Nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”

Theo đánh giá của Chính phủ, đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, bão lũ, dịch bệnh nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, nhân dân cả nước và cộng đông doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội nước ta có chuyển biến tích cực. Chúng ta tiếp tục kiểm soát tốt đại dịch COVID-19, không để lây lan trong cộng đồng; tạo điều kiện cho nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi và được các tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục xu hướng giảm dần, bình quân 10 tháng tăng 3,71% so với cùng kỳ năm 2019. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định…

Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, trong những diễn biến phức tạp của đại dịch, Chính phủ đã thực hiện các giải pháp ngăn chặn, đảm bảo cho mục tiêu kép là vừa chiến đấu với dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe con người và mạng sống, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế.

Đến nay, nước ta tiếp tục kiểm soát tốt đại dịch COVID-19, không để lây lan trong cộng đồng; tạo điều kiện cho nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi và được thế giới đánh giá cao.

Góp phần tạo đà phục hồi và phát triển kinh tế, NHNN đã thực hiện các chính sách tiền tệ một cách đồng bộ hóa để hỗ trợ kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn này, bao gồm 3 lần giảm lãi suất để hỗ trợ tổ chức tín dụng (TCTD) giảm lãi suất cho vay. Hướng dẫn các TCTD cơ cấu khoản nợ gốc và lãi doanh nghiệp (DN), miễn và giảm lãi suất, phạt, phí cho những đối tượng bị ảnh hưởng; duy trì tín dụng để hỗ trợ sản xuất và DN.

Thực hiện Quyết định số 32/2020 Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tính đến ngày 17/11/2020, đã có 16 chi nhánh NHCSXH tỉnh, thành phố đầu tiên được phân bổ vốn để tổ chức ký hợp đồng tín dụng và giải ngân cho vay trả lương ngừng việc cho 40 khách hàng (người sử dụng lao động) có 1.195 lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, với số tiền hơn 6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố khác trong hệ thống vẫn đang tiếp tục phối hợp cùng khách hàng hoàn thiện hồ sơ và lên kế hoạch giải ngân.

Với sự nỗ lực của Chính phủ trong điều hành các chính sách kích cầu nội địa, chính sách tài khóa kết hợp chính sách tiền tệ, kinh tế quý III/2020 đã bắt đầu hồi phục, tạo đà thuận lợi cho sự phục hồi của tăng trưởng kinh tế năm 2020. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, NHNN ước tính tăng trưởng GDP cả năm 2020 của Việt Nam từ 2,5%-3%.

leftcenterrightdel
Chính sách tiền tệ đồng bộ, linh hoạt đã hỗ trợ nhiều DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phục hồi sản xuất (minh họa) 

Trên cơ sở dự kiến các kịch bản những tháng cuối năm 2020 và năm 2021, NHNN cho biết sẽ tiếp tục triển khai nhiệm vụ, giải pháp nhằm khôi phục và phát triển nền kinh tế trong thời gian tới.

Cụ thể, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế, hỗ trợ DN gặp khó khăn do tác động của dịch; triển khai các giải pháp tín dụng hỗ trợ DN và người dân. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Các TCTD phải tiếp tục thực hiện Thông tư 01 của NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Các Ngân hàng thương mại phải tiếp tục cải tiến, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt phiền hà cho khách hàng vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay. Nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho DN, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Tính đến ngày 17/11/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 8.790.536 tỷ đồng, tăng 7,26% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 là 10,28%); NHNN kỳ vọng tín dụng những tháng cuối năm sẽ tiếp tục có mức tăng khá. Dự kiến, tăng trưởng tín dụng cả năm có khả năng đạt 8%-10%, góp phần cung ứng vốn cho nền kinh tế, khôi phục sản xuất - kinh doanh.

Tháo gỡ, hỗ trợ miền Trung bị ảnh hưởng bão, lũ

Trước tình hình bão chồng bão, lũ chồng lũ, tang thương, mất mát cả người và tài sản ở miền Trung, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, NHNN đã cứu trợ khẩn cấp bằng tiền mặt và ngay lập tức chỉ đạo các TCTD, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đăk Nông, Lâm Đồng… thực hiện một số công việc hỗ trợ người dân miền Trung khắc phục hậu quả do thiên tai.

leftcenterrightdel
 

Phó Thống đốc Thường trực, Chủ tịch Công đoàn NHVN Đào Minh Tú phát động công chức, viên chức, người lao động NHNN Trung ươngủng hộ đồng bào bị lũ lụt miền Trung

Đồng thời, NHNN yêu cầu các đơn vị khẩn trương chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, căn cứ khả năng tài chính xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất sau mưa lũ; hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định hiện hành. Tổ chức thăm hỏi, động viên đối với các gia đình bị thiệt hại; thực hiện công tác an sinh xã hội đối với các gia đình bị thiệt hại về người và tài sản...

Có thể nói ngành Ngân hàng từ lâu đã xác định vai trò, trách nhiệm của mình trong việc hỗ trợ người dân, DN ở tất cả các vùng, miền vượt qua khó khăn khi có thiên tai, dịch bệnh. Nhiều năm qua, NHNN luôn kịp thời chỉ đạo các TCTD triển khai giải pháp hỗ trợ người dân, DN bị thiệt hại do thiên tai như: xâm nhập mặn vùng ĐBSCL, dịch tả lợn châu Phi… và gần đây nhất là dịch Covid-19.

Ngày 19/10, Công đoàn Cơ quan NHNN T.Ư đã phát động quyên góp, ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục thiên tai mưa lũ, sớm ổn định cuộc sống. Lễ phát động đã thu được số tiền gần 600 triệu đồng, được chuyển cho Công đoàn Cơ quan NHNN T.Ư để kịp thời gửi ủng hộ đồng bào tại 3 tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất do mưa lũ gồm: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, mỗi tỉnh 200 triệu đồng.

Mới đây, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đã hỗ trợ 350 triệu đồng cho các cháu mồ côi cả cha mẹ trong vụ sạt lở núi do ảnh hưởng cơn bão số 9 tại thôn I, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. 07 cháu mồ côi được Công đoàn Ngân hàng Việt Nam hỗ trợ mở 07 sổ tiết kiệm, trị giá 50 triệu đồng/01 sổ, với tổng giá trị 350 triệu đồng.

Ngân hàng BIDV đã dành 08 tỷ đồng; VietinBank hỗ trợ khẩn cấp hơn 15 tỷ đồng; Agribank ủng hộ hơn 15 tỷ đồng; Techcombank ủng hộ gần 1,4 tỷ đồng cùng nhiều quà tặng khác … nhằm động viên, chia sẻ giúp người dân miền Trung sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống sau lũ lụt.

Nhân ngày vì người nghèo (17/10), hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ngân hàng thương mại đã đăng ký và thực hiện tài trợ an sinh xã hội qua Quỹ vì người nghèo Trung ương là 33,5 tỷ đồng.

PV