Làng gốm hơn 800 tuổi

Con đường quanh co, uốn lượn, hai bên lề đường chất từng hàng củi khô được xếp ngay ngắn, cao quá đầu người đưa chúng tôi về làng gốm Phù Lãng. Đặt chân đến đầu làng, đâu đâu cũng bắt gặp sản phẩm gốm. Dọc theo bờ sông, những lò gốm hàng trăm năm tuổi đang đỏ lửa để phục vụ người dân khắp mọi miền Tổ quốc mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Gốm Phù Lãng là một trong những dòng gốm cổ, đặc trưng ở miền Bắc, chủ yếu được biết đến với những sản phẩm gia dụng, phục vụ sinh hoạt hàng ngày của người dân. Theo các cụ cao niên trong làng, đến nay, làng gốm Phù Lãng đã tồn tại và phát triển hơn 800 năm.

Năm 2016, người dân làng nghề vui mừng vì gốm Phù Lãng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Theo lời giới thiệu của các cụ cao niên, chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất Gốm Ngọc. Bước chân vào xưởng những chậu cảnh, bình gốm, chum vại, tranh gốm với đủ hình dáng, kích cỡ, cái còn ướt nguyên màu đất, cái đang phơi, cái đã qua lò nung chuẩn bị xuất bán… Nắng vàng hanh hao của mùa đông xứ Bắc trộn lẫn với sắc “vàng óng da lươn” - đặc trưng của gốm Phù Lãng khiến mỗi sản phẩm nơi đây mang một nét đẹp mộc mạc, bình dị riêng có.

leftcenterrightdel
Cơ sở Gốm Ngọc cho “ra lò” hàng nghìn sản phẩm với hàng chục chủng loại như: Đèn, bình hoa, phù điêu, chum, vại, tranh gốm…  Ảnh: HH

Với đôi bàn tay khéo léo, anh Nguyễn Minh Ngọc - Chủ xưởng Gốm Ngọc vừa điêu luyện tạo hình đắp nổi bức tranh quê hương vừa niềm nở: Gia đình tôi đã có hơn 50 năm làm gốm, được truyền từ đời ông, cha. Trước kia, các sản phẩm từ gốm rất thô sơ, không đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của khách hàng. Từ năm 2002, tôi mạnh dạn thay đổi hướng sản xuất làm đồ trang trí nội ngoại thất, tranh ốp tiểu cảnh sân vườn. Hiện nay, cơ sở Gốm Ngọc đã cho “ra lò” hàng nghìn sản phẩm với hàng chục chủng loại như: Thác nước phong thủy, đèn, bình hoa, phù điêu, chum, vại, tranh gốm…

Chị Ngọc - "bà chủ” Cơ sở Gốm Ngọc tiết lộ, so với các dòng gốm truyền thống khác, gốm Phù Lãng có sắc thái riêng biệt, mộc mạc, rất dễ nhận biết, đó là lớp men màu nâu, nâu đen, vàng nhạt, vàng thẫm, đỏ sậm. Nếu như gốm Bát Tràng sử dụng đất sét trắng làm nguyên liệu kết hợp cùng men rạn, men ngọc, thì gốm Phù Lãng sử dụng đất sét đỏ, kết hợp màu men da lươn mộc mạc, dân dã. Điều khác biệt cũng là đặc trưng nổi bật của gốm Phù Lãng là kỹ thuật đắp nổi và điêu khắc, sử dụng màu men tự nhiên...

Chất liệu làm men tráng của gốm Phù Lãng được lấy hoàn toàn trong tự nhiên, từ tro cây rừng, vôi sống, vôi ống nghiền nát, bùn phù sa trắng. Bốn nguyên liệu này sau khi sơ chế thì trộn đều với nhau theo tỷ lệ, rồi pha thành dạng chất lỏng sền sệt. Khi sản phẩm đã se mặt, người thợ dùng chổi lông quét men lên bên ngoài một lớp mỏng hỗn hợp, sau đó đem phơi khô mới đưa vào lò nung nên màu men gốm Phù Lãng tự nhiên, bền và lạ, được khách hàng trong và ngoài nước yêu thích.

Sự khác biệt làm nên thương hiệu gốm Phù Lãng được chị Ngọc chia sẻ, đó chính là nét truyền thống, tất cả các công đoạn đều được làm bằng tay, từ khâu làm đất, tạo dáng sản phẩm, chuốt, vẽ lên sản phẩm trang trí.

Ngoài ra, du khách yêu thích gốm Phù Lãng còn bởi sự hài hòa được tạo nên từ chất đất của sành Phù Lãng khác biệt hẳn sứ Bát Trang hay sứ Chu Đậu. Khi cầm sản phẩm trên tay, du khách cảm nhận được sự “thô” nhưng “mộc” lại có chút mịn màng trong chất đất. Đặc biệt, khi dùng sản phẩm, theo thời gian, người dùng đều cảm nhận được sự đa dạng trong chuyển hóa màu sắc của dòng men…

Hiện nay, công thức làm đồ gốm trước đây vẫn được kế thừa, nhưng gia đình chị Ngọc cải tiến đưa thêm những họa tiết trang trí đẹp mắt và chuyển đổi cơ chế nung gốm từ nung bằng củi sang nung bằng ga. Mỗi sản phẩm “ra lò” đều có màu sắc đẹp tự nhiên, đều màu và gốm “chín đều”, khắc phục được những màu lem nhem bám vào sản phẩm như khi nung bằng củi.

Theo chị Ngọc, sản phẩm Gốm Ngọc làm ra không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn “xuất ngoại” sang Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu. Vào mỗi dịp cuối năm, các mặt hàng của gia đình được du khách đặt mua nhiều hơn. Bên cạnh lọ hoa đắt khách, mấy năm gần đây, khách hàng có xu hướng chơi cây cảnh trồng trên chậu gốm. Nắm bắt được tâm lý khách hàng thường chọn các sản phẩm trang trí theo năm con giáp, nên 2023 - năm Quý Mão, gia đình chị Ngọc đưa hình ảnh con mèo với nhiều dáng ngộ nghĩnh trên các sản phẩm chậu cây, bình hoa…

Mong ước gốm Phù Lãng “bay” xa

Dời cơ sở Gốm Ngọc, chúng tôi đến xưởng sản xuất của gia đình nghệ nhân Nguyễn Đức Thịnh. Mặc dù không phải là người gốc làng Phù Lãng, nhưng vì “chót yêu” nét mộc mạc, bình dị của gốm Phù Lãng, nên suốt hơn 20 năm qua, anh Thịnh đã gắn bó với làng quê yên bình này.

leftcenterrightdel
 Những người thợ làng gốm Phù Lãng tỉ mỉ trong từng công đoạn tạo ra sản phẩm... Ảnh: HH

Với mong muốn đưa sản phẩm gốm Phù Lãng đến với đông đảo người dân trong và ngoài nước, anh Thịnh đã tìm tòi, sáng tạo những hướng đi mới để tiếp tục phát triển làng nghề. Trên nền chất liệu gốm, anh Thịnh sáng tác những bức tranh về cảnh sắc làng quê, văn hóa dân gian Việt Nam, gần gũi với thiên nhiên, ca ngợi lao động sản xuất, vẻ đẹp quê hương, đất nước như: Tranh cây đa, giếng nước, sân đình, đồng quê, ngày mùa, tranh sen, vinh quy bái tổ, chợ quê, lễ hội, quan họ Kinh Bắc…

Anh Thịnh chia sẻ, điều đặc biệt ở các sản phẩm gốm Phù Lãng là tất cả những công đoạn của quá trình tạo sản phẩm, từ khâu nhào đất đến khi đưa vào lò nung, cho ra thành phẩm đều được làm thủ công từ bàn tay tài hoa của người thợ. Có lẽ vì đó mà gốm Phù Lãng được du khách trong và ngoài nước yêu thích. Không ít khách hàng từ các tỉnh, thành như: Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Dương, Phú Thọ… tìm đến Phù Lãng đặt hàng mà nhiều khách hàng nước ngoài ưa thích gốm Phù Lãng đã tìm về tận nơi để tìm hiểu và đặt mua sản phẩm.

Cơ sở gốm của gia đình nghệ nhân Thịnh đã “xuất ngoại” sang thị trường các nước Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Để “giữ lửa” cho gốm Phù Lãng, cơ sở gốm Đức Thịnh đã mượn khu đất rộng 6.000m2 ngay trong làng xây dựng khu Trung tâm Bảo tồn văn hoá Việt - Làng nghề truyền thống gốm Phù Lãng. Đây là nơi dành cho các em học sinh, sinh viên và người dân trên mọi miền đất nước khi về với Phù Lãng muốn được trải nghiệm các hoạt động gắn liền với văn hoá làng nghề như nặn đất, làm tranh, nặn tò he…

Xã Phù Lãng hiện có khoảng 250 hộ làm nghề tại 2 thôn Phù Lãng và Thủ Công, tạo việc làm cho khoảng 500-600 lao động. Nhờ sự đổi mới trong cách làm, những sản phẩm gốm của Phù Lãng đã được đông đảo khách hàng gần xa biết tới. Không chỉ đưa sản phẩm tới mọi miền đất nước, người làm gốm Phù Lãng còn mong muốn đưa được nét văn hóa dân tộc thông qua các sản phẩm gốm của làng ra với bạn bè thế giới.

leftcenterrightdel
Trung tâm Bảo tồn văn hoá Việt - Làng nghề truyền thống gốm Phù Lãng - nơi dành cho các em học sinh, sinh viên và người dân trên mọi miền đất nước khi về với Phù Lãng muốn được trải nghiệm các hoạt động gắn liền với văn hoá làng nghề… Ảnh: HH 

Hiện thực hóa ước vọng này, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài "Phát triển nghề làm gốm tại xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh". Cung cấp viện trợ cho dự án là Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), UBND huyện Quế Võ là chủ dự án.

Dự án nhằm hỗ trợ, phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật làm gốm bằng phương pháp Nhật Bản để tạo ra các sản phẩm gốm tiêu chuẩn, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp. Đồng thời, quảng bá các sản phẩm gốm Phù Lãng ra thế giới và xây dựng kế hoạch phát triển nghề làm gốm Phù Lãng trong tương lai… Đây là năm thứ 2 dự án được triển khai thực hiện với tổng số vốn hơn 16,7 tỷ đồng. Dự án được xem là động lực, giúp làng gốm cổ Phù Lãng có thêm cơ hội “bay” xa…

Với hơn 800 năm tuổi, trải qua bao thăng trầm, gốm Phù Lãng vẫn vươn mình phát triển và giữ nguyên nét bình dị, mộc mạc vốn có của nó. Bằng tình yêu, sự đam mê của những người con đất gốm, cùng chính sách của Nhà nước, tin rằng gốm Phù Lãng tiếp tục có bước chuyển mình để đưa sản phẩm truyền thống quê hương đến với khách hàng trong và ngoài nước.

Hải Hà