Hiện nay, diện tích cây có múi của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) là 6.740 ha, trong đó, cam 4.142 ha; bưởi 2.252 ha và cây có múi khác 346 ha. Sản lượng hàng năm đạt trên 60 nghìn tấn. Một số loại cây ăn quả khác như: Nhãn diện tích 825 ha, sản lượng trên 4.000 tấn; táo diện tích 527 ha, sản lượng trên 8.000 tấn; ổi diện tích trên 100 ha, sản lượng trên 100 tấn.

Là địa phương có diện tích, sản lượng cây có múi lớn nhất tỉnh, để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, các tổ chức, cá nhân tham gia thu hoạch và tiêu thụ nông sản trên địa bàn phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, UBND huyện Lục Ngạn xây dựng 2 phương án tiêu thụ cam, bưởi. 

leftcenterrightdel
Cam, bưởi đang bước vào giai đoạn đầu của vụ thu hoạch. Ảnh: PV

Phương án 1: Tình hình dịch Covid-19 trong nước diễn biến phức tạp nhưng tại Bắc Giang dịch ổn định; phương án 2: Dịch bệnh xảy ra trên địa bàn huyện. Trong cả 2 phương án, huyện đều xác định sản phẩm chủ yếu bán quả tươi tại thị trường nội địa (vì cam, bưởi của Bắc Giang chưa có thị trường ngoài nước), sản lượng khoảng 55 nghìn tấn, số còn lại đưa vào chế biến: Ép nước đóng lon, sấy khô… 

Ở phương án 2, xác định thương nhân không vào thu mua được, UBND huyện sẽ thường xuyên thông tin cho các thương nhân về tình hình sản xuất, các quy định lưu thông hàng hóa trên thị trường tại các tỉnh, TP trong cả nước. Hỗ trợ thương nhân, lái xe test nhanh Covid-19 và hướng dẫn cấp giấy vận chuyển hàng hóa trên cơ sở thực hiện đúng các quy định về phòng, chống dịch. Hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm được tổ chức thông qua hội nghị trực tuyến.

Theo ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND Huyện Lục Ngạn: “Hiện nay mặt hàng nông sản cam bưởi trên địa bàn huyện đang bước vào đầu mùa của vụ thu hoạch. Nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, các thành phần kinh tế, thương nhân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện tham gia thu hoạch, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông sản trên địa bàn huyện năm 2021 phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý đối với hoạt động sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ các nông sản đặc trưng tại địa phương, đơn vị; đề ra các phương án, giải pháp tiêu thụ phù hợp nếu dịch Covid-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp. Các ngành chức năng có liên quan, UBND các xã, thị trấn hỗ trợ nhân dân, doanh nghiệp tổ chức sản xuất, xử lý sau thu hoạch để bảo đảm duy trì tốt chất lượng, thương hiệu sản phẩm Lục Ngạn.

leftcenterrightdel
Gian trưng bày nông sản cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng của huyện Lục Ngạn tại hội chợ Cam, bưởi năm 2020. Ảnh: PV

Công tác xúc tiến, truyền thông được đặt lên hàng đầu, chủ động chuẩn bị chu đáo địa điểm (trang trại, hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp, các mô hình sản xuất tiêu biểu...) để đón tiếp các thương nhân, doanh nghiệp, các đoàn khách trong và ngoài nước, các cơ quan thông tấn báo chí đến thăm, khảo sát, tìm hiểu vùng sản xuất để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức tuyên truyền thông qua bao bì sản phẩm (tên sản phẩm, nơi sản xuất, đóng gói, tên nhà vườn, mã QRcode, đặc biệt là thông tin sản phẩm an toàn). Khuyến khích các hợp tác xã và doanh nghiệp sử dụng hộp catton in màu đẹp, trên có logo sản phẩm chung của huyện. Sản phẩm khi đóng gói phải cam kết về chất lượng, an toàn thực phẩm, không để tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.

Ngoài ra, UBND huyện cũng phối hợp với các nhà vườn, hợp tác xã cây trồng trên địa bàn huyện tổ chức các tour du lịch tham quan, trải nghiệm nhà vườn cho các du khách đến tham quan du lịch trên địa bàn huyện nhằm quảng bá hình ảnh du lịch và các mặt hàng đặc sản trên địa bàn huyện”.

Cùng với đó, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm bằng nhiều hình thức như: Tổ chức tuyên truyền thông qua bao bì sản phẩm; triển khai hoạt động quảng cáo, chào bán sản phẩm đặc trưng trên trang web thương mại điện tử của huyện http://dacsanlucngan.vn, trên các trang mạng xã hội bằng thông tin trên điện thoại di động về thời gian thu hoạch từng sản phẩm, thông tin về một số doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà vườn tiêu biểu, uy tín… Đồng thời phối hợp với Sở Công Thương, Cục Thương mại điện tử, Bộ Công Thương quảng cáo, chào bán sản phẩm trên một số trang web, sàn thương mại điện tử như Sendo (FPT), Voso (viettelpost), Tiki-BigC/GO, Shopee, Lazada, Postmart (Vnpost) và dacsanlucngan.vn... và trên các nền tảng mạng xã hội zalo, facebook, youtube...

Ngoài ra, huyện tổ chức tiếp xúc, đối thoại với các tổ chức, cá nhân thu mua cam, bưởi và các nông sản đặc trưng của huyện; nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, thương nhân thu mua tiêu thụ nông sản của huyện. Thành lập nhóm Zalo gồm các chủ cơ sở thu mua nông sản trên địa bàn, cập nhật thông tin, tình hình thị trường tiêu thụ và các văn bản hướng dẫn phòng, chống dịch tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Thiết kế, in bao bì hộp catton đựng sản phẩm nông sản của huyện để quảng bá thương hiệu, nhãn hiệu…

Đồng thời hỗ trợ 50% kinh phí in bao bì hộp catton đựng cam, bưởi cho các tổ chức, nhà vườn tham gia liên kết chuỗi du lịch trải nghiệm. Hỗ trợ 50% tổng giá trị mua sản phẩm cho tổ chức, cá nhân đầu tiên đặt mua sản phẩm cam, bưởi, táo, ổi Lục Ngạn qua sàn thương mại điện tử với sản lượng đặt mua trên 5 tấn nhằm thúc đẩy tiêu thụ./.

Văn Kế