Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã có buổi làm việc về tình hình thiệt hại của ngành Ngân hàng, khách hàng do bão Yagi gây ra tại tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Quảng Ninh cho biết, đến hết ngày 10/9, có hơn 11.000 khách hàng với dư nợ khoảng 10.650 tỷ đồng bị ảnh hưởng nặng nề do hậu quả cơn bão Yagi. Số này chiếm 5,6% tổng dư nợ trên địa bàn.

Một số khách hàng nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng mạnh do trôi dạt bè nuôi thủy sản. Cơ sở vật chất của hầu hết cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân đều thiệt hại và hư hỏng.

Bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Hải Phòng cho biết, có 890 khách hàng với tổng dư nợ 15.686 tỷ đồng bị ảnh hưởng sau bão Yagi tại đây. Các lĩnh vực chịu thiệt hại tập trung vào chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản, sản xuất kinh doanh và thương mại, lĩnh vực cầu cảng, tàu bè đánh bắt thủy hải sản...

Như vậy, tổng 2 địa bàn Hải Phòng, Quảng Ninh có khoảng 12.000 khách vay bị ảnh hưởng, với tổng dư nợ hơn 26.000 tỷ đồng bị thiệt hại sau bão Yagi.

Tại buổi làm việc, đại diện các ngân hàng cho biết đang nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp để có thể hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn sau bão.

Ông Lê Duy Hải, Phó Tổng Giám đốc VietinBank, cho biết theo thống kê sơ bộ có khoảng 195 khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 với dư nợ khoảng 18.000 tỷ đồng. Thời gian tới, ngân hàng sẽ nhanh chóng đánh giá tổng thể thiệt hại với các khách hàng trong toàn hệ thống để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Đối với các khách hàng có mua bảo hiểm của ngân hàng, VietinBank sẽ nhanh chóng đẩy nhanh công tác đền bù để tạo điều kiện cho người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Ông Lê Hoàng Tùng _ Phó tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, mặc dù đã sớm chủ động triển khai công tác phòng chống, ứng phó với cơn bão số 3 và mưa lũ, tuy nhiên tại Vietcombank theo thống kê sơ bộ đã có 34 Chi nhánh chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi bão, lũ, trong đó riêng địa bàn Hải Phòng, Quảng Ninh có 7 Chi nhánh bị ảnh hưởng, thiệt hại về cơ sở vật chất ước tính gần 6 tỷ đồng, một số điểm giao dịch phải tạm dừng hoạt động. Hiện tại, theo uớc tính đã có gần 6000 khách hàng của Vietcombank bị ảnh hưởng với tổng dư nợ khoảng 71.000 tỷ đồng, trong đó riêng tại địa bàn Hải Phòng, Quảng Ninh có 230 khách hàng bị ảnh hưởng với tổng dư nợ khoảng 13.300 tỷ đồng.

Trong tình hình này, để hỗ trợ, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Vietcombank đã xem xét giảm lãi suất 0,5% trong giai đoạn từ ngày 6/9/2024 đến ngày 31/12/2024 đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh chịu thiệt hại lớn do bão số 3 gây ra tại các địa phương chịu ảnh hưởng, ước tính có gần 20 nghìn khách hàng cá nhân, doanh nghiệp được giảm lãi suất với quy mô dư nợ gần 130 nghìn tỷ đồng. Chương trình giảm lãi suất áp dụng cho dư nợ hiện hữu cũng như dư nợ vay mới nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân có thể ổn định sản xuất, ổn định cuộc sống và tiếp cận với vốn tín dụng ngân hàng.

Về các hoạt động an sinh xã hội, Vietcombank đã tham gia cùng Công đoàn ngành ngân hàng ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra số tiền 2 tỷ đồng thông qua Ủy ban TW Mặt trận tổ quốc Việt Nam; hỗ trợ 1 tỷ đồng cho tỉnh Yên Bái. Công đoàn Vietcombank đã phát động toàn thể CBNV hệ thống Vietcombank ủng hộ 1 ngày lương với tổng số tiền ủng hộ hơn 10 tỷ đồng để ủng hộ các địa phương chịu ảnh hưởng và hỗ trợ trực tiếp cho cán bộ bị thiệt hại bởi bão lũ, có hoàn cảnh khó khăn.

Còn đối với BIDV, ông Lê Trung Thành, Phó Tổng Giám đốc cho biết, ngân hàng coi đây là nhiệm vụ cấp bách cần được ưu tiên, đánh giá từng trường hợp khách hàng để có phương án cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi… ban hành gói tín dụng với mức lãi suất hợp lý, quy mô hợp lý để đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp hồi phục sau cơn bão.

Phó Tổng Giám đốc Agribank Đoàn Ngọc Lưu cũng thông tin cán bộ nhà băng này gặp trực tiếp để đánh giá mức độ thiệt hại và cơ cấu với dư nợ cho vay, giảm lãi suất... với các khách hàng bị thiệt hại.

leftcenterrightdel
 Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã có buổi làm việc về tình hình thiệt hại của ngân hàng, khách hàng do bão Yagi

Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu nhanh chóng rà soát từng trường hợp khách hàng, làm rõ mức độ thiệt hại, nắm được những nguyện vọng, đề xuất của khách hàng. Đồng thời, trở thành "chỗ dựa" cho doanh nghiệp, không thu nợ bằng mọi cách mà phải linh hoạt, thể hiện trách nhiệm chia sẻ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi. Bằng thẩm quyền của mình, các chi nhánh cân nhắc xem xét hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng, mạnh dạn cho vay để doanh nghiệp tái sản xuất, kinh doanh, phục hồi…

Ông Tú cho biết, vừa rồi Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi tới tất cả các ngân hàng thương mại phải tập trung hỗ trợ ngay cho doanh nghiệp, người dân và hộ vay vốn. Cần có những chính sách kịp thời để khắc phục ngay các khó khăn trong cuộc sống hiện tại của những ngày đang mưa bão này. Thứ nữa là có các chính sách một cách hợp lý, tích cực là tạm thời khoanh nợ, hoãn giãn nợ, giảm lãi ngay những khoản nào đã đến hạn, còn những khoản nợ sắp tới hạn sẽ có cách xử lý tích cực hơn cho khách hàng, người vay vốn.

Đặc biệt những ngày trong bão và sau bão, cũng cần cho vay tiêu dùng để người dân có thể có nguồn kinh phí để mua sắm những đồ dung trang thiết bị cho sinh hoạt cuộc sống, rất nhiều người dân bị thiệt hại ngay cả những tài sản đang sử dụng hàng ngày.

Người dân, doanh nghiệp tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão Yagi (Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái...) sẽ được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay và tiếp tục cho vay mới để vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh.

Về phía các vụ, cục, đơn vị của Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc nhấn mạnh cần tiếp tục theo dõi tình hình, thống kê thiệt hại do bão Yagi gây ra để có bức tranh thiệt hại chung của ngành Ngân hàng sớm nhất, từ đó đề xuất các cơ chế liên quan để có thể khắc phục hậu quả của bão lụt.

Trước nhu cầu vay tiêu dùng của người dân tăng cao để trang trải, ổn định cuộc sống sau ảnh hưởng của mưa bão gây ra, một trong những phương thức giúp người dân nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn tín dụng tiêu dùng chính thức từ các ngân hàng, công ty tài chính đó là việc sử dụng thẻ tín dụng nội địa.

Qua đó, người dân có thể thực hiện chi tiêu trước trả tiền sau các khoản sinh hoạt phí cấp thiết hiện nay, thời gian miễn lãi dài từ 45 đến 55 ngày, hỗ trợ hiệu quả cho các khách hàng phát sinh nhu cầu tài chính đột xuất, không phải tìm đến hình thức cho vay tín dụng đen với lãi suất cao. Thủ tục mở thẻ đơn giản, chi phí phát hành và thanh toán thấp.

Hiện nay, thẻ tín dụng NAPAS do các ngân hàng và công ty tài chính Việt Nam phát hành gồm: Agribank, Vietinbank, Sacombank, ACB, NAB, HDBank, Vietbank, Baovietbank, VCCB, OCB, Viet A Bank và 4 công ty tài chính gồm Vietcredit, FCCom, Mirae Asset, Mcredit.



Nguyễn Điểm