Kiểm điểm trách nhiệm 3 huyện không đấu thầu qua mạng

Tuy nhiên, việc đấu thầu qua mạng cũng đang bộc lộ nhiều điểm “bất hợp lý” cần phải có sự tham gia giám sát, công khai, minh bạch của các ban, ngành chức năng trong công tác đấu thầu, chấm thầu, để loại bỏ “lợi ích nhóm”, “sân sau, sân trước”. Có như thế nguồn ngân sách Nhà nước mới thực sự được tiết kiệm, sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả thiết thực.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Thanh tra về hoạt động đấu thầu vốn Nhà nước trong những năm vừa qua trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa qua còn bộc lộ những bất cập như: Thời gian đấu thầu kéo dài, hiệu quả đấu thầu chưa đạt như kỳ vọng, các đơn vị có thẩm quyền là chủ đầu tư, bên mời thầu, tư vấn đấu thầu chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định. Quá trình thực hiện còn để xảy ra nhiều sai sót, vi phạm, việc công khai minh bạch trong thông tin chưa được đảm bảo theo quy định. Các hành vi vi phạm chưa được xử lý nghiêm túc, triệt để, tình trạng biến tướng với những biểu hiện phức tạp và tinh vi như dàn xếp, “quân xanh, quân đỏ”, chia nhỏ gói thầu để chỉ định thầu, đặc biệt là có sự hạn chế sự tham gia của các nhà thầu bằng cách bỏ tiền mua lại hồ sơ mời thầu vẫn diễn ra, khiến tình hình diễn biến phức tạp.

Thực hiện Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tại Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 6/4/2018 về chấn chỉnh công tác đấu thấu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn của Nhà nước; Quyết định số 2743/QĐ-UBND ngày 19/7/2018 và Quyết định số 4583/QĐ-UBND ngày 19/11/2018 của UBND tỉnh Thanh Hóa về kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng năm 2018 và giai đoạn 2019-2025; hầu hết các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư, bên mời thầu trên địa bàn tỉnh đã chấp hành nghiêm việc thực hiện đấu thầu qua mạng. Năm 2018, tỷ lệ giảm giá sau đấu thầu thầu đạt 3,65%, cao hơn so với năm 2017 (1,91%).

Tuy nhiên, tỷ lệ áp dụng đấu thầu qua mạng trên địa bàn tỉnh chưa đảm bảo tỷ lệ theo yêu cầu tại các quyết định nói trên. Còn một số địa phương chưa thực hiện đấu thầu qua mạng theo quy định như huyện Yên Định, Quan Hóa, Lang Chánh. Qua báo cáo của Sở Kế hoạch Đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị huyện Yên Định, Quan Hóa, Lang Chánh phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể vì đã không chấp hành chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh trong việc thực hiện đấu thầu qua mạng năm 2018. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, báo cáo kết quả với Chủ tịch UBND tỉnh.

Giám sát chặt sẽ loại bỏ được “sân trước, sân sau”

Trên địa bàn huyện Thường Xuân từ đầu năm đến nay đã triển khai việc đấu thầu qua mạng đối với nhiều dự án, trong đó mới đây ngày 15/8/2019, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thường Xuân đã thông báo và tổ chức đấu thầu qua mạng đối với dự án “Sửa chữa đường tràn thôn Mỏ, xã Yên Nhân” được phê duyệt tại Văn bản số 1552/QĐ-UBND ngày 15/7/2019.

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, ông Hoàng Sỹ Hùng, Trưởng Quản lý dự án các công trình xây dựng huyện Thường Xuân xác nhận: Không chỉ có gói thầu nói trên được đấu thầu qua mạng, mà nhiều gói thầu khác cũng đã được thực hiện đấu thầu qua mạng đã thành công. Việc đấu thầu theo kiểu này giảm được áp lực cho chủ đầu tư, bởi vì người mua hồ sơ chủ đầu tư không biết, chỉ khi nào mở thầu thì mới biết được bao nhiêu nhà đầu tư tham gia đấu thầu. 

Giá cả sau phiên mở thầu ai cũng có thể biết nên giảm được tình trạng “sân trước, sân sau”, “vây thầu”, “thông thầu”, “cản trở” việc mua, nộp hồ sơ như trước đây. Việc đấu thầu qua mạng cũng sẽ được chấm như đấu thầu giấy, tuy nhiên khi nhà thầu nào đó cảm thấy việc mình bị loại là không minh bạch thì có quyền khiếu nại đến các cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý như bình thường. Hiện chúng tôi đang chấm thầu gói “sửa chữa đường tràn thôn Mỏ, xã Yên Nhân” và sẽ công bố trong thời gian sớm nhất.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu, để phát huy tác dụng của việc đấu thầu qua mạng, đồng thời giám sát chặt chẽ việc chấm thầu minh bạch thì các cơ quan có thẩm quyền cần phải thường xuyên tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra thường xuyên, chuyên sâu về công tác đấu thầu, chấm thầu. Các cuộc kiểm tra phải đảm bảo yêu cầu, chất lượng, giúp phát hiện sớm và đầy đủ các vi phạm để đề xuất biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát thực hiện các kết luận, kiểm tra, đặc biệt là xử lý các vi phạm. Thường xuyên, nắm bắt các thông tin phản ánh, kiến nghị về các hành vi tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu để kịp thời xác minh, xử lý nghiêm túc thì việc đấu thầu qua mạng mới đi vào nề nếp, có hiệu quả, tiết kiệm được nguồn ngân sách cho Nhà nước, mang lại hiệu quả thiết thực.

Văn Thanh