Từ Ngân hàng số đến Ngân hàng “thuận tiện nhất”

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây, vào quý II/2921, ngành ngân hàng đạt được những con số ấn tượng trên kênh số trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo đó, giá trị giao dịch trên kênh Internet và Mobile Banking của các ngân hàng trong quý II/2021 đạt 14,824 nghìn tỉ, tăng 21,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó kênh Mobile Banking tăng 9,1 lần. 

Trước tiềm năng lớn của ngân hàng số, các ngân hàng ngày càng tích cực đổi mới mô hình kinh doanh, tăng cường hợp tác và phát triển mở rộng hệ sinh thái tiện ích số phục vụ 360 độ nhu cầu của khách hàng. Không nằm ngoài cuộc đua, năm 2021 có thể coi là một năm bứt phá của ngân hàng số MBBank. Lấy khách hàng làm cốt lõi, ngân hàng này chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm và phát triển sản phẩm dịch vụ có tính cạnh tranh cao nhằm khuyến khích khách hàng ứng dụng số hoá trong hoạt động hàng ngày để thích ứng với bối cảnh dịch bệnh kéo dài từ các dịch vụ thanh toán cơ bản: hoá đơn điện nước, viễn thông, bảo hiểm…trên ứng dụng đến hỗ trợ khách hàng cá nhân và tiểu thương tích hợp thanh toán qua VietQR, miễn phí đăng ký tài khoản số đẹp hay đáp ứng nhu cầu thiện nguyện minh bạch thông qua giải pháp công nghệ tích hợp thiện nguyện. 

Bên cạnh đó, ngân hàng này còn bắt đầu triển khai các dịch vụ phi tài chính khác xem thời tiết, chơi game trúng thưởng, Horoscope, theo dõi sức khỏe… ngay trên App MBBank, tạo ra một hệ sinh thái tiện ích hoàn chỉnh và thuận tiện dành cho khách hàng trong mọi lĩnh vực.

Những nỗ lực trong việc đổi mới kinh doanh dựa trên trải nghiệm khách hàng đã mang lại kết quả ấn tượng cho ngân hàng số MBBank trong 9 tháng đầu năm  2021. Ngân hàng này có thêm 4,5 triệu người dùng App MBBank, nâng tổng số lượng người dùng ứng dụng lên 8 triệu; và luỹ kế 60.000 quản lý cấp độ doanh nghiệp sử dụng App BIZ MBBank với tổng giao dịch trên kênh số của MBBank chiếm đến 94% số lượng giao dịch.  

“Ngân hàng to hơn không còn quan trọng, bây giờ quan trọng là ai thông minh hơn, nhanh hơn” – Để tối ưu hoá trải nghiệm khách hàng trên kênh số, MBBank còn tăng cường đầu tư vào công nghệ, tối ưu hoá quy trình và nâng cao năng lực nội bộ. Ngân hàng đã đồng loạt triển khai 22 dự án chuyển đổi số đến năm 2022, áp dụng công nghệ tự động hoá và Robotics trong doanh nghiệp cùng với việc phát triển đội ngũ nhân sự công nghệ, dự kiến chiếm 25% nhân sự toàn hàng vào năm 2024, hướng đến mục tiêu chuyển đổi số bền vững trong tương lai.

Trở thành Tập đoàn tài chính ngân hàng năm 2026

Xây dựng hạ tầng công nghệ bền vững, đột phá trong hệ sinh thái tiện ích số và đầu tư phát triển nguồn nhân lực công nghệ trong hành trình 5 năm qua, MBBank kiên định với mục tiêu duy trì Top 5, phấn đấu Top 3 các NHTM về chất lượng và hiệu quả, dẫn đầu về số hóa. Bên cạnh thành công của ngân hàng số, các công ty thành viên của MB Group cũng đạt tăng trưởng cao bao gồm: Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) tăng trưởng thuộc Top 5 ngành, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ (MB Ageas) cũng gia tăng thị phần thuộc top 11 APE kênh đại lý (2,5% thị phần) với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thị trường là 266%...; đồng thời triển khai quyết liệt chuyển đổi số nhằm thúc đẩy doanh thu vào cuối năm 2021. 

Những kết quả ấn tượng trên đã tạo tiền đề để MB Group tiếp tục bứt phá trong chiến lược tập đoàn giai đoạn mới 2022 – 2026: Xây dựng mô hình tập đoàn, MBBank là ngân hàng mạnh với các công ty trong, ngoài nước và công ty liên kết; xác định chuyển đổi số tiếp tục là trọng tâm xây dựng các mô hình kinh doanh mới; quản trị điều hành theo thông lệ tiên tiến trên thế giới, trên cơ sở phát huy tối đa kết quả giai đoạn vừa qua. Đặc biệt, trong giai đoạn này, MB phấn đấu trở thành doanh nghiệp số; nằm trong tốp đầu các doanh nghiệp mạnh về bán lẻ hiệu quả và an toàn.

leftcenterrightdel
 MBBank đặt ra mục tiêu trở thành Tập đoàn tài chính ngân hàng vào năm 2026

Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, dự báo trong 5 năm tới, MB Group có thể cán mốc doanh thu khoảng 5 tỷ đô và lợi nhuận khoảng 2 tỷ đô vào cuối năm 2026.

Chia sẻ về định hướng phát triển trong chiến lược mới, ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc MB khẳng định: “MB Group sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong thời gian tới. Mặc dù nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức từ đại dịch Covid-19 nhưng với tiềm lực về tài chính, công nghệ và nhân lực, MB Group hoàn toàn tự tin với những mục tiêu đã đề ra trong chiến lược giai đoạn 2022 - 2026.” 

PV