Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân số 26/2012/QH13 (áp dụng từ ngày 1/7/2013) quy định mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.

Ngày 2/6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân (áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020). Theo đó, nâng mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Từ ngày 1/7/2024, lương tối thiểu được tăng từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%); lương cho người nghỉ hưu tăng 15%. Tuy nhiên, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế và mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc vẫn giữ nguyên 11 triệu đồng/tháng và 4,4 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Tuấn Trung, một cán bộ công chức đang công tác ở quận Hoàn Kiếm cho biết, ông có một đối tượng thuộc mức giảm trừ gia cảnh, trước ngày 30/6/2024, ông chưa bao giờ phải nộp thuế thu nhập cá nhân, vì thu nhập của ông mỗi tháng được 15,5 triệu đồng.

“Từ ngày 1/7/2024, mức lương tối thiểu được nâng lên 2,34 triệu đồng/tháng, tuy nhiên, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế và mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc vẫn giữ nguyên 11 triệu đồng/tháng và 4,4 triệu đồng/tháng, nên việc phải đóng thuế thu nhập cá nhân là điều không tránh khỏi”, ông Trung cho biết.

Như thường lệ, “nước nổi, bèo nổi”, lương tăng thì giá cả cũng tăng, thậm chí có thời điểm giá cả còn tăng trước lúc tăng lương. Chị Hoàng Thị Bình, một công chức đang công tác tại quận Đống Đa cho biết, từ 1/7/2024 bắt đầu tăng lương, nhưng trước khi Chính phủ tăng lương thì giá cả một số mặt hàng đã tăng rồi, việc tăng 30% lương có khi cũng chỉ đủ chi phí cho việc giá cả tăng. Trong khi đó, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế và mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc vẫn giữ nguyên nên phải “gánh” thêm một khoản thuế thu nhập cá nhân.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc thực hiện chính sách thuế thu nhập cá nhân có vai trò rất quan trọng để triển khai chính sách phân phối lại theo từng giai đoạn phát triển của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng với các nguồn thu khác, nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân đã tạo nên quỹ ngân sách Nhà nước để đáp ứng rất nhiều nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh như hiện nay không còn phù hợp với giá cả thực tế và chi phí cho nhu cầu cuộc sống. Bên cạnh đó, cách tính mức giảm trừ gia cảnh chỉ căn cứ vào biến động CPI là chưa đủ mà còn phải tính theo xu hướng phát triển nhu cầu tiêu dùng của người dân.

leftcenterrightdel
 Đến bao giờ Luật Thuế thu nhập cá nhân mới được sửa đổi? Ảnh: TQ

GS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho rằng, mặc dù thuế thu nhập nhân đã qua 3 lần điều chỉnh và chúng ta đã nâng được mức khởi điểm của đối tượng chịu thuế lên 11 triệu đồng. Tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh của người phụ thuộc đang ở mức 4,4 triệu đồng/người. Có nhiều yếu tố để thấy mức này chưa phù hợp. Vì thu nhập bình quân đầu người cả nước hiện nay là hơn 4,6 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, mức tiêu dùng ở mỗi vùng là khác nhau, chẳng hạn như thành phố với vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, trong những năm qua, chúng ta đã phải kìm chế qua thời kỳ hậu COVID-19. Rất nhiều những hoạt động về giá cả phải kìm lại không tăng lên, ví dụ y tế, giáo dục, điện… thì đến lúc này chúng ta bắt đầu phải có sự điều chỉnh để đảm bảo hoạt động bình thường của xã hội. Nếu như ở khu vực thành phố, một đứa con đi học rõ ràng với mức giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu đồng thì chưa đủ trang trải cho đứa trẻ đó. Rõ ràng, mức này là không hợp lý. Vì thế, rất nhiều ý kiến cho rằng đã đến thời điểm phải xem, điều chỉnh lại mức thu nhập cá nhân.

Theo Bộ Tài chính, Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định CPI biến động hơn 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành, hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, quy định khi nào CPI biến động trên 20% thì mới xem xét điều chỉnh mức thu nhập chịu thuế là vô lý. Bởi vì, mức ngưỡng chịu thuế không chỉ có lạm phát tác động. Vấn đề lạm phát chỉ là một phần, còn đời sống của người dân ngày một nâng lên, mức sống bình thường của người dân cũng nâng lên, thì chúng ta phải lấy mức sống bình thường và trên mức sống bình thường mới đánh thuế thu nhập.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh không cần quy định ngưỡng CPI biến động trên 20% thì mới xem xét điều chỉnh mức đóng thuế thu nhập cá nhân. Vì lạm phát 5% của năm nay khác với lạm phát 5% của năm sau, không đồng mẫu. Do vậy, nếu cộng với nhau là điều vô lý. Nên chúng ta có thể đặt ra 2 năm xem xét lại một lần.

Từ ngày 1/7/2024, lương cơ sở tăng 30% người lao động rất trông chờ khi lương tăng lên, thu nhập cao hơn thì đời sống sẽ được nâng lên. Thế nhưng đồng thời việc đó là chúng ta thấy rằng, một loạt cá nhân trước đây thu nhập khoảng 8 - 9 triệu đồng/tháng, sau khi tăng thêm 30% sẽ lọt vào top phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Đương nhiên những người đó cảm thấy vừa mừng cũng vừa lo. Mừng là vì lần đầu tiên được đóng thuế thu nhập cá nhân cho Nhà nước. Nhưng mà lo là không biết mình đóng bao nhiêu và rồi cuộc sống của mình có được cải thiện nhiều hay không… Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc chúng ta phải chỉnh sửa ngưỡng chịu thuế thu nhập cá nhân là cần thiết.

Bộ Tài chính là cơ quan được Chính phủ giao sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến ngành Tài chính, trong đó có Luật Thuế thu nhập cá nhân. Năm 2024, Bộ Tài chính đề xuất ban hành 1 luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính gồm: Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia.

Bộ Tài chính cho biết, đang tiến hành rà soát, đánh giá các luật thuế; trong đó có Luật Thuế thu nhập cá nhân, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2025 và thông qua vào tháng 5/2026.

Theo lộ trình mà Bộ Tài chính đưa ra, nếu không có gì thay đổi, đến tháng 5/2026, Luật Thuế thu nhập cá nhân mới được Quốc hội thông qua.

Trần Quý