Gần đây, người dùng ví điện tử được yêu cầu cập nhật ảnh, chứng minh thư nhân dân và chụp chân dung, nếu muốn sử dụng tiếp khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối ngày 2/6, báo chí đề nghị Ngân hàng Nhà nước thông tin chính thức về vấn đề này.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho hay, ngày 7/7 sắp tới là hạn cuối cùng để các chủ ví điện tử hoàn tất việc kê khai xác minh danh tính của mình theo quy định tại Thông tư 23 thay thế Thông tư 39.

Lý do phải sửa đổi quy định này, theo giải thích của ông Tú là để bảo đảm an toàn cho người sử dụng ví điện tử.

“Thời gian vừa qua đã có một số trường hợp người sử dụng ví điện tử bị lộ thông tin”, ông Tú nói và cho hay, qua nghiên cứu, Ngân hàng Nhà nước thấy rằng, với những tài khoản thanh toán tại ngân hàng hoặc thẻ ghi nợ cần phải làm rõ kê khai xác minh danh tính.

“Chúng tôi khẳng định các tổ chức có chức năng trung gian thanh toán phải có trách nhiệm bảo toàn thông tin thanh toán cho khách hàng”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Ông Tú cũng khuyến cáo, dân sử dụng dịch vụ này không nên cung cấp hoặc để lộ, lọt thông tin của mình cho những người không tin tưởng.

Tín dụng hạ chuẩn đồng nghĩa với nợ xấu và mất an toàn

Cũng tại buổi họp báo, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã trả lời việc doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh COVID -19 khó tiếp cận nguồn vốn do các ngân hàng không hạ chuẩn cho vay.

Theo ông Tú, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo trong toàn ngành rất sớm, vào cuộc rất nhanh, quyết liệt trong vấn đề hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp và người dân khó khăn trong thời gian dịch bệnh.

“Trước nay, không hạ chuẩn tín dụng cho vay là một nguyên tắc của tín dụng. Tín dụng hạ chuẩn đồng nghĩa với nợ xấu và mất an toàn cho từng tổ chức tín dụng cũng như an toàn hệ thống tài chính ngân hàng quốc gia”, ông Tú cho hay.

Cho nên, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều chỉ đạo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giãn, hoãn các khoản nợ, khoản lãi đến hạn hết năm 2020.

Ngân hàng Nhà nước cũng đang xem xét các khó khăn của doanh nghiệp để điều chỉnh thêm, tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp cũng như các tổ chức tín dụng để giải ngân vốn và hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp đang có điều kiện và có những dự án hiệu quả thì hỗ trợ vốn đang được thực hiện tích cực. Các doanh nghiệp đang khó khăn, chưa có nhu cầu vay vốn, việc xử lý nợ cũ được giãn, hoãn một cách hợp lý, tích cực hơn để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo ông Tú, việc hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp hiện nay được thực hiện xong hành với bảo đảm chất lượng tín dụng.

“Không hạ điều kiện tín dụng không làm ảnh hưởng đến hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp và người dân hiện nay”, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định.

Hương Giang