Nguyễn Điểm
Thứ ba, 20/02/2024 - 17:12
(Thanh tra) - Tăng tốc mạnh mẽ trong những tuần cuối năm 2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế “quay đầu”, thu hẹp 0,6% trong tháng 1/2024 do quy luật của thị trường và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp yếu.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024. Ảnh: NĐ
Ngày 20/2/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024. Hội nghị do Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng và Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú đồng chủ trì.
Tín dụng tăng trưởng âm tháng đầu năm
Theo số liệu về tín dụng nền kinh tế được bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN công bố tại Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024, đến cuối tháng 1, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng giảm 0,6% so với cuối năm 2023. Diễn biến này có phần ngược chiều với con số tăng trưởng tín dụng tăng mạnh trong tháng 12 năm trước.
Đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Tín dụng đã bật tăng mạnh trong những tuần cuối năm 2023. Tính riêng trong tháng 12, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 4,56 điểm % (tương đương hơn 540.000 tỷ đồng), chiếm 1/3 tổng mức tăng thêm của cả năm 2023.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, tín dụng giảm trong tháng 1 là tình trạng chung những năm gần đây, là tính chất quy luật của thị trường. “Giai đoạn đầu năm tín dụng thường không tăng, doanh nghiệp hạn chế vay nợ đầu năm mới”, ông Tú nói. Khó khăn chung của nền kinh tế, khả năng hấp thụ vốn, nhất là vay tiêu dùng đang gặp khó cũng là nguyên nhân được lãnh đạo NHNN nhắc tới.
Trong khi đó, ngay từ đầu năm, NHNN giao toàn bộ hạn mức tín dụng cho các nhà băng với định hướng tăng trưởng cả hệ thống năm 2024 là 15%. Đây là điểm khác biệt trong cách điều hành tín dụng của NHNN so với mọi năm, vốn thường chia nhiều đợt và yêu cầu các nhà băng gửi đề nghị.
Về lãi suất cho vay, đầu năm 2024, nhà điều hành tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế. Đây là điều kiện để các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm lãi suất huy động, giúp kéo lãi suất cho vay hạ thêm trong nửa cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
“Tính đến ngày 31/1, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại giảm lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/năm so với cuối năm 2023”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin.
Yêu cầu ngân hàng đẩy nhanh cho vay
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, ngay từ đầu năm 2024, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các TCTD trong cung ứng tín dụng, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng.
Trong đó, NHNN đã rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung Thông tư 06/2023/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định về việc TCTD mua, bán trái phiếu doanh nghiệp; đánh giá để xem xét sửa đổi Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo hướng kéo dài thời gian thực hiện chính sách; rà soát để sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý, kiện toàn và nâng cao hoạt động của các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, tổ chức tài chính vi mô...
Trong tháng 2 này, NHNN tiếp tục có công văn chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh triển khai, thực hiện các giải pháp nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó, quyết liệt triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu ngay từ đầu năm, tăng cường rà soát, đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp tín dụng, tối ưu hóa áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng…
Về định hướng, giải pháp điều hành hoạt động tín dụng năm 2024, NHNN cho biết kinh tế thế giới tiếp tục dự báo còn nhiều khó khăn dưới tác động của điều kiện tài chính thắt chặt, xung đột địa chính trị, rủi ro tài chính gia tăng, lạm phát toàn cầu, rủi ro các cuộc khủng hoảng năng lượng, lương thực, thực phẩm…
Trong nước, tăng trưởng kinh tế tiếp tục đối mặt với các thách thức khi cầu thế giới dự kiến vẫn tăng thấp, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo thấp hơn 2023, tác động đến hoạt động thương mại, đầu tư và các ngành sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo…
Trong bối cảnh đó, NHNN tiếp tục xác định điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu. Trong đó, khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Nhà điều hành sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng, trong đó có chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ; chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
Uyên Uyên
19:18 11/10/2024Phúc Anh
17:04 10/10/2024Minh Anh
13:27 10/10/2024Mai Lê
19:49 09/10/2024PV
18:59 09/10/2024TKBT
09:43 09/10/2024Chu Tuấn
Thái Hải
Hương Trà
Chu Tuấn
Nhật Huyền
Thanh Thanh
Cảnh Nhật
Văn Thanh
Văn Thanh
Trần Kiên - Trường Giang
Phương Anh
Thu Huyền