Từ ngày 1/4 đến 8/4/2019, Viettel có lượng thuê bao đăng ký chuyển đến nhiều nhất trong số cả 4 nhà mạng (22.046), gấp 1,2 lần Vinaphone, gấp 2,2 lần Mobifone và gấp 282 lần Vietnammobile.

Tuy nhiên, tỷ lệ khách hàng có mong muốn chuyển đến mạng Viettel nhưng không được các nhà mạng khác đáp ứng lại ở mức cao nhất. Theo số liệu, chỉ có 34% các khách hàng đăng ký chuyển sang mạng Viettel được các nhà mạng khác chấp nhận.

Các nhà mạng khác đều có tỷ lệ phê duyệt thuê bao chuyển đi thấp, cụ thể: VinaPhone chỉ đạt 40,6% (từ chối 3.155 thuê bao), MobiFone 33,6% (từ chối 2.459 thuê bao) cuối cùng là Vietnamobile với 25,1% (từ chối 1.757 thuê bao).

Các con số nêu trên rất logic với chỉ số khiếu nại mà Cục Viễn thông lần đầu tiên công bố tuần qua liên quan đến chuyển mạng giữ số. Trong đó Vietnamobile bị khách hàng khiếu nại nhiều nhất (1.753 khiếu nại), tiếp đến là VinaPhone (675 khiếu nại), Mobifone (418 khiếu nại), Viettel có 25 khiếu nại và đã xử lý xong 100% khiếu nại, trong khi các nhà mạng khác vẫn chưa hoàn thành việc xử lý cho khách hàng.

Diễn biến mới nhất của cuộc đua chuyển mạng giữ số cho thấy nhà mạng lớn nhất Việt Nam (Viettel) đã thành công trong việc hấp dẫn các thuê bao mạng khác chuyển sang. Cộng đồng khách hàng lớn với 70 triệu thuê bao (giúp người dùng tiết kiệm chi phí khi gọi nội mạng) và hạ tầng mạng lưới lớn nhất Việt Nam được cho là nguyên nhân giúp nhà mạng này được thuê bao lựa chọn để chuyển đến.

Về cục diện cuộc đua chuyển mạng giữ số, giới chuyên gia cho rằng, chủ trương tạo mọi điều kiện cho thuê bao chuyển mạng giữ số kể cả khách hàng chuyển đi đã khiến nhà mạng này bị thiệt hại ban đầu khi so sánh con số chuyển đi và chuyển đến. Tuy nhiên, quan điểm này sẽ giúp Viettel “ghi điểm” về tính chuyên nghiệp và sự tôn trọng khách hàng.

Cuộc đua chuyển mạng giữ số sẽ còn tiếp tục và nhà mạng nào muốn giành phần ưu thế và bền vững buộc phải coi chất lượng dịch vụ là hàng đầu, chiều chuộng và tôn trọng khách hàng nhiều hơn nữa./.