Vị trí của phụ nữ được đặc biệt quan tâm

Nghị quyết 6b/NQ-BCH ngày 29/01/2011 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa X về công tác vận động nữ CNVCLĐ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước; Chỉ thị 03/CT-TLĐ ngày 16/8/2010 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ giai đoạn 2010 – 2020 được ban hành thể hiện rõ sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và Tổng Liên đoàn đối với công tác phụ nữ, nhằm phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ với mục đích nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong xã hội, thực hiện tốt hơn công tác bình đẳng giới, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã cụ thể hóa Nghị quyết 6b/NQ-BCH và Chỉ thị 03/CT-TLĐ bằng Quyết định số 2162/QĐ-NHNN ngày 30/9/2011 ban hành Kế hoạch hành động về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng giai đoạn 2011-2015 và Quyết định số 2498/QĐ-NHNN ngày 23/12/2016 ban hành  Kế hoạch thực hiện biện pháp bảo đảm bình đẳng giới đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2020. Phong trào “Giỏi việc nước, Đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ của tổ chức công đoàn đã được cụ thể hóa thành phong trào “Giỏi việc Ngân hàng, Đảm việc nhà”, với các tiêu chí phấn đấu riêng và được sơ kết, tổng kết hàng năm từ cấp cơ sở, định kỳ 5 năm/1 lần ở cấp Ngành.

Hàng năm, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam (NHVN) đã cụ thể hóa thành các nội dung trong chương trình, kế hoạch trọng tâm công tác nữ công; xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn thuộc hệ thống phát động thi đua, quán triệt triển khai, thực hiện sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả hoạt động.

Ban nữ công công đoàn các cấp thường xuyên nắm bắt tâm tư nguyện vọng, đánh giá thực trạng lao động nữ, phối hợp làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với đoàn viên, lao động nữ; đưa công tác nữ công, dân số, gia đình và trẻ em vào tiêu chí thi đua và làm căn cứ để bình xét, phân loại hoạt động công đoàn; định kỳ hàng năm hoặc theo giai đoạn tổ chức biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác vận động nữ CNVCLĐ và phong trào “Giỏi việc Ngân hàng, Đảm việc nhà”.

Đến nay, tổng số CBĐVNLĐ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đang sinh hoạt trong hệ thống Công đoàn NHVN là 164.600 người, trong đó nữ CNVCLĐ là 97.126 người, chiếm tỷ lệ gần 60% trong tổng số (tăng hơn 3 lần so với năm 2010, tăng 2 lần so với năm 2015). Toàn hệ thống hiện có 900 công đoàn cơ sở (CĐCS) thuộc 09 Công đoàn cấp trên trực tiếp và 87 CĐCS trực thuộc Công đoàn NHVN, về tình hình việc làm, đời sống, thu nhập của CNVCLĐ vẫn luôn ổn định; Các chế độ, chính sách đối với cán bộ, đoàn viên, người lao động (CBĐVNLĐ) luôn được đảm bảo và không ngừng cải thiện nâng lên.

 

Quyền lợi của phụ nữ được đảm bảo

Trong 10 năm qua, Công đoàn NHVN đã quán triệt, triển khai tích cực, kịp thời xuyên suốt từ trung ương tới cơ sở các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của Tổng Liên đoàn, như: Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Trẻ em, Bộ luật Lao động, Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới, sức khỏe sinh sản, gia đình và trẻ em...

Đồng thời Ban Nữ công công đoàn các cấp hoạt động sôi nổi, hiệu quả trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp và có lợi cho nữ CNVCLĐ.

Qua đó, hàng năm, 100% các đơn vị trong ngành Ngân hàng đều thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và đúng theo quy định của pháp luật về lao động.

Một số đơn vị trong Ngành đã có những chính sách hỗ trợ cho lao động nữ ngoài những quy định của pháp luật, như: Lao động nữ không có điều kiện nghỉ cho con bú sẽ được hưởng trợ cấp theo chế độ ngoài giờ hoặc nghỉ bù, được hỗ trợ chi phí đào tạo lại nghề do sắp xếp lại vị trí; chi hỗ trợ nghỉ thai sản với mức 1 triệu đồng/người; giảm 1 giờ làm việc/ ngày khi lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 cho đến khi con được 12 tháng tuổi...

Một số công đoàn đã xây dựng và duy trì hoạt động các quỹ Nữ công, Quỹ khuyến học, Quỹ trợ vốn để hỗ trợ lao động nữ và khen thưởng con cán bộ CNVCLĐ.

Đối với chương trình Hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ và lắp đặt cabin vắt, trữ sữa mẹ, từ 15 cabin được Công đoàn NHVN đầu tư năm 2015, hiện toàn Ngành đã có trên 90 cabin.

Ban Nữ công đã tham mưu cho BCH Công đoàn cùng cấp đề xuất với lãnh đạo chuyên môn và chi hỗ trợ tiền nhà trẻ, mẫu giáo cho lao động nữ có con dưới 6 tuổi, mức hỗ trợ tối thiểu từ 150.000đ - 217.000đ/trẻ/tháng…

Đây là những hoạt động hết sức ý nghĩa mà Ban Nữ công công đoàn các cấp đã làm được, hoạt động này đã trực tiếp mang đến lợi quyền thiết thực cho đoàn viên, lao động nữ, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của tổ chức Công đoàn.

Ban nữ công công đoàn các cấp phối hợp với Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ tham gia tích cực với lãnh đạo chuyên môn khuyến khích, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ nữ nhằm tăng tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng, Ban chấp hành công đoàn hay các vị trí lãnh đạo, quản lý.

Các hoạt động xã hội từ thiện trong nữ CBĐVNLĐ cũng được duy trì làm tốt. Trong 10 năm qua, tổng kinh phí ngành Ngân hàng hỗ trợ cho các hoạt động xã hội từ thiện mà đối tượng thụ hưởng là phụ nữ và trẻ em lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Vai trò, vị thế của phụ nữ được khẳng định

Công đoàn NHVN chỉ đạo các cấp công đoàn đã duy trì thực hiện thường xuyên và phát huy hiệu quả các phong trào thi đua chuyên đề về nữ một cách thiết thực, hiệu quả… trong đó phải kể đến phong trào thi đua “Giỏi việc Ngân hàng, Đảm việc nhà” gắn với việc thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, các cuộc vận động “5 không, 3 sạch”, “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”,…

Thông qua phong trào, nhiều tấm gương nữ tiêu biểu, xuất sắc trên mọi lĩnh vực công tác, học tập, lao động sản xuất, nghiên cứu khoa học, những tấm gương người tốt - việc tốt, lao động giỏi - lao động sáng tạo, nuôi dạy con ngoan, học giỏi,... đã được phát hiện, biểu dương, nhân rộng.

Phong trào đã góp phần tạo động lực giúp chị em phấn đấu, phát huy sức mạnh nội lực, giá trị truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, xây dựng nguồn nhân lực nữ cho ngành Ngân hàng.

Nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực được Nhà nước, Tổng Liên đoàn, ngành Ngân hàng và các Bộ, ban, ngành, địa phương ghi nhận với nhiều danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.

Trong đó, có 175 tập thể được tặng Cờ thi đua các cấp; 645 tập thể được tặng Bằng khen của Tổng Liên đoàn, Thống đốc NHNN, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về thành tích trong phong trào thi đua hai giỏi.

1.700 nữ cán bộ, đoàn viên xuất sắc được tặng Bằng khen các cấp; 85.000 cá nhân nữ tiêu biểu được tặng Giấy khen về thành tích hai giỏi. 450 nữ cán bộ, đoàn viên được khen thưởng cấp Nhà nước,…

Nhiều nữ cán bộ là thành viên, hoặc trực tiếp làm chủ nhiệm những đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, cấp Ngành và cấp Nhà nước. Các chị có được nhiều thành tích trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, sáng kiến, sáng tạo trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, đoạt giải cao trong những cuộc thi công nghệ… Bên cạnh đó, có những nữ cán bộ trẻ, tài năng, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phấn đấu vươn lên khẳng định vai trò, vị thế của nữ cán bộ, đoàn viên, lập được nhiều thành tích trong công tác chuyên môn, thành công trên nhiều lĩnh vực nhưng vẫn luôn sắp xếp thời gian, công việc khoa học, hợp lý, đảm trách tốt thiên chức của người phụ nữ trong gia đình, nuôi dạy con ngoan - học giỏi.

Ngoài ra, còn nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc đã và đang thầm lặng cống hiến cho các phong trào thi đua trong nữ CNVCLĐ nói chung, phong trào phụ nữ hai giỏi nói riêng./.

 
PV