Đây là lần đầu tiên trong 2 năm qua Ngân hàng Nhà nước tăng loạt lãi suất điều hành bao gồm trần lãi suất huy động, lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn.

Trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng đã được cơ quan quản lý tăng thêm 1 điểm phần trăm, từ 4%/năm lên 5%/năm. Riêng quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô được áp dụng mức lãi suất tối đa cho tiền gửi kỳ hạn tương đương 5,5%/năm.

Với khoản tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, trần lãi suất được nâng từ 0,2%/năm lên 0,5%/năm.

Bên cạnh đó, hai loại lãi suất điều hành khác gồm lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu cũng được điều chỉnh tăng thêm 1 điểm phần trăm, lần lượt lên mức 5%/năm và 3,5%/năm.

Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng tăng từ 5%/năm lên 6%/năm.

Động thái này diễn ra ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất điều hành thêm 0,75 điểm phần trăm lần thứ ba liên tiếp trong năm nay tại cuộc họp ngày 20 - 21/9. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Mỹ còn cho biết sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới nhằm kiềm chế lạm phát đã tăng vọt lên mức kỷ lục 40 năm.

Tại phiên họp Chính phủ sáng 22/9, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã khẳng định đồng tiền Việt Nam vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất so với khu vực và thế giới. Thách thức lớn nhất là kiểm soát lạm phát, và Ngân hàng Nhà nước sẽ theo sát mọi diễn biến để linh hoạt giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô.

Về định hướng chính sách, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo ngoài nghiên cứu tăng lãi suất điều hành, lãi suất huy động, Ngân hàng Nhà nước cũng cần giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và kêu gọi, vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, nghiên cứu giảm lãi suất ở một số đối tượng, lĩnh vực phục vụ sản xuất kinh doanh.

Nguyễn Điểm