Với những chính sách hỗ trợ khách hàng như: Gia hạn nợ, cho vay mới, giảm lãi suất cho vay theo quy định,.. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) luôn sát cánh bên cạnh người nông dân để giúp họ vượt qua những khó khăn.

Với diện tích tự nhiên 403.261 ha, tỉnh Tây Ninh có 344.297 ha là đất sản xuất nông, lâm nghiệp, vì vậy ngành Nông - lâm - thủy sản tại đây luôn được quan tâm đặc biệt. 

Để hỗ trợ khách hàng và gần dân, hiểu dân hơn, ngoài việc thực hiện những chính sách của Nhà nước Agribank còn phối hợp với các tổ chức. đoàn thể thành lập mô hình tổ vay vốn tại các địa phương. Cho đến nay, trong hệ thống các tổ chức tín dụng, Agribank là ngân hàng thương mại triển khai cho vay thông qua số lượng tổ vay vốn nhiều nhất. 

Ngoài Tây Ninh, nhiều chi nhánh trong hệ thống Agribank triển khai mô hình cho vay thông qua tổ vay vốn hiệu quả như: Bắc Giang, Nam Định, Bình Thuận, Gia Lai, Hà Tây, Hà Tĩnh, Phú Yên, Thái Bình, Thanh Hóa, Tiền Giang, Quảng Trị…

Với nhiều hoạt động hỗ trợ khách hàng như vậy, Agribank chi nhánh Tây Ninh luôn là lựa chọn số 1 của người nông dân. Ông Võ Văn Ten tại Ấp Phước Hội, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu,Tây Ninh người đã gắn bó với Agribank gần 30 năm chia sẻ: "Tôi vay vốn ngân hàng lần đầu từ những năm 1980, khi đó chỉ có 1 mẫu 2 đất canh tác rồi cứ vay vốn canh tác, mở rộng đất đai".

Ông Ten nói thêm: "Tôi trồng chủ yếu là cây mì và trồng các cây nông nghiệp dài ngày như cao su, na... ngoài ra còn trồng rừng để chống xói mòn. Hai năm trở lại đây cây mì bị nhiễm sâu bệnh nặng làm cây giảm năng suất, bình thường 1 ha thu hoạch được 40 tấn thì giờ chỉ thu được có 20 tấn sản lượng cây trồng". 

Gặp nhiều khó khăn như vậy nhưng đối với ông Ten: "Cũng có những ngân hàng khác đến chào mời vay vốn nhưng vay ở đâu cũng không bằng Ngân hàng Agribank, họ làm ăn có bài bản kế hoạch. Ví dụ 1 ha trồng bao nhiêu cây cao su cán bộ ngân hàng cũng xuống tận nơi tư vấn".


Anh Đặng Hoàng Duy Điền chủ doanh nghiệp TMDV Duy Điền chia sẻ: "Trước đây tôi đi làm công nhân. Năm 2000 lần đầu tiên vay ngân hàng 90 triệu, mua 1 chiếc xe tải để giao sản phẩm đến tận nơi cho khách hàng". Cho đến nay anh Điền đã thành lập được một doanh nghiệp với tổng diện tích nhà xưởng là 40.000m2.

Công ty của anh Điền sản xuất các sản phẩm bàn ghế inox, suất xưởng trên 600 sản phẩm mỗi tháng và thu về gần 3 tỷ đồng. Dù trong quá trình phát triển còn gặp nhiều khó khăn nhưng anh Điền vẫn khẳng định: "Chất lượng dịch vụ của Ngân hàng Agribank tốt, chăm sóc khách hàng nhiệt tình nên tôi rất hài lòng. Vay vốn từ năm 2000 đến nay hạn mức ngân hàng đáp ứng cho mình rất thỏa mãn, thời điểm khó khăn ngân hàng giúp đỡ mình rất nhiều, luôn hỗ trợ song song với doanh nghiệp."

Ông Võ Tự Thiện, Giám đốc Agribank chi nhánh Tây Ninh cho hay: "Chi nhánh của chúng tôi trong nhiều năm qua không có "sự cố" đáng tiếc nào xảy ra. Chúng tôi luôn phấn đấu, tăng trưởng đều đặn, từng bước vững chắc, hàng năm đều hoàn thành vượt mức toàn diện chỉ tiêu kế hoạch trụ sở chính giao."

Ở thời điểm hiện tại, hoạt động tín dụng của Agribank chi nhánh Tây Ninh khá hiệu quả với nguồn vốn huy động là 10.339 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay 9.166 tỷ đồng và nợ xấu chỉ chiếm 0,59% tổng dư nợ. Không ngừng phát triển, chi nhánh luôn phối hợp chặt chẽ với Hội nông dân, Hội phụ nữ tỉnh triển khai cho vay vốn qua tổ. Với mô hình này, ngân hàng có thể giám sát chặt chẽ tình hình hoạt động của khách hàng cũng như triển khai chủ trương mới dễ dàng hơn.

Theo ông Trần Văn Hận, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh: "Việc hoàn chỉnh hồ sơ từ cán bộ nông dân rồi qua cán bộ tín dụng, trong vòng 4 ngày tiền có thể đến được với bà con nông dân, thậm chí có người sáng làm hồ sơ thì chiều đã nhận được tiền. Ngân hàng thường xuyên qua lại, gắn bó với hội để trao đổi vấn đề tín dụng. Thông qua Hội Nông dân, ngân hàng có được một đội ngũ cộng tác viên rất phong phú, như một "bàn tay nối dài" gắn kết đến từng hộ dân. Đó là những điều mà nhưng Agribank đã làm được hơn so với những ngân hàng khác trong khu vực".

Liên Hoàng