Đây là vấn đề Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn nhất khi phát biểu kết luận tại buổi Thường trực Chính phủ gặp mặt đầu Xuân với các doanh nghiệp Nhà nước tiêu biểu, ngày 3/3.

“Doanh nghiệp Nhà nước phải tự tin đi lên”

Theo người đứng đầu Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước có đóng góp quan trọng, tích cực với sự phát triển của đất nước, khi đóng góp khoảng 28% thu ngân sách, thu hút khoảng 0,7 triệu lao động.

Hoạt động sản xuất kinh doanh duy trì ổn định, nhưng Thủ tướng lưu ý, vẫn có một số đơn vị thua lỗ, lợi nhuận âm, trong đó có doanh nghiệp quy mô lớn, vai trò quan trọng.

Các doanh nghiệp, nhất là tập đoàn, tổng công ty nỗ lực triển khai các dự án đầu tư mới vẫn chưa tương xứng nguồn lực được giao nắm giữ, hiệu quả đầu tư chưa kỳ vọng.

Việc đầu tư ra nước ngoài gặp khó khăn, một số dự án có vốn đầu tư lớn không thành công, tiềm ẩn rủi ro, một số dự án lỗ lũy kế lớn trong nhiều năm, phương thức tái cơ cấu chưa hiệu quả.

Thậm chí, một số doanh nghiệp để xảy ra sai phạm, tham nhũng, tiêu cực, phải xử lý. “Doanh nghiệp Nhà nước chưa thể hiện được vai trò dẫn dắt”, Thủ tướng nhận xét.

Sau khi phân tích nguyên nhân, Thủ tướng quán triệt, cần rút kinh nghiệm, chỉ ra nguyên nhân của những điểm chưa được, xử lý nghiêm những người làm sai, vi phạm nhưng không vì thế mà “chùn bước”.

“Các doanh nghiệp Nhà nước phải tự tin đi lên, thắng không kiêu, bại không nản, tạo động lực mới, khí thế mới, thành quả mới, thắng lợi mới”, Thủ tướng nói.

Tái cấu trúc về bộ máy, vốn, kinh doanh

Theo Thủ tướng, các doanh nghiệp phải nhạy cảm chính trị, nhạy bén kinh tế, xoay chuyển và chuyển đổi trạng thái bằng tất cả tư duy, kinh nghiệm; chủ động hơn nữa, đề ra những cách làm mới để tăng tốc, vượt lên.

Tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước thuộc các thành phần kinh tế khác nhau, tạo các chuỗi liên kết, cung ứng trong nước, giảm lệ thuộc vào nước ngoài.

Doanh nghiệp Nhà nước phải đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, tạo động lực bứt phá, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh.

Đồng thời đánh giá thực trạng các dự án đầu tư, đổi mới mô hình quản trị; tiếp tục cơ cấu lại các đơn vị thành viên, thoái vốn tại các đơn vị yếu kém, thua lỗ, không hiệu quả, duy trì nắm giữ, tăng vốn tại doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phù hợp với ngành nghề chính.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng lưu ý bộ, ngành “không để doanh nghiệp đến xin, đến kêu thì mới làm”. Ảnh: N.Bắc

Doanh nghiệp Nhà nước cũng phải chú trọng xây dựng thương hiệu, đánh giá đúng và phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để đi vươn lên; xử lý dứt điểm các tồn tại, dự án yếu kém trên cơ sở xem xét lợi ích tổng thể, chứ không phải lợi ích cục bộ.

“Chiến lược đúng đắn sẽ giúp vượt qua thách thức”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo đó, doanh nghiệp Nhà nước cần tái cấu trúc bộ máy, lao động theo hướng nâng cao chất lượng, giảm số lượng.

Họ cũng cần tái cấu trúc về vốn, bảo đảm an toàn, phát triển vốn, tập trung cho đầu tư phát triển; tái cấu trúc về sản xuất, kinh doanh theo hướng bám sát thị trường, tôn trọng quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh; nâng cao năng lực cạnh tranh, sức chống chịu với các cú sốc kinh tế cả ở trong nước và nước ngoài, bảo đảm tăng trưởng.

Bộ, ngành “không để doanh nghiệp đến xin, đến kêu thì mới làm”

Làm tốt việc giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia, khơi thông nguồn lực doanh nghiệp Nhà nước ngang tầm chiến lược, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, manh mún, cũng là nội dung được người đứng đầu Chính phủ quán triệt.

Thủ tướng ví dụ, việc xây dựng đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối phải huy động sức mạnh của các địa phương, của các doanh nghiệp, tạo cạnh tranh, chống độc quyền trong xây dựng đường dây tải điện này.

“Doanh nghiệp Nhà nước phải đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt trong đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, các ngành mới nổi. Trên cơ sở đó, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng và liên kết với các tập đoàn, tổng công ty nước nước ngoài, tập đoàn tư nhân để tạo ra chuỗi giá trị, không làm ăn riêng lẻ trong bối cảnh hội nhập hiện nay”, Thủ tướng nói điều ông mong muốn nhất.

Với các bộ ngành, ông yêu cầu trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải tích cực, chủ động, trách nhiệm trong giúp đỡ doanh nghiệp, tạo điều kiện, cơ hội cho doanh nghiệp phát triển.

“Không để doanh nghiệp đến xin, đến kêu thì mới làm”, Thủ tướng yêu cầu bộ, ngành phối hợp hiệu quả với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, xây dựng đề án về quản lý Nhà nước với doanh nghiệp Nhà nước, theo hướng tách bạch chức năng chủ sở hữu và chức năng quản lý Nhà nước.

Hương Giang