra và 2 triệu đồng/lượng theo Tập đoàn DOJI.

Tuy nhiên, mức giá này vẫn còn kém mức đỉnh 80,5 - 82,5 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra) mà vàng SJC đã lập hôm 12/3 vừa qua. Nếu so sánh với thời điểm 1 năm trước, giá vàng SJC đã tăng khoảng 13,5 triệu đồng /lượng.

Trao đổi với PV Báo Thanh tra về diễn biến của giá vàng trong thời gian gần đây, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, trong năm qua, lãi suất tiền gửi xuống thấp, các kênh tài chính khác như bất động sản, chứng khoán diễn biến đa chiều, nên người dân có tâm lý đầu tư vào vàng để đảm bảo an toàn.

Trong khi cầu tăng, thì nguồn cung đang bị hạn chế do hơn 10 năm nay Việt Nam không dập thêm miếng vàng SJC nào (từ năm 2013 - PV), doanh nghiệp và người dân chỉ mua đi bán lại số vàng được dập trước đó trên thị trường, khi cung không tăng mà cầu tăng thì giá tất yếu sẽ tăng.

Thông tin thêm về vấn đề chênh lệch mua vào và bán ra hiện nay đang được các nhà vàng nới rộng mỗi khi gía vàng biến động mạnh, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm, điều này sẽ hạn chế rủi ro cho các doanh nghiệp vàng, và rủi ro sẽ được đẩy về phía khách hàng.

Theo ông Thịnh, trước đây, chênh lệch giá mua - bán vàng chỉ vào khoảng 500 nghìn đồng, nhưng hiện giờ, doanh nghiệp đều kéo giãn khoảng cách mua bán lên tới 2 - 3 triệu đồng/lượng.

“Nghĩa là, nếu khách hàng mua vàng thì phải đợi tới khi giá vàng tăng thêm 2 - 3 triệu đồng/lượng thì mới hòa vốn, chứ chưa thể tính tới lời. Mà, với sự lên xuống liên tục như thời gian qua thì rủi ro cho người mua vàng là rất lớn”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay.

Doanh thu PNJ tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm 2023. Ảnh chụp màn hình: Quang Dân

Trên thực tế, đi cùng với biến động của giá vàng trong thời gian qua, doanh nghiệp vàng đang ghi nhận doanh thu trên đà tăng trưởng mạnh. Đơn cử, báo cáo kết quả kinh doanh 2 tháng đầu năm 2024 của  PNJ cho biết, dù tình hình sức mua chung trong mùa Tết 2024 là khiêm tốn, PNJ vẫn ghi nhận doanh thu thuần luỹ kế 2 tháng đạt 8.478 tỷ đồng tăng đến 21,6% so với cùng kì, tăng trưởng so với nền rất cao của công ty năm 2023 và lợi nhuận sau thuế đạt 550 tỷ đồng, xấp xỉ mức kỷ lục đạt được năm ngoái.

Trước đó, PNJ cũng báo doanh thu quý IV/2023 đạt 9.760 tỷ đồng, tăng 18% so với quý IV/2022 và lãi ròng đạt 631 tỷ đồng, tăng đến 34%. Đây cũng là kết quả kinh doanh tốt nhất của doanh nghiệp tính riêng trong quý IV những năm vừa qua.

Lũy kế cả năm 2023, PNJ đưa về 33.137 tỷ đồng doanh thu, giảm 2% so với năm 2022. Tuy nhiên, nhờ doanh thu hoạt động tài chính tăng nhanh, góp phần đưa lãi sau thuế PNJ tăng 9%, đạt 1.971 tỷ đồng.

Kết phiên giao dịch ngày 27/3/2023, cổ phiếu PNJ của Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận giao dịch ở ngưỡng 97.500 đồng/cổ phiếu, biến động không đáng kể so với phiên giao dịch liền kề.

Quang Dân