Từ ngày 1/7/2024, các ngân hàng thương mại thông báo về việc cập nhật dữ liệu sinh trắc học, theo quy định mới áp dụng. Theo đó, bất kỳ giao dịch nào trên 10 triệu đồng sẽ phải xác thực bằng khuôn mặt hoặc vân tay. 

Anh Nguyễn Hiếu, Đống Đa, Hà Nội một người làm trong ngành công nghệ, vẫn mất khá nhiều thời gian để hoàn thành thủ tục này sau rất nhiều lần thử. Nguyên nhân có thể do nhiều yếu tố như thiết bị điện thoại, ứng dụng ngân hàng, chất lượng đường truyền internet.

"Một người bạn của tôi là chuyên gia truyền thông cũng phải quét NFC (xác minh người dùng) hàng trăm lần mới hoàn thành việc đăng ký sinh trắc học với ứng dụng ngân hàng", anh Hiếu nói. 

Quyết định 2345/QĐ-NHNN được Ngân hàng Nhà nước ban hành vào ngày 18/12/2023, yêu cầu xác thực sinh trắc học nhằm giảm thiểu rủi ro trong thanh toán trực tuyến. Quy định này có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, chỉ sau 196 ngày từ khi ban hành.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 11/2023, có 180 triệu tài khoản thanh toán cá nhân đang hoạt động và 77,41% người trưởng thành ở Việt Nam có tài khoản thanh toán. Điều này có nghĩa rằng quyết định bắt buộc xác thực sinh trắc học sẽ ảnh hưởng đến hàng chục triệu người chỉ sau 196 ngày kể từ khi ban hành. 

"Tôi phải loay hoay cập nhật dữ liệu sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng bởi vì từ 1/7 chuyển tiền trực tuyến nhiều hơn 10 triệu đồng bắt buộc phải xác thực khuôn mặt, vân tay mà không có phương thức khác thay thế. Điều này làm tôi nhớ đến nguyên tắc "thiết kế toàn diện" được sử dụng tại các hãng công nghệ lớn. Đây là triết lý và cách tiếp cận trong thiết kế sản phẩm và dịch vụ nhằm đảm bảo chúng có thể được sử dụng bởi nhiều nhóm người khác nhau trong cộng đồng, bao gồm cả những người có nhu cầu đặc biệt. Quy định này đã nghĩ đến sự công bằng cho tất cả các nhóm người dùng trong cộng đồng chưa", chị Ngọc Anh, Cầu Giấy, Hà Nôi chia sẻ.

Đáng nói là, 74,41% người trưởng thành tại Việt Nam sẽ chịu tác động bởi quy định này, trong đó có nhiều người lớn tuổi, người ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo. Nhiều người trong số đó không thành thạo công nghệ hoặc sử dụng điện thoại đời cũ không hỗ trợ quét thẻ NFC, camera không hoạt động hoặc không có chức năng nhận diện vân tay. Nếu không, việc bắt buộc xác thực sinh trắc học với các giao dịch trên 10 triệu đồng lại vô tình buộc chân một nhóm người trong cộng đồng.

Trên mạng xã hội, nhiều khách hàng bày tỏ, các bước chụp mặt sau căn cước công dân thì đơn giản, nhưng khi tới các bước xác thực chip điện tử trên căn cước công dân thì không thể nào làm được. Nếu người dân tạm thời chưa đổi được căn cước công dân gắn chip thì không thể nào giao dịch được khi chuyển tiền trên 10 triệu đồng. Nên chăng, chỉ coi xác thực sinh trắc học là một tùy chọn thêm cùng với các phương thức bảo mật khác như mật khẩu, OTP để nâng cao an toàn cho chủ tài khoản, tạo sự thuận tiện cho người dùng.

Ví dụ, ở Singapore, ngân hàng cho phép đăng nhập ứng dụng bằng dữ liệu sinh trắc học từ Singpass, tương tự như VNeID ở Việt Nam, thực hiện giao dịch trực tuyến. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn cho phép sử dụng mật khẩu và mã OTP khi thực hiện giao dịch. Ngoài ra, người dùng có thể tùy chỉnh mức độ và phương thức bảo mật. Dù người dùng lựa chọn phương thức nào vẫn luôn có những kẽ hở để kẻ gian lợi dụng. Chính vì vậy ngân hàng luôn có biện pháp tự động ngăn chặn các giao dịch đáng ngờ dù đã xác thực thành công, ví dụ như chuyển số tiền lớn vào giữa đêm đến tài khoản lạ, để đợi xác minh thêm từ chủ tài khoản. 

Trà Vân