Sáng ngày 11/5, họp phiên thứ 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch năm 2022. 

Xử nghiêm các vi phạm trên thị trường chứng khoán

Theo báo cáo của Chính phủ, tình hình kinh tế xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực.

GDP Quý I ước tăng 5,03% so với cùng kỳ năm 2021. Lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. CPI tháng 4 tăng 2,64% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất cùng kỳ các năm 2017-2022. Tính chung 4 tháng, CPI tăng 2,1%, tương đối thấp so với cùng kỳ các năm 2018-2020.

Thu ngân sách 4 tháng đầu năm đạt 657,4 nghìn tỷ đồng, bằng 46,6% dự toán, tăng 15,4% so với cùng kỳ, đáp ứng nhu cầu chi phòng chống dịch, an sinh xã hội, chăm lo đối tượng chính sách.

Xuất khẩu, nhập khẩu phục hồi mạnh mẽ, đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Nền kinh tế xuất siêu 2,53 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm (cùng kỳ năm 2021 xuất siêu 1,5 tỷ USD).

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 4 lần đầu vượt mốc 15 nghìn doanh nghiệp, 4 tháng đầu năm đạt kỷ lục hơn 80,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2021.

“Đây là dấu hiệu tăng trưởng tích cực cho năm 2022, phản ánh kỳ vọng, niềm tin mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp vào tiến trình mở cửa, phục hồi của nền kinh tế sau hơn 02 năm chịu tác động của dịch bệnh”, Chính phủ đánh giá.

Báo cáo của Chính phủ cũng khẳng định, nguồn cung và dự trữ xăng dầu trong nước được bảo đảm trong điều kiện nguồn cung và giá xăng dầu thế giới nhiều biến động.

Thị trường điện phục vụ sản suất, sinh hoạt “ổn định”. Thị trường tài chính - tiền tệ “cơ bản ổn định”; đến ngày 25/4/2022, tín dụng tăng 6,75% so với cuối năm 2021; giữ ổn định tỷ giá, duy trì mặt bằng lãi suất cho vay hợp lý. Các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm trên thị trường chứng khoán.

Nhiều rủi ro, khả năng không đạt được mục tiêu lạm phát dưới 4%

Dù vậy, theo Chính phủ, ổn định kinh tế vĩ mô, “các cân đối lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro”. Giá dầu tăng cao sẽ tác động tiêu cực đến nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2022 và 2023.

Áp lực tăng tỷ giá trong thời gian tới do lạm phát tại Mỹ tiếp tục tăng cao, FED tiếp tục có nhiều đợt tăng lãi suất, cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine kéo dài, giá nhập khẩu đầu vào tăng mạnh.

Ngoài ra, là nguy cơ nợ xấu; thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp có những phiên điều chỉnh mạnh trong tháng 4, một số vụ việc thao túng giá cổ phiếu tác động tiêu cực đến thị trường, tâm lý nhà đầu tư; tiềm ẩn rủi ro đối với tăng trưởng và thị trường tài chính nếu không có giải pháp kịp thời, quyết liệt.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ một số vấn đề.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, chỉ số CPI tháng 4 tăng 2,09% so với cuối năm 2021, gần gấp 2 lần cùng kỳ các năm 2018-2021.

“Nhiều ý kiến cho rằng mục tiêu lạm phát dưới 4% khó có khả năng đạt được, đề nghị chỉ rõ nguyên nhân, các yếu tố chính làm tăng lạm phát để kiểm soát hiệu quả”, ông Thanh cho hay.

Cạnh đó, là những rủi ro tiềm ẩn khi thị trưởng chứng khoán, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh.

Trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh đã xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi. Việc thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa bảo đảm.

Làm rõ rủi ro các doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đến hạn

Báo cáo cho thấy, năm 2021, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt 720 nghìn tỷ đồng, tăng 52,5% so với năm 2020. Quý I/2022, tổng giá trị phát hành đạt 56,4 nghìn tỷ đồng, trong đó phát hành riêng lẻ đạt 49,4 nghìn tỷ đồng chiếm tỷ trọng 87,6% tổng giá trị phát hành; phát hành ra công chúng đạt 7 nghìn tỷ đồng chiếm tỷ trọng 12,4%.

Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, ngành bất động sản và tài chính - ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, lần lượt là 41,6% và 20,4% giá trị phát hành.

Cơ quan thẩm tra lưu ý, cơ cấu thị trường trái phiếu trái phiếu doanh nghiệp còn tồn tại sự mất cân đối. Hầu hết các trái phiếu doanh nghiệp, nhất là của ngành bất động sản phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết, sức khỏe doanh nghiệp còn yếu trong khi nhiều trái phiếu không có tài sản bảo đảm.

“Đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể những rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian vừa qua, trong đó cần làm rõ rủi ro các doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đến hạn và có các giải pháp phù hợp để giải quyết”, ông Vũ Hồng Thanh nói.

Cũng theo báo cáo của cơ quan thẩm tra, có ý kiến lo ngại việc xử lý các doanh nghiệp lớn vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là tâm lý e ngại đầu tư trên thị trường vốn, dẫn đến hạn chế huy động vốn cho nền kinh tế trong khi đây là một thị trường quan trọng.

Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đánh giá, có phương án ứng xử, tiếp cận phù hợp, kịp thời sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật nhằm ổn định thị trường, tạo niềm tin cho nhà đầu tư liên quan thị trường chứng khoán và trái phiếu, nhất là trái phiếu riêng lẻ.

Ngoài ra, theo Ủy ban Kinh tế, việc sử dụng đất tại một số nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp.

Cơ quan này đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn tình trạng đẩy giá đất trong đấu giá đất đai để trục lợi; hiện tượng cò đất, thổi giá đất tạo nên những cơn sốt ảo, làm bất ổn thị trường đất đai; việc giao đất không qua đấu giá làm thất thoát cho ngân sách  nhà nước; hiệu quả sử dụng đất của các dự án dở dang có nhiều hạn chế, các lô đất đã trúng thầu hoặc trúng đấu giá nhưng lại sang nhượng qua tay để thu lợi, đầu tư dở dang hoặc bỏ đất trống, gây lãng phí, không phát huy được nguồn lực quan trọng này.

Hương Giang