Kinh tế quý I bứt phá

Phát biểu tại buổi họp báo, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, kinh tế Việt Nam trong quý I khởi sắc, tăng 5,66%, cao hơn tốc độ tăng của quý I trong suốt 4 năm gần đây (giai đoạn 2020-2023). Trước đó, nhiều tổ chức quốc tế cũng đã dự báo tăng trưởng kinh tế quý I của Việt Nam có thể đạt 5,5-6,1%.

Điều này diễn ra bất chấp kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, thách thức. Xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine diễn biến phức tạp và kéo dài, xung đột tại dải Gaza leo thang, các cuộc tấn công hoạt động vận tải tại Biển Đỏ đã ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng hàng hóa, dầu thô, lương thực toàn cầu. Đồng thời, gia tăng rủi ro đối với an toàn hàng hải, ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng của các quốc gia trên thế giới.

Cùng với đó, hạn hán, bão lũ, biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng; nguy cơ về an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng gia tăng...

Lực đỡ cho nền kinh tế hiện nằm ở khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 6,28% (quý I/2023 giảm 0,45%). Nhờ các chính sách thúc đẩy đầu tư công, khu vực này đem lại giá trị, đóng góp gần 41,7% vào tăng trưởng chung cả nước.

Các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, thương mại giúp lĩnh vực dịch vụ tăng 6,12% trong quý đầu năm, và góp hơn 52,23% vào GDP. Trong khi đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản phục hồi chậm hơn, tăng 2,98%.

Về cơ cấu nền kinh tế quý I/2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,77%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,73%; khu vực dịch vụ chiếm 43,48%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,02%.

Về sử dụng GDP quý I/2024, tiêu dùng cuối cùng tăng 4,93% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 56,77% vào tốc độ tăng chung; tích lũy tài sản tăng 4,69%, đóng góp 24,07%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 18%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 17,08%, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 19,16%.

Tiêu dùng nội địa phục hồi

Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 3 tháng đầu năm tăng 3,77% so với cùng kỳ 2023.

Quý I cũng chứng kiến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nhộn nhịp, đạt hơn 178 tỷ USD. Mức này tăng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu thêm 17%, nhập khẩu gần 14%. Cán cân thương mại vẫn nghiêng về thặng dư, khi Việt Nam xuất siêu 8,08 tỷ USD.

Tiêu dùng nội địa xu hướng phục hồi, khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 3 ước đạt 509.300 tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước đó. Mức này cũng cao hơn 9,2% so với cùng kỳ 2023. Tính chung quý I, tiêu dùng trong nước tăng 8,2% cùng kỳ (loại trừ yếu tố giá là 5,1%), đạt gần 1,54 triệu tỷ đồng.

Hơn nữa, chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 54 địa phương và giảm ở 9 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.

Một số địa phương nổi bật có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý 1/2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Quảng Ninh tăng 39,9%; Phú Thọ tăng 27,7%; Bắc Giang tăng 24%; Thanh Hóa tăng 18,6%; Hà Nam tăng 17,9%; Ninh Thuận tăng 17,4%; Tây Ninh tăng 14,4%; Hải Dương tăng 12,8%.

Các địa phương có chỉ số sản xuất của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao: Khánh Hòa tăng 476,5%; Trà Vinh tăng 164%; Thanh Hóa tăng 41,3%; Hải Dương tăng 17,3%; Bắc Giang tăng 15,7%; Ninh Thuận tăng 13,5%.

Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm: Quảng Nam tăng 0,5%. Quảng Ngãi tăng 0,2%; Cà Mau giảm 9,5%; Bắc Ninh giảm 8,8%.

Các địa phương có chỉ số sản xuất của ngành sản xuất và phân phối điện quý I/2024 giảm so với cùng kỳ năm trước: Sơn La giảm 50,6%; Hòa Bình và Quảng Nam cùng giảm 28,7%; Quảng Ngãi giảm 25,1%; Lai Châu giảm 23,9%; Cao Bằng giảm 14,5%.

Địa phương có chỉ số sản xuất của ngành khai khoáng quý I/2024 so với cùng kỳ năm trước giảm: Hà Giang giảm 79,4%; Quảng Nam giảm 21,2%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 10,6%.

Nguyễn Điểm