Từ ngày 1/11 đến ngày 27/11, tỉnh Điện Biên đã có 389 trường hợp nhiễm Covid-19, tập trung địa bàn huyện Điện Biên và TP Điện Biên Phủ. Nhiều khu cách ly tập trung được thiết lập, một số trường hợp F1 ở TP Điện Biên Phủ thí điểm cách ly tại nhà. Trong điều kiện dịch bệnh bùng phát, nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, trang thiết bị vật tư y tế được các gia đình mua tích trữ, sử dụng.

Cục Quản lý thị trường Điện Biên chỉ đạo các đội quản lý thị trường chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh; tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng dịch bệnh đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu bình ổn thị trường, bảo đảm cung cấp các mặt hàng thiết yếu và thu mua nông sản hàng hóa cho nhân dân, nhằm tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, thúc đẩy sản xuất phát triển. Đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng, kết nối giao thương với các tỉnh, thành phố, trong đó tập trung liên kết cung ứng hàng hóa, góp phần cân đối cung cầu trong khu vực.

Ông Lò Văn Âu, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Điện Biên) cho biết: Đội thành lập các đoàn kiểm tra, phân công, giao nhiệm vụ cho các đoàn tăng cường quản lý theo địa bàn; nắm bắt thông tin, giám sát chặt chẽ diễn biến thị trường và dịch bệnh để kịp thời ứng phó với các tình huống xảy ra tại địa bàn được giao quản lý. Tập trung kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh các trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19; các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân trên địa bàn trong tình hình diễn biến mới của dịch bệnh. Chú trọng phát hiện, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hoặc dấu hiệu vi phạm đầu cơ, găm hàng, không niêm yết giá, bán không đúng giá niêm yết, lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý, sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ...

Đồng thời, Sở Công Thương đã ban hành các văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng phương án cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn đáp ứng với từng cấp độ diễn biến của dịch và các khu vực cách ly trên địa bàn. Chỉ đạo các phòng kinh tế/ kinh tế hạ tầng các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng có thể mất cân đối cung cầu do dịch bệnh. Chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chủ động dự trữ hàng hóa, vật tư, nguyên, nhiên vật liệu nhằm duy trì sản xuất ổn định để cung ứng hàng hóa cho thị trường trên địa bàn tỉnh. Xây dựng phương án tiếp ứng hàng hóa và chủ động tập kết hàng hóa thiết yếu như lương thực ,thực phẩm, thiết bị y tế, dược phẩm, xăng dầu, gas, hàng tiêu dùng… đảm bảo ổn định cung cầu, lưu thông hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân trong thời gian dịch bệnh. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia chương trình xúc tiến thương mại, khuyến công. Hỗ trợ kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm trên môi trường số, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản trên môi trường thường mại điện tử. Đồng thời thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Tại địa bàn TP Điện Biên Phủ, lực lượng quản lý thị trường rà soát, kiểm tra trực tiếp tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng kinh doanh hàng tiêu dùng thiết yếu, vật tư y tế… Qua nắm bắt, diễn biến thị trường TP Điện Biên Phủ không có nhiều biến động; các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch đảm bảo cung ứng ra thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa, tăng giá. 

Để việc kiểm soát thị trường chặt chẽ hơn, lực lượng quản lý thị trường tiếp tục tăng cường phối hợp với các thanh tra chuyên ngành, lực lượng chức năng, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, cung cấp trao đổi thông tin, cảnh báo, nắm tình hình, đối tượng, mặt hàng trọng điểm, phương thức, thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng; khuyến khích phát triển thị trường, hệ thống phân phối hàng hóa và cung ứng hàng hóa cho mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh, phát triển hệ thống bán lẻ các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, kết hợp các loại hình thương mại phù hợp với từng địa bàn, tiếp tục hỗ trợ, kết nối, cung cấp các thông tin về các hoạt động xúc tiến thương mại tại trong và ngoài nước đến các tổ chức, doanh nghiệp, các nhân trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, nông sản của một số doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh với các doanh nghiệp, các tỉnh trong nước, đến này đã có hợp đồng được ký kết.

Sự có mặt, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường cùng các lực lượng phối hợp đã góp phần giữ vững ổn định thị trường trên địa bàn TP Điện Biên Phủ, không để xảy ra điểm nóng, nổi cộm.

Cùng với công tác thanh tra, kiểm tra, Đội đã tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 để người dân hiểu, không hoang mang, không tập trung đông người mua sắm tích trữ hàng hóa. Các đoàn kiểm tra cũng tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh dược phẩm và vật tư y tế ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, mua vét, mua gom, lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý đối với thuốc và trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch.

Bên cạnh các hoạt động tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngành Công Thương tỉnh Điện Biên cũng kịp thời tham mưu cấp trên nhằm giải quyết, tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp; triển khai, hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện kê khai, cập nhật Bản đồ chung sống an toàn với Covid-19 do Bộ Công Thương thực hiện; thường xuyên nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết những kiến nghị, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong bối cảnh các đơn vị chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Nhờ đó, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng và tác động không nhỏ đến các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Nhưng nhìn chung, các hoạt động sản xuất công nghiệp và lưu thông hàng hóa và dịch vụ thương mại trên thị trường vẫn giữ được duy trì ổn định, hàng hóa trên thị trường đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng.

------------------

Tình hình lưu thông hàng hóa và dịch vụ thương mại trên thị trường tỉnh Điện Biên từng bước được phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 16.141,49 tỷ đồng, tăng 14,66% so với năm 2020, đạt 109,06% kế hoạch.

Tổng kim ngạch XNK hàng hóa năm 2021 ước đạt 79 triệu USD, đạt 80,61% kế hoạch, tăng 27,73% so với năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 67 triệu USD, tăng 54,59% so với năm 2020 và tăng 3,08% so với kế hoạch; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 12 triệu USD, giảm 64,83% so với năm 2020 và 36,36% kế hoạch.

Huy Anh