Tại hội thảo, ông Hồ Ngọc Phan, Phó Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro, Tổng cục Hải quan cho biết, với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi tối đa, tốt nhất cho hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh hợp pháp, kiểm soát chặt chẽ rủi ro trong lĩnh vực hải quan, từ năm 2006, ngành Hải quan đã áp dụng đưa vào quản lý rủi ro theo khuyến nghị của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Qua 15 năm áp dụng quản lý rủi ro trong lĩnh vực hải quan đã đạt được một số kết quả rất đáng ghi nhận.

Tỷ lệ phân luồng kiểm tra (luồng đỏ) đã giảm đáng kể, nếu so với chiến lược năm 2020 của ngành Hải quan thì đã vượt. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của ngành, trong thời gian tới tiếp tục giảm tỷ lệ này xuống nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ngành Hải quan xây dựng những hệ thống phân luồng tự đông để đảm bảo tính khách quan, đảm bảo tính minh bạch và nhanh chóng cho doanh nghiệp.

leftcenterrightdel

Phó Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro Hồ Ngọc Phan phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TN 

Ông Alistair Gall, chuyên gia cao cấp về tạo thuận lợi thương mại của USAID đánh giá, Chính phủ Việt Nam và Tổng cục Hải quan đã có nhiều nỗ lực thực hiện cải cách hành chính và cải cách quản lý theo Nghị quyết 19 và 02. Việc áp dụng quản lý rủi ro trong thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã tạo nền tảng quan trọng cho bước đột phá cải cách hải quan.

Để giải quyết một số bất cập, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan đã xây dựng thông tư về quản lý rủi ro trong hoạt động hải quan. Đây là quy định đầu tiên trong lĩnh vực quản lý rủi ro.

Theo ông Alistair Gall, việc ban hành thông tư này không chỉ giúp tăng cường tính minh bạch trong khuôn khổ pháp lý cho hải quan mà còn tăng cường năng lực của hải quan trong các thủ tục hoạt động cốt lõi như quản lý, thực thi đối với các giao dịch, tờ khai và doanh nghiệp có rủi ro cao hơn, tạo điều kiện thuận lợi và khen thưởng các doanh nghiệp tuân thủ.

Điều này góp phần vào nỗ lực trong việc thực hiện có hiệu quả hiệp định tạo thuận lợi thương mại của WTO, đáp ứng các yêu cầu của Công ước Kyoto sửa đổi và Luật Hải quan 2014 về các vấn đề chính xung quanh quản lý rủi ro trong quản lý hải quan.

Tuấn Nhật