Trong đó, xử lý 5 vụ vi phạm về hàng cấm; 52 vụ vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu; 52 vụ vi phạm về hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ; 35 vụ vi phạm trong lĩnh vực giá; 4 vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm…

Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, lực lượng quản lý thị trường cũng tăng cường tuyên truyền, vận động ký cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ… với gần 2.157 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Từ nay đến cuối năm, Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan nắm bắt, đánh giá thị trường, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là trên các kênh thương mại điện tử để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh trái pháp luật, sản xuất, buôn bán hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng... Qua đó, góp phần đảm bảo cân đối cung cầu, ổn định thị trường.

Điển hình, ngày 5/10/2022, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh Nguyễn Xuân Thuyết về kinh doanh hàng hoá nhập lậu là mỹ phẩm do Hàn Quốc sản xuất, phạt hành chính 90 triệu đồng, tịch thu 30.350 sản phẩm mỹ phẩm Hàn Quốc trị giá hơn 3,9 tỷ đồng.

Qua kiểm tra đột xuất, lực lượng chức năng đã phát hiện kho hàng của ông Nguyễn Xuân Thuyết (khu Tam Lư, phường Đồng Nguyên, TP Từ Sơn) đang kinh doanh 41.500 sản phẩm là mỹ phẩm ghi trên bao bì, sản phẩm sản xuất tại Hàn Quốc, có trị giá ước tính 5 tỷ đồng.

Quá trình xác minh đã làm rõ hành vi vi phạm (chủ hàng đã xuất trình được một phần hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa), Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh đã trình Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh này.

Hải Hà